1 năm ban hành 1.248 văn bản hướng dẫn dạy - học, Phòng GD "than" nhân sự mỏng

26/02/2023 06:40
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Không được biệt phái giáo viên về công tác, không có chuyên viên phụ trách bậc học tiểu học, lãnh đạo phòng GD phải kiêm nhiều việc nên khó đạt hiệu quả.

Một số phòng giáo dục và đào tạo địa phương đang thiếu nhân lực trong khi khối lượng công việc lớn. Đặc biệt, có phòng giáo dục và đào tạo không có chuyên viên hỗ trợ phụ trách từng bậc học khiến trưởng, phó phòng phải đảm trách nên hiệu quả công việc chưa đạt như kỳ vọng.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đỗ Trường Sơn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) cho biết, khối lượng công việc chuyên môn của phòng rất nhiều nhưng tổng số biên chế cán bộ quản lý, chuyên viên được giao và có mặt đến hiện tại là 9 người.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

“Chỉ riêng năm học 2021 – 2022, phòng ban hành 1.248 văn bản hướng dẫn chỉ đạo hoạt động dạy học. Trong đó, khoảng 1/3 số văn bản có yêu cầu cơ sở báo cáo số liệu nên việc tổng hợp vô cùng vất vả, cần nhiều thời gian. Chưa kể số lượng các văn bản phòng tham mưu để gửi cấp trên", thầy Sơn chia sẻ.

Nhiệm vụ của Phòng Giáo dục và Đào tạo là chỉ đạo hoạt động dạy học bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Tuy nhiên, thầy Sơn cho biết, với 9 biên chế hiện tại, từ lãnh đạo đến chuyên viên của phòng không ai thực sự đúng chuyên môn về giáo dục bậc tiểu học.

Giải quyết khó khăn trên, có 1 cán bộ phó phòng đang đi học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về tiểu học. "Tuy nhiên, việc này cũng chỉ là biện pháp trước mắt, vì kể cả khi học xong thì phó phòng cũng rất khó để chỉ đạo các nhiệm vụ mang tính chuyên môn sâu", thầy Sơn nói.

Theo thầy Sơn, trước năm 2015, số lượng cán bộ, chuyên viên phòng có 18 người. Từ năm 2016 rút xuống còn 10 người và hiện nay còn 9 người.

Cũng theo thầy Sơn, phó phòng đi học thì trưởng phòng phải xử lý thêm công việc của phó phòng nên khó khăn gấp bội. Hơn nữa, do phòng thiếu chuyên viên mảng tiểu học nên trưởng phòng thiếu đi một người tham mưu thực hiện trong quá trình quản lý, chỉ đạo hoạt động giáo dục cấp học này.

Lấy ví dụ: khi muốn thực hiện những việc liên quan đến hoạt động chuyên môn ở tiểu học, do không có chuyên viên phụ trách sâu mảng này nên cán bộ quản lý phải liên hệ với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên ở các trường để thăm dò, tham khảo ý kiến.

Hay khi xây dựng các chuyên đề, tiến hành dự giờ, nếu không thực sự chuyên sâu về vấn đề thì cán bộ phòng giáo dục và đào tạo sẽ không thể góp ý thiết thực cho giáo viên.

Muốn nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở các trường học trên địa bàn nhưng biên chế giao cho phòng giáo dục và đào tạo huyện Thái Thụy không có vị trí phụ trách các đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Ngoài ra, phòng có trách nhiệm quản lý ngân sách là đơn vị dự toán cấp 1 nhưng vị trí kế toán vẫn đang khuyết.

Theo chia sẻ của thầy Sơn, hiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy có tổng 3 lãnh đạo và 6 chuyên viên. Số lượng biên chế được giao hàng năm không đổi nhưng khối lượng công việc lớn thêm. Việc nhiều, cán bộ quản lý, chuyên viên phòng nhiều khi phải làm đêm, hoặc tăng ca vào thứ 7, chủ nhật.

Cùng bàn về những khó khăn, một vị Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo của một huyện ở tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện phòng có tổng 10 biên chế, trong đó có 1 trưởng phòng, 2 phó phòng và 7 chuyên viên, nhưng theo kế hoạch sắp tới sẽ giảm còn 9 biên chế.

Trước đây, phòng có biệt phái một số giáo viên dạy ở các trường trên địa bàn về công tác tại phòng. Tuy nhiên, theo Điều 43 trong Quyết định Số 470/QĐ-UBND ngày 20/2/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị quy định:

"1. Việc biệt phái công chức, viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách;

b) Để thực hiện công việc chỉ cần giải quyết trong một thời gian nhất định.

2. Thời hạn biệt phái công chức, viên chức không quá 03 năm. Đối với một số công việc đặc thù, thời hạn biệt phái thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

3. Không thực hiện biệt phái công chức, viên chức nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi (trừ trường hợp công chức, viên chức có nguyện vọng biệt phái)".

Quy định trên được xây dựng căn cứ trên các Luật và Nghị định liên quan, việc thực hiện biệt phái giới hạn về thời gian, nhiệm vụ, đối tượng nên các phòng giáo dục và đào tạo khó khăn hơn. Khối lượng công việc tăng hàng năm trong khi số người làm việc ít đi nên lãnh đạo, chuyên viên phải "đội" thêm nhiều việc không đúng trình độ chuyên môn.

Cũng theo vị Phó Trưởng phòng, khó khăn lớn nhất hiện nay là lực lượng nhân sự mỏng nên việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo các hoạt động giáo dục trên địa bàn chưa đầy đủ như mong muốn.

"Lãnh đạo phòng có chuyên môn về cấp học nào sẽ phụ trách chính cấp học đó và một số nội dung công việc khác. Còn chuyên viên sẽ thực hiện nhiệm vụ soạn thảo văn bản, xây dựng kế hoạch để tham mưu lãnh đạo phê duyệt, chỉ đạo thực hiện. Nhưng trên thực tế, đôi khi cán bộ chuyên viên bận do kiêm nhiều việc nên lãnh đạo phòng sẽ phải tự xử lý từ khâu xây dựng kế hoạch, soạn thảo kế hoạch.

Thiếu nhân lực nên phòng đề xuất xem xét tăng thu nhập cho cán bộ quản lý, chuyên viên vì họ phải đảm đương nhiều công việc, thậm chí có việc không đúng với trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, thu nhập chưa tương xứng cường độ làm việc, áp lực lớn”, vị này cho biết thêm.

Biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức.

(Khoản 1 Điều 36 Luật Viên chức 2010)

Ngọc Mai