Ngày 18-8, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (Ban Chỉ đạo) đã họp và yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục đề cao cảnh giác, chủ động đối phó với hoàn lưu bão số 5.
Hậu quả nặng nề
Ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), nhấn mạnh các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là vùng Tây Bắc tuyệt đối không được chủ quan, cần thực hiện các biện pháp đề phòng, chủ động ứng phó với lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Ông Diệu đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn bố trí lực lượng ở các điểm xung yếu dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở để kịp thời tiếp cận khắc phục hậu quả.
Mưa bão làm đổ cây cắt đứt nhiều tuyến đường ở Hà Nội. Ảnh: THẾ DŨNG
Theo Ban Chỉ đạo và báo cáo từ các địa phương, mưa gió do ảnh hưởng của bão số 5 vào chiều tối 17-8 đã làm chết 10 người, trong đó có 2 người ở TP Sơn La, 1 cháu bé ở Lào Cai, 3 người Yên Bái, 1 người Bắc Giang, 1 tài xế taxi tại Hà Nội... Ngoài ra, còn có 3 người khác mất tích (chủ yếu ở các tỉnh miền núi và ven biển) và 11 người bị thương (1 ở Hà Nội, 10 người Yên Bái). Theo ước tính ban đầu của nhiều địa phương, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 5 gây ra đến hàng chục tỉ đồng.
Nhà cửa, hoa màu bị tàn phá
Theo báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, mưa to đã gây ngập hàng loạt tuyến đường và đổ hàng trăm cây xanh ở Hà Nội. Đến chiều 18-8, hầu hết các tuyến phố bị cây đổ như Lý Thường Kiệt, Lò Đúc, Tràng Thi, Hàng Bông, Phủ Doãn, Hàng Gà, Hàng Chiếu… đã thông đường trở lại. Nhân viên Công ty Môi trường đô thị TP đang tích cực quét dọn, vệ sinh đường phố.
Tại tỉnh Quảng Ninh, có 23 bè nuôi trồng thủy sản bị đứt dây trôi ra biển, trên các bè có 41 người đã được lực lượng bộ đội biên phòng đưa vào bờ an toàn. Ở Móng Cái, 1 tàu cá đứt neo trôi ra biển nhưng ngư dân được cứu an toàn.
Tại TP Hạ Long, một thuyền đánh cá neo đậu tại Cảng Mới, phường Bạch Đằng bị đứt neo, trên tàu có 4 ngư dân đã được công an đường thủy đưa vào bờ an toàn. Bão số 5 đã làm đổ khoảng 30ha mía, 30 ha ngô, 5 ha keo cùng cây ăn quả và làm tốc mái một số nhà trên địa bàn huyện Hải Hà.
Tại Yên Bái, có 10 người bị thương phải đưa đi cấp cứu; 142 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn; 5.764 nhà bị hư hại, hàng chục cột điện, hàng trăm cây xanh ven đường bị đổ gãy..., ước tính thiệt hại ban đầu trên 13 tỉ đồng. Một số tuyến đường trọng yếu như tỉnh lộ từ thị xã Nghĩa Lộ đi huyện Trạm Tấu sạt lở lớn gây ách tắc giao thông hoàn toàn khiến huyện Trạm Tấu bị cô lập, gần 300 ngôi nhà bị hư hại. Đáng lo ngại là đến tối 18-8, tại huyện Trạm Tấu, trời tiếp tục mưa to, việc khắc phục hậu quả mưa bão hết sức khó khăn, nhất là những điểm bị sạt lở.
Tỉnh Điện Biên xảy ra ngập úng trong vùng lòng chảo Điện Biên Phủ và lũ quét tại một số nơi, thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng. Tại Phú Thọ, mưa to kèm theo dông, lốc đã làm hơn 20 ngôi nhà tốc mái, 5 ngôi nhà bị sập, hơn 100 ha lúa bị úng ngập hoàn toàn. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm hàng chục hecta hoa màu bị thiệt hại. Nước lớn làm ngập toàn bộ diện tích hoa màu ven sông và ngập nhiều đồng lúa tại các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Vĩnh Lạc… của tỉnh Vĩnh Phúc. Nước lũ còn làm ngập nhiều đoạn trên Quốc lộ 2C từ Vĩnh Yên đi Tân Trào, Tuyên Quang...
Xuất hiện lũ trên sông
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 19-8, trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa. Đỉnh lũ trên các sông Thao, Lô, Gâm, thượng lưu các sông Cầu, Thương, Lục Nam có khả năng ở mức báo động 1; trên các sông suối nhỏ có nơi trên báo động 2. Mực nước hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại và sông Hồng tại Hà Nội vẫn còn dưới mức báo động 1. Đến 7 giờ ngày19-8, nước trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên mức 6,25 m. Đến 19 giờ ngày 18-8, mực nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại có khả năng lên mức 3,2 m.
Hiện các tỉnh miền Bắc vẫn đang tiếp tục có mưa. Do vậy, cần theo dõi chặt chẽ để chủ động ứng phó khi có sự cố.