Ngày 09/01/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 56/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt tài liệu hướng dẫn nhân viên y tế trường học về chăm sóc mắt và phòng, chống suy giảm thị lực cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Quyết định này được căn cứ theo Nghị định số 123/2016/NĐ-CP, Nghị định số 86/2022/NĐ-CP của Chính phủ; Quyết định số 85/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ý kiến của Bộ Y tế tại Công văn số 7069/BYT-MT; Biên bản họp ngày 09/12/2022 của Hội đồng thẩm định tài liệu hướng dẫn nhân viên y tế trường học về chăm sóc mắt và phòng, chống suy giảm thị lực cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non và theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất.
Tài liệu hướng dẫn nhân viên y tế trường học về chăm sóc mắt và phòng, chống suy giảm thị lực cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non gồm có 03 nội dung chính: Những vẫn đề chung về y tế trường học trong việc chăm sóc mắt và phòng chống suy giảm thị lực cho trẻ em mầm non; Hướng dẫn chuyên môn y tế trường học về chăm sóc mắt và phòng chống suy giảm thị lực cho trẻ em mầm non; Truyền thông phòng chống các bệnh, tật về mắt và phòng, chống suy giảm thị lực cho trẻ em mầm non.
Ảnh minh họa (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo). |
Trong tài liệu nêu rõ, y tế trường học tại Việt Nam chịu sự quản lý của 2 ngành chính là ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Y tế.
Ngoài ra, tài liệu cũng nhấn mạnh về nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học trong công tác chăm sóc mắt và phòng, chống suy giảm thị lực cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non gồm 02 nhiệm vụ chính là tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em trong nhà trường và tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe.
Trong nhiệm vụ tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em trong nhà trường cần:
Phối hợp với cơ sở y tế có chuyên môn về mắt kiểm tra sức khỏe vào đầu năm học để đánh giá tình trạng thị lực của trẻ;
Thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ, phát hiện suy giảm thị lực và các bệnh tật khác để xử trí, chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe;
Phối hợp với các cơ sở y tế có đủ điều kiện để tổ chức khám, điều trị các bệnh, tật và các vấn đề về mắt cho trẻ;
Sơ cứu, cấp cứu ban đầu các chấn thương về mắt theo quy định hiện hành của Bộ Y tế;
Tư vấn cho giáo viên, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ về các vấn đề liên quan đến bệnh, tật về mắt của trẻ; hướng dẫn cho trẻ biết tự chăm sóc đôi mắt;
Hướng dẫn nhà trường tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, đa dạng thực phẩm, phù hợp với đối tượng và lứa tuổi;
Phối hợp với cơ sở y tế địa phương trong việc tổ chức các chiến dịch uống vitamin A và truyền thông khác về mắt;
Thông báo định kỳ tối thiểu 01 lần/năm học và khi cần thiết về tình hình sức khoẻ nói chung, tình trạng thị lực của trẻ cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ. Nhân viên y tế trường học đánh giá tình trạng sức khỏe và mắt của trẻ vào cuối mỗi cấp học để làm căn cứ theo dõi sức khỏe ở cấp học tiếp theo;
Lập và ghi chép vào sổ khám bệnh, sổ theo dõi sức khỏe của trẻ, sổ theo dõi tổng hợp tình trạng sức khỏe và mắt của trẻ;
Thường xuyên kiểm tra, giám sát các điều kiện học tập về ánh sáng, vệ sinh trường lớp, an toàn thực phẩm, cung cấp nước uống, xà phòng rửa tay;
Thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo cung cấp nước sạch cho trường học phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt;
Kiến nghị với Ban giám hiệu, đơn vị có liên quan về các điều kiện phòng học, bàn ghế, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, trang thiết bị phòng y tế, bếp ăn, nhà vệ sinh không đảm bảo theo quy định và đề xuất Ban giám hiệu, đơn vị có liên quan sửa chữa, thay thế, khắc phục.
Trong nhiệm vụ tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, nhân viên y tế trường cần:
Tham gia biên soạn, sử dụng các tài liệu truyền thông giáo dục sức khỏe, truyền thông các bệnh, tật về mắt với nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện cụ thể của từng địa phương;
Tổ chức và phối hợp tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe cho trẻ và cha mẹ hoặc người giám hộ về các biện pháp phòng chống các bệnh về mắt; phòng chống tai nạn thương tích và các chiến dịch truyền thông, giáo dục khác liên quan đến công tác y tế trường học do Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động;
Đề xuất lồng ghép các nội dung giáo dục sức khỏe, phòng chống các bệnh tật về mắt trong các giờ giảng;
Tổ chức cho trẻ thực hành các hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống các bệnh về mắt; phòng chống tai nạn thương tích thông qua các hình thức, mô hình phù hợp.