Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. |
Đa Chiều ngày 9/2 bình luận, Bắc Kinh đang ra sức "vũ trang" cho Bangkok trong khi Washington đang tiến thoái lưỡng nan với chính đồng minh của mình ở Đông Nam Á. Trong cùng một thời điểm đã có 2 ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc ghé thăm Bangkok để củng cố quan hệ với chính quyền quân sự Thái Lan, trong đó đảm bảo Bắc Kinh sẽ không can thiệp và sẽ "làm bạn Bangkok trong mọi tình huống.
Ngày 5/2 ông Mạnh Kiến Trụ, ủy viên Bộ chính trị kiêm Trưởng ban Chính pháp trung ương đã sang Thái Lan với vai trò đặc sứ của ông Tập Cận Bình để hội kiến với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, gửi thông điệp của Trung Nam Hải đến Bangkok. Cũng từ ngày 5/2 đến 7/2, một ủy viên Bộ chính trị khác, ông Thường Vạn Toàn - Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Quốc phòng cũng thăm chính thức Thái Lan thúc đẩy hợp tác quân sự song phương.
Theo tường thuật của tờ Bangkok Post ngày 9/2, Thường Vạn Toàn đã nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không có kế hoạch can thiệp vào chế độ quân sự ở Thái Lan, điều mà Bangkok đang lo ngại đồng minh lâu năm nhất của mình là Hoa Kỳ đang nỗ lực theo đuổi. Trong cuộc hội đàm hôm Thứ Sáu với Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit, ông Thường Vạn Toàn cam kết sẽ tăng cường hợp tác trong nghiên cứu và cung cấp công nghệ quốc phòng, giảm giá đặc biệt cho Thái Lan nếu họ mua tàu ngầm, xe tăng và các vũ khí khác của Trung Quốc.
Người phát ngôn quân đội Thái Lan Khongcheep dẫn lời Thường Vạn Toàn nói rằng, ông hiểu chính trị Thái Lan là khá phức tạp và ca ngợi vai trò của quân đội Thái Lan trong việc kiểm soát tình hình. Giới quan sát cho rằng Bangkok đang mượn mối quan hệ với Trung Quốc để cân bằng với ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây vốn không ngừng gia tăng áp lực cho chính quyền quân sự sớm khôi phục tiến trình dân chủ ở Thái Lan.
Sau đảo chính quân sự, Danile Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á là quan chức cao cấp nhất của Nhà Trắng đặt chân xuống Bangkok. Ngay sau đó ông Russel đã thúc giục tướng Prayut Chan-o-cha bỏ mệnh lệnh quản chế quân sự, tranh thủ các biện pháp hoàn chỉnh toàn diện chế độ dân chủ ở Thái Lan. Daniel Russel nhấn mạnh, mặc dù Thái Lan và Mỹ đã có hơn 180 năm bang giao, nhưng chừng nào Bangkok không chịu khôi phục chính quyền dân sự, thì chừng đó Mỹ sẽ không có cách nào khôi phục quan hệ giữa 2 nước trở lại bình thường.
Từ khi đảo chính quân sự, Mỹ đã cắt viện trợ quân sự cho Thái Lan, kêu gọi tạm dừng tập trận chung và ngừng hẳn các chuyến thăm viếng cấp cao. Phát biểu của Daniel Russel ngay lập tức vấp phải phản ứng khá dữ dội của một số quan chức chính phủ và học giả Thái Lan. Thậm chí một số người đã tổ chức họp báo lên án nhà ngoại giao Mỹ "can thiệp công việc nội bộ" của Thái Lan hoặc phê phán Daniel Russel đã "thất lễ" với Bangkok.
Chính vì thời điểm nhạy cảm như vậy, việc 2 ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc đồng thời đi Bangkok không thể không khiến dư luận chú ý đặt câu hỏi, phải chăng Trung Nam Hải muốn tranh giành ảnh hưởng với Nhà Trắng ở Thái Lan trong lúc quan hệ Mỹ - Thái đang xuống thấp. Tháng 12 năm ngoái cũng đã ghi nhận tình huống hiếm gặp, khi ông Lý Khắc Cường vừa rời Bangkok được vài ngày, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã sang Bắc Kinh củng cố khả năng hợp tác "đổi gạo lấy đường sắt cao tốc" mà 2 bên thỏa thuận trước đó.