Các dự án phát triển trên sông Mê-kông gần đây, đặc biệt là việc xây dựng các đập thủy điện đang có những ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến cuộc sống của các dân cư sống ở lưu vực sông Mê-kông.
Mặc dù ASEAN đã có một vài nỗ lực nhằm thúc đẩy các biện pháp đảm bảo an ninh nguồn nước ở Tiểu vùng sông Mê-kông (GMS) nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê-kông quốc tế lần thứ 3, từ ngày 02-05/4/2018 tại Campuchia (Ảnh: TTXVN). |
Vấn đề an ninh nguồn nước và các đập thủy điện trên sông Mê-kông
Sông Mê-kông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi ra biển Đông.
Với chiều dài khoảng 4.800km, sông Mê-kông có chiều dài lớn thứ 12 trên thế giới và khu vực hạ lưu sông Mê-kông có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các nước có dòng sông này chảy qua.
Theo đó, 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đến từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long (tên thường gọi dành cho sông Mê-kông ở Việt Nam), nơi có 20 triệu người dân đang sinh sống.
Trong khi đó, biển hồ Tonle Sap của Campuchia nằm ở hạ lưu sông Mê-kông được cho là một trong những ngư trường cho nhiều cá nhất trên thế giới, cung cấp 60% lượng dinh dưỡng cho người dân Campuchia.
Theo ước tính, hàng năm ngư trường ở khu vực hạ lưu sông Mê-kông đem lại giá trị kinh tế khoảng 17 tỷ đô-la Mỹ. [1]
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo khu vực Tiểu vùng sông Mê-kông sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây mất an ninh nguồn nước trong những năm tới, trong đó có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và việc chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện về những tác động của các đập thủy điện xây dựng trên sông Mê-kông.
Sơ đồ các đập thủy điện trên sông Mê-kông (Ảnh: greenidvietnam.org.vn). |
Khu vực Tiểu vùng sông Mê-kông được cho rất dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
Bất cứ thay đổi nào liên quan đến dòng chảy, nguồn phù sa, nhiệt độ nguồn nước ở sông Mê-kông đều đe dọa đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở khu vực này.
Một điều đáng lo ngại nữa là các nước ở dọc khu vực sông Mê-kông đang thực thi chính sách tăng cường xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính.
Nguyên do được cho là sự gia tăng dân số sẽ làm gia tăng nhu cầu sử dụng nguồn nước và năng lượng.
Hiện có 11 đập thủy điện trên thượng nguồn và 30 đập ở phụ lưu của sông Mê-kông đang được đề xuất xây dựng trong vòng 20 năm tới.
Một lý do khác đưa ra để bảo vệ việc xây dựng các đập thủy điện này là lợi ích về kinh tế khi xuất khẩu năng lượng, giúp xóa đói, giảm nghèo và cung cấp điện năng với giá rẻ hơn.
Đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%, chính phủ Lào rất kỳ vọng vào việc xuất khẩu năng lượng sang các nước láng giềng thông qua việc xây dựng các đập thủy điện.
Ví dụ, đập Theun-Hinbourn được cho là sẽ mang lợi nhuận về khoảng 60 triệu USD/năm, trong đó 60% được nộp vào ngân sách cho chính phủ Lào. [2]
Mặc dù có nhiều luận điểm được đưa ra để ủng hộ cho việc xây dựng các đập thủy điện tại khu vực Tiểu vùng sông Mê-kông nhưng nhiều chuyên gia cũng đang bày tỏ sự lo ngại đối với những tác động tiêu cực, đặc biệt là về môi trường của các dự án xây dựng này.
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, nhiều dự án thủy điện được đề xuất xây dựng trên dòng chính của sông Mê-kông không đáp ứng được những tiêu chí tối thiểu về môi trường hay phát triển kinh tế xã hội, có thể sẽ gây ra hậu quả to lớn đối với cộng đồng dân cư đang sinh sống ở khu vực đó. [3]
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Lãnh đạo Ủy hội sông Mê Công quốc tế |
Ông Naruepon Sukumasavin (Ban thư ký, Ủy hội sông Mekong quốc tế) cho rằng, các dự án thủy điện sẽ làm giảm độ màu mỡ của đất, từ đó dẫn đến giảm sản lượng lúa gạo cũng như sản lượng cá.
Các vùng có nguy cơ gồm vùng ngập lụt Tonle Sap ở Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Theo nghiên cứu của ông Naruepon Sukumasavin, dự báo đến năm 2020 chỉ còn 30% và năm 2040 chỉ còn 4% lượng phù sa bồi lắng của dòng Mê-kông do bị các đập giữ lại. Sản lượng đánh bắt cá ở hành lang sông Mê-kông sẽ giảm khoảng 1,57 tỉ USD. [4]
Ngoài ra, việc thay đổi dòng nước bởi các đập thủy điện sẽ gây ra tác động tiêu cực đến năng suất trồng lúa, ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở khu vực.
Hiện nay, hàng năm thời gian mùa khô đã kéo dài thêm 28%, trong khi đó mùa mưa giảm xuống 4% trên lưu vực sông Sepok, Sekong và Sesan (hay còn được gọi là 3S).
Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi được coi là vựa lúa gạo lớn nhất của Việt Nam, nông dân ở đây phụ thuộc rất nhiều vào mùa nước nổi hàng năm, đem theo phù sa phục vụ cho việc chăm bón cho các cánh đồng lúa.
Tuy nhiên, năm 2016 khu vực này đã phải chứng kiến đợt hạn mặn khắc nghiệt nhất trong trong vòng 90 năm qua, mà nguyên nhân được cho là ngoài tác động của biến đổi khí hậu, còn có ảnh hưởng của việc xây dựng các đập thủy điện dọc sông Mê-kông.
Ông Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, Hoa Kỳ nhận định người dân ở Philippines và Indonesia sẽ bị đói nếu Thái Lan và Việt Nam không sản xuất đủ lúa gạo. [5]
Nỗ lực của khu vực trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước
Năm 1995, bốn nước (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) đã ký Hiệp định hợp tác Mê-kông 1995 và thành lập Ủy hội sông Mê-kông quốc tế (MRC).
Hiệp định này là cơ sở pháp lý duy nhất trong vùng nhằm quản lý và phát triển lưu vực sông Mê-kông.
Năm 2005, Kế hoạch hành động chiến lược của ASEAN về Quản lý nguồn nước đã được thông qua, trong đó nhấn mạnh đến biến nhận thức thành hành động đối với việc quản lý nguồn nước và phát triển bền vững sông Mê-kông.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng các sáng kiến nói trên của khu vực chưa đặt vấn đề an ninh nguồn nước làm trọng tâm mà phần lớn tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại, năng lượng, du lịch, khai khoáng... phục vụ cho mục tiêu hội nhập kinh tế ở Tiểu vùng sông Mê-kông.
Vừa qua, Trung tâm Habibie thuộc Chương trình nghiên cứu ASEAN đã đưa ra 03 kiến nghị đối với ASEAN để giúp các nước thành viên quản lý tốt hơn và bền vững hơn nguồn nước sông Mê-kông. [6]
Cụ thể là:
Thứ nhất, ASEAN cần tập trung nhiều nguồn lực hơn trong công tác đảm bảo an ninh nguồn nước và phải coi đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
Bởi lẽ, hiện có 60 triệu công dân của các nước thành viên ASEAN đang sinh sống dựa trên nguồn nước của sông Mê-kông.
Thứ hai, ASEAN cần thể hiện vai trò điều phối hiệu quả hơn giữa các nước thành viên trong việc thực thi đầy đủ Hiệp định Mê-kông (năm 1995).
Qua đó, ASEAN có thể giúp tạo ra sự cân bằng giữa các nước bằng việc đưa vấn đề an ninh nguồn nước là mối quan tâm chung của tất cả các nước thành viên hơn là của một tiểu vùng như hiện nay.
Thủ tướng đưa thông điệp mạnh mẽ về sử dụng tài nguyên nước Mekong |
Thứ ba, ASEAN cần thiết lập một cơ quan khu vực đảm nhiệm về công tác đảm bảo an ninh nguồn nước nhằm cung cấp các nghiên cứu có tính tổng thể, toàn diện và khách quan.
Bởi lẽ, hiện nay các dự án xây đập thủy điện được cho là chưa đánh giá đúng thực trạng và tác động có thể gây ra đối với các quốc gia ven sông, dẫn đến việc một số quốc gia dễ dàng thông qua các chính sách, mà chưa có sự phối hợp đồng bộ của các bên liên quan.
Sông Mê-kông có ý nghĩa về kinh tế và môi trường quan trọng đối với tất cả các nước nằm trong lưu vực sông.
Theo đó, việc tiến hành các hoạt động trên lưu vực sông Mê-kông cần không gây ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái của sông, đảm bảo khối lượng, chất lượng nước trên sông và lợi ích công bằng, chính đáng của tất cả các nước trong lưu vực sông.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://theasiadialogue.com/2017/08/24/water-conflicts-and-development-in-the-mekong-what-role-for-asean/
[2]Tham khảo bài viết “Mekong River Governance and ASEAN Community Building” của tác giả Vanarith (2018)
[3]Tham khảo bài viết “Impacts of Mainstream Hydropower Dams along the Mekong River on Human Security” của nhà nghiên cứu Sothirak (2018), Viện Nghiên cứu Hòa bình và Phát triển Campuchia
[4]http://www.fao.org/docrep/005/y3994e/y3994e13.htm
[5]http:// cogitasia.com/by-the-numbers-drought-on-themekong-river/
[6]http://admin.thcasean.org/assets/