3 kết quả nổi trội của ngành giáo dục năm 2020 đều có dấu ấn của Hiệp hội

05/01/2021 07:29
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước đây, hiện nay và tới đây Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng ngành giáo dục, cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm 2020, mọi hoạt động kinh tế - xã hội của hầu hết các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Đặc biệt, tại Việt Nam, vừa Covid-19, vừa bão lũ triền miên xảy ra ở các tỉnh miền Trung.

Khi cả nước gồng mình đối phó với các thảm họa này thì điều đầu tiên mà ngành giáo dục gây ấn tượng với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đó là đã vượt qua thử thách và đạt được nhiều kết quả nổi trội.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhớ lại, khi dịch Covid-19 xảy ra, tất cả mọi người, thậm chí chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước chỉ tính đến việc ngừng các hoạt động có thể dẫn đến sự lây lan của dịch bệnh, trong đó giáo dục là lĩnh vực đầu tiên phải dừng lại.

Thậm chí, thời điểm đó, các cơ quan quản lý chỉ đạo học sinh nghỉ học hết tuần này rồi lại đến tuần khác, hi vọng dịch qua nhanh để các em có thể trở lại trường nhưng do tình hình dịch bệnh kéo dài triền miên kể từ sau tết âm lịch 2020 do đó nếu chỉ nghỉ học rồi chờ đợi thì rất thụ động.

Để đối phó với tình hình, ngành giáo dục có chủ trương “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”, lúc đó nhiều nghi ngờ về hình thức dạy học từ xa (bao gồm dạy học qua truyền hình, dạy học trực tuyến) bởi lâu nay chúng ta quen với hình thức học trực tiếp face to face.

Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm cao, ngành giáo dục đã triển khai được hoạt động đào tạo từ xa một cách hiệu quả. Kết quả là, dù không đến trường nhưng các hoạt động dạy – học vẫn được triển khai giúp học sinh, sinh viên kết thúc học kỳ 2, hoàn thành năm học 2019-2020 một cách tốt đẹp.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Tùng Dương)

“Đây là thành tích nổi trội mà ngành giáo dục Việt Nam đi trước so với các hoạt động kinh tế xã hội khác, đồng thời cũng đi tiên phong so với hệ thống giáo dục trên thế giới. Bởi sau Việt Nam thì nhiều nước trong đó có cả các nước có nền giáo dục tiên tiến mới áp dụng đại trà mô hình đào tạo từ xa”, Tiến sĩ Khuyến đánh giá.

Nhìn lại quãng thời gian ấy, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, thực tế có thể làm tốt hơn nữa nếu chúng ta chủ động triển khai hoạt động giáo dục từ xa sớm hơn và có sự chỉ đạo thống nhất trong toàn hệ thống để tận dụng sức mạnh của cả hệj thống chính trị chứ không phải chỉ để các địa phương tự quyết định phương thức thực hiện. Bởi khi có sự thống nhất thì huy động nguồn lực cũng dễ dàng hơn và tập trung hơn.

Điều ấn tượng thứ hai đó là việc chúng ta đã tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và sau đó là xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020 thành công.

Bởi theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, sau những tiêu cực diễn ra ở kỳ thi ở các năm trước thì xã hội nghi ngờ chủ trương của ngành giáo dục trong việc triển khai thống nhất kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và giao tổ chức thực hiện kỳ thi đó cho địa phương khó có thể thành công và không chặn được tiêu cực. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không thể sử dụng để xét tuyển mà muốn tuyển sinh cần phải tổ chức kỳ thi thứ 2.

Thế nhưng năm 2020 đã chứng mình định hướng chỉ đạo trong thi tốt nghiệp và tuyển sinh như trên là chính xác. Nhìn lại thì thấy không chỉ Việt Nam làm vậy mà thế giới nhiều nước tiên tiến cũng triển khai tổ chức thi như vậy với mục đích là giảm mức độ phiền hà với người học, giảm sự tốn kém của xã hội như ở các mùa thi những năm trước.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đánh giá: “Nhìn nhận lại tuyển sinh năm 2020 cho thấy chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn nữa nếu chúng ta có sự thống nhất cao hơn trong toàn xã hội, khi ủng hộ chủ trương này nhằm mục đích giảm bớt phiền hà đối với người học, giảm bớt sự tốn kém xã hội mà vẫn bảo dẩm yêu cầu chất lượng, thí dụ nhưmạnh dạn triển khai phần mềm lọc ảo không phải do từng trường, từng cụm trường làm mà Bộ đứng ra làm, xem như một dịch vụ công ích, thì hiệu quả kinh tế và độ chính xác sẽ rất cao”.

Điều ấn tượng thứ ba đó là câu chuyện của giáo dục đại học. Đến nay vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục đại học đi chậm, có phần trì trệ, các kết quả đạt được còn rất thấp so với giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng: “Nếu đánh giá như vậy thì không công bằng vì nhiều năm qua, đối với giáo dục đặt ra vấn đề là làm sao phát triển giáo dục ở mọi trình độ để có thể đuổi kịp, đi tiên phong, đứng hàng đầu trong khu vực và thế giới nhưng trong điều kiện hoàn cảnh nguồn lực đầu tư rất hạn hẹp, bao gồm cả từ nhà nước lẫn người dân, vì nước, dân ta còn nghèo.

Đó là bài toán rất khó đối với giáo dục. Trong tình hình đó thì lẽ đương nhiên nguồn ngân sách phải ưu tiên cho giáo dục bậc thấp tức là giáo dục phổ thông; nên giáo dục đại học sẽ càng gặp khó khănnhiều hơn về nguồn lực”.

Để giải quyết bài toán này thì trước đây Đảng, Nhà nước đã đưa ra chủ trương xã hội hóa giáo dục tức là huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách; chúng ta đã làm nhưng kết quả đạt được chưa cao.

Những năm gần đây chúng ta áp dụng chủ trương thứ hai do Đảng, Nhà nước giao đó là giao quyền tự chủ cho các trường đại học. Tuy nhiên, khi trao quyền tự chủ đối với các trường công lập thì việc chuyển đổi quyền lực từ cơ quan chủ quản (bộ chủ quản) sang nhà trường thường vấp phải chuyện cơ quan chủ quản có chịu tự nguyện trao quyền tự chủ đó cho các trường không, nếu không thì chủ trương tự chủ không đi vào được cuộc sống.

Mặt khác trao quyền tự chủ không phải là trao cho một cá nhân mà là trao cho một tập thể nhà trường đó là Hội đồng trường – đại diện cho chủ sở hữu, và các bên liên quan. Do đó cần phải chọn đúng cơ cấu thành viên Hộ đồng trường để bảo đảm cho Hội đồng trường có thực quyền.

Những nội dung này, về cơ bản đã được thể chế hóa, cụ thể hóa ở Luật giáo dục đại học sửa đổi 2018 (gọi tắt là Luật 34).

Nhưng có trớ trêu là khi áp dụng Luật 34 thì các trường đi vào tự chủ vấp phải hàng loạt các luật khác như Luật đầu tư công, Luật công chức, viên chức… chưa được điều chỉnh với tinh thần của tự chủ đại học. Do đó những trường đi tiên phong về tự chủ lẽ ra phải được tôn vinh là đơn vị anh hùng nhưng khi xem xét theo tinh thần của các luật khác thì có thể lại là tội đồ.Tôi cho rằng, nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh lại các luật khác theo tinh thần tự chủ, có như vậy tự chủ đại học mới đi vào được cuộc sống.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, nhiều trường vẫn có bước phát triển nhanh. Nhìn qua bảng xếp hạng đại học thì năm 2020 có khá nhiều trường được xếp hạng ở vị trí xứng đáng, nếu trước đây mơ ước 1-2 trường thì giờ đây chúng ta có hàng chục trường lọt vào nhiều bảng xếp hạng có tên tuổi của khu vực và thế giới.

Tôi cho rằng nếu đầu tư cho một cá nhân, nhà khoa học để giành được vị trí xứng đáng, danh hiệu xứng đáng đã là rất khó khăn rồi nhưng đầu tư cho một cơ sở giáo dục đại học đạt được danh hiệu cao quý thì còn khó gấp 10, 100 lần, nhưng thực tế chúng ta cũng đã làm được, đặc biệt năm 2020 vừa rồi. Đó là thành tích lớn của giáo dục đại học, khoog thể phủ nhận.

Nhưng bên cạnh chuyện tự chủ thì còn chuyện có trường thông cảm với khó khăn tài chính của nhà nước nên chấp nhận hầu như không nhận đồng ngân sách đầu tư nào của nhà nước, mà tự nguyện bươn chải, cũng không thu hút nguồn lực từ người dân tức là tăng vô cùng tận học phí nhưng vẫn đạt được đẳng cấp rất cao, thậm chí rất kỳ diệu trong các bảng xếp hạng quốc tế. Tôi muốn tới Trường Đại học Tôn Đức Thắng”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.

Quay lại bài toán nguồn lực hạn hẹp đối với giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học trong khi chúng ta vẫn đặt mục tiêu phát triển nhanh thì từ câu chuyện của Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho ta thấy ngành giáo dục hoàn toàn có thể làm được bài toán đó nếu chúng ta biết phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống.

Bởi theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đánh giá: “Trường Đại học Tôn Đức Thắng thành công là nhờ vào phát huy sức mạnh tổng hợp đó. Những năm tới ngành giáo dục cần làm sao đúc rút kinh nghiệm của trường này và một vài trường khác để đưa mặt bằng giáo dục đại học nâng lên mà không dặt điều kiện về nguồn đầu tư dồi dào từ nhà nước.Cần sớm tổng kết bài học đó sau đó phổ biến đại trà cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học, khi đó toàn ngành sẽ có bước đi nhanh hơn và vững chắc hơn”.

Dưới góc độ của Hiệp hội Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, trước đây, hiện nay và tới đây Hiệp hội sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng ngành giáo dục, cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để một mặt đưa chủ trương Đảng, Nhà nước về giáo dục đến được các trường, mặt khác là tham gia đóng góp tiếng nói phản biện để các chủ trương tốt hơn.

“Trong năm 2020 thì cả 3 vấn đề nổi trội mà tôi vừa nêu đều có sự tham gia tích cực của Hiệp hội, Hiệp hội chúng tôi cũng cam kết sẽ luôn tham gia cùng bộ, cùng ngành trên bước đường phát triển của giáo dục Việt Nam trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định.

Thùy Linh