Trong mục Diễn đàn chủ nhật hôm nay, Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến nêu thực trạng hiện tại, đồng thời cho rằng con số 1% là hoàn toàn không đáng tin cậy.
* Ông Lê Nam (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa):
30% là có căn cứ
Ông Lê Nam |
- Tôi tiếp cận với con số 30% cách đây khoảng hai năm, được các nhà khoa học đưa ra tại một hội thảo của Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, đây là con số công bố dựa trên kết quả điều tra, khảo sát. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói con số 30% là hoàn toàn có căn cứ. Nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời trước Quốc hội rằng đó chỉ là dư luận. Có thể không phải là 30% mà là 25% hay 28%, nhưng có một điều ai cũng phải thừa nhận là có một số lượng rất lớn cán bộ, công chức không làm được việc, chắc chắn không phải là 1%.
* Ông có thể nói gì về nguyên nhân của tình trạng này, phải chăng là do cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm?
- Có một thực trạng mà chắc ai cũng thấy rõ là bây giờ ngành nào cũng phải ưu tiên tuyển dụng con em trong ngành. Chỉ riêng câu chuyện ấy đã nói lên chất lượng cán bộ, công chức. Rồi những vị trí “ngon” thì con ông cháu cha chiếm chỗ, thân quen gửi gắm. Hẳn chúng ta vẫn chưa quên câu chuyện chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội phát biểu công khai tại HĐND TP rằng chạy một suất công chức ở Hà Nội không dưới 100 triệu đồng. Nhưng sau đó tôi lại nghe nhiều người nói rằng tại sao giá suất công chức ở Hà Nội rẻ thế. Đấy, những tiêu cực và cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm hiện hành là nguyên nhân chính dẫn đến sự dư thừa, kém hiệu quả của bộ máy.
* Đầu kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh cũng tâm tư rằng ông không thể tuyển một người giỏi vào bộ máy của mình được do không thể trả lương cao và cũng khó đuổi những người yếu kém đang ngồi chiếm chỗ...
- Tôi nghĩ không chỉ Bộ trưởng Vinh bất lực, mà ngay cả đến Thủ tướng cũng không thể tuyển những người tài giỏi vào bộ máy của mình nếu cứ giữ cơ chế như hiện nay. Trước đây tôi làm thủ trưởng một đơn vị, khi tôi về đó nhận nhiệm vụ thì người tiền nhiệm đã tuyển dụng thêm nhiều người, trong đó một số là con cháu của họ. Tôi về thì tôi không thể đuổi bớt người đi được bởi họ sẽ kiện, sẽ oán hận tôi. Tôi cũng không thể tuyển thêm nữa, kể cả tuyển người có chất lượng cao hơn bởi hết biên chế rồi. Với cơ chế hiện nay rất khó đuổi người, bởi cuối năm bình bầu cán bộ, đảng viên, công chức thì dường như ở đâu cũng 100% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
* Tại sao lại có con số 100%, thưa ông?
- Trước hết là do tiêu chí đánh giá. Thứ hai là do bệnh thành tích, cơ quan nào cũng muốn có số đẹp, đơn vị nào cũng đặt mục tiêu phải trong sạch, vững mạnh. Thứ ba là cả nể với nhau. Tôi muốn nói là toàn bộ cơ chế ấy, cung cách ấy ngáng trở mục tiêu cải cách bộ máy. Vậy mà đến nay Bộ Nội vụ chưa tham mưu được gì căn cơ để thay đổi cơ chế này.
* Theo ông, thay đổi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm hiện nay thì dễ hay khó?
- Tôi nghĩ không khó lắm, vấn đề là có dám làm hay không. Chẳng hạn, có một vấn đề quan trọng cứ nói mãi mà vẫn chưa làm được là tính cạnh tranh trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm. Ví dụ bầu vị trí chủ tịch tỉnh, bổ nhiệm vị trí giám đốc sở tại sao lại chỉ có một người? Tôi nghĩ phải công khai cạnh tranh mới chọn được người tốt nhất.
LÊ KIÊN thực hiện
* PGS.TS Võ Kim Sơn (Học viện Hành chính quốc gia):
1% là đáp số giả
- Cách đây khoảng hai năm, Bộ Nội vụ có thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học điều tra, khảo sát, đánh giá về hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của công chức. Nghiên cứu chỉ ra được nhiều bất cập trong hoạt động công chức. Có người đến cơ quan chỉ lo... sắc thuốc, có người đi cà phê cà pháo. Dù vậy, tôi vẫn cho rằng nghiên cứu này không bao giờ tìm ra con số trung thực.
Hiện chưa có phương pháp nghiên cứu tối ưu nào để cho ra kết quả chính xác bao nhiêu phần trăm công chức không làm được việc. Nếu điều tra theo cách này thì có thể 30-50% công chức không làm được việc, nhưng theo cách khác tỉ lệ lại tụt xuống không tưởng. Nhưng dù thế nào, nhìn đơn giản từ thực tế thì thấy ngay tỉ lệ 1% là “đáp số giả”, chỉ dựa hoàn toàn vào mức độ hoàn thành công việc theo báo cáo của các cơ quan.
* Sự lãng phí từ tình trạng công chức không làm được việc không chỉ ở hệ thống tiền lương phải chi trả, mà còn biểu hiện ở sự thiệt thòi khi người dân hiện chưa được sử dụng dịch vụ hành chính công một cách xứng đáng...
- Công chức của ta vẫn chưa được giáo dục rõ rằng đặc thù công việc của anh là cung cấp dịch vụ và bản chất của hoạt động dịch vụ là phụ thuộc vào khách hàng, không biết khách đến lúc nào, mà phải luôn trong tư thế sẵn sàng. Trong khi đó, nhiều người ăn lương công chức nhưng vẫn mơ hồ nghĩ mình làm sản xuất kinh doanh, làm hết ngần ấy sản phẩm là xong. Không ít người cho rằng để cải cách công chức thì khoán việc cho họ như công nhân nhà máy, nhưng làm thế sao được?
* Có ý kiến cho rằng tỉ lệ “công chức không làm được việc” cao không chỉ vì đâu đó công chức còn lười, bộ máy làm việc chưa hiệu quả, mà còn bởi lý do số lượng công chức đang quá nhiều...
- Đặt giả thiết tỉ lệ 30% là có thật thì chắc chắn điều này gắn với đặc trưng khu vực nhà nước VN lâu nay vẫn “vừa thừa lại vừa thiếu”. Song khi hỏi một ông bộ trưởng, một ông giám đốc sở xem ai thừa ai thiếu thì lại chẳng thể chỉ ra được.
Thói quen của các đơn vị vẫn là hằng năm được “xin thêm biên chế”. Không chỉ ra nổi ai thừa ai thiếu, nhưng mỗi khi có việc là thấy lúng túng, lại vội vã đề xuất “xin người”. Hậu quả là những người mới tuyển có thể năng lực tốt, tiếp tục được phát huy, trong khi người cũ trình độ tầm tầm thì càng không có việc để làm. Có điều, nếu bây giờ thực hiện một cuộc cách mạng, sắp xếp, bố trí lại vị trí từng người thì cả hệ thống có dám mạnh dạn áp dụng “luật chơi”: không có việc thì đưa họ ra khỏi biên chế, hay áp dụng việc nghỉ chế độ, nghỉ hưu không?
Còn nhớ năm 2001, Thủ tướng ban hành quyết định tinh giản 15% biên chế. Khi đó, tôi xây dựng cho đơn vị mình một quy trình chín bước để thực hiện tinh giản biên chế đúng người, trong đó bước đầu thực hiện tinh giản 2% trước. Nghĩa là xây dựng bộ tiêu chuẩn cho người đủ năng lực ở lại, rồi nâng dần tiêu chuẩn để tinh giản tỉ lệ lớn hơn. Nhưng kết quả của cả nước là không tinh giản được phần trăm nào, cuối cùng còn tăng số lượng công chức lên thêm hơn 10%.
NGỌC HÀ thực hiện
* Ông Châu Minh Tỷ (nguyên giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM:
Có thể giảm ngay 20%
- Từ trước tới nay, chưa có một thống kê chính xác về số lượng cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc. Tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi cho thấy trong các cuộc hội họp, nhiều thủ trưởng nói có khoảng 30% cán bộ, công chức không đáp ứng được nhu cầu công việc. Những người này, thủ trưởng có phân công việc nhưng chỉ là những việc đơn giản, tránh để họ ngồi không. Với cơ chế hiện nay, một người vô biên chế nhà nước rồi thì có biên chế “suốt đời”, đưa ra khỏi biên chế rất khó.
Nguyên nhân chính là do trình độ chuyên môn. Phần lớn cán bộ, công chức chưa đáp ứng nhu cầu công việc là những người không thích ứng được với điều kiện làm việc mới trong thời đại công nghệ thông tin, hoặc có nguyên nhân từ việc không được bố trí phù hợp với chuyên môn. Ví như một số thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài về lại được bố trí làm việc tại các ban Đảng, những cán bộ, công chức không có năng lực nhưng được tuyển dụng qua gửi gắm hay giữ chân nhà nước để làm dịch vụ bên ngoài...
Nhược điểm lớn nhất của cán bộ, công chức của ta hiện nay là chưa làm việc hết lòng. Những người làm việc tốt chưa được đánh giá đúng, chưa được hưởng thù lao tương xứng. Nhiều khi người làm việc tích cực, hết mình còn bị cô lập trong tập thể. Tại không ít cơ quan chỉ có khoảng 30% công chức làm việc tích cực, 40% làm việc trung bình và 30% làm việc yếu.
Muốn giải quyết sớm tình trạng trên, có hai việc cần làm: Một là, phải có mô tả công việc cho từng chức danh. Mỗi sở, mỗi cơ quan có bao nhiêu công việc phải làm, từ đó tính ra lượng công chức. Mỗi công chức phải làm được những việc gì và được trả lương ra sao. Hai là, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc. Trên cơ sở này, giao quyền tuyển dụng cho thủ trưởng cơ quan: tự sát hạch, chọn người đủ năng lực làm việc và tự chịu trách nhiệm, các cơ quan bên trên không được can thiệp.
Cùng với hai việc nêu trên, phải giảm thủ tục hành chính, giảm công việc mà Nhà nước không nhất thiết phải làm. Trước mắt, nên giảm việc chứng thực bản sao y mà UBND các phường đang thực hiện. Về mặt lập pháp, các quy định của pháp luật phải rõ ràng để có thể giao việc được cho một công chức và họ tự chịu trách nhiệm. Luật rõ ràng để người dân có thể giám sát lại công chức.
NGỌC HÀ - QUỐC THANH ghi