4 ‘ông lớn’ bị loại khỏi danh sách nhận tài trợ của ADB

13/03/2013 15:39
Theo NDHMoney
VTC, Vinacomin, Vinaconex và Vinalines là những cái tên không đủ điều kiện lọt vào danh sách các DNNN sẽ được nhận tài trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp.


Kết quả đánh giá vòng 1

Cục Tài chính Doanh nghiệp, thuộc Bộ Tài chính, mới đây đã thông báo kết quả vòng 1 đánh giá các doanh nghiệp tham gia chương trình “Cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty”.

Trên cơ sở kết quả đánh giá các tiêu chí điều kiện của Hội đồng tư vấn, sau khi có sự thống nhất của Ngân hàng phát triển Châu Á và Bộ Tài chính, Ban Quản lý dự án cho biết có 5 doanh nghiệp được lựa chọn vào vòng danh sách ngắn và 4 doanh nghiệp không đạt yêu cầu.

Cụ thể, các doanh nghiệp được lựa chọn vào vòng danh sách ngắn gồm Tổng công ty Xây dựng số 1 TNHH Một thành viên (CC1), Tập đoàn Dệt may Việt Nam(Vinatex), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi) và Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon).

Còn lại, 4 doanh nghiệp không đạt yêu cầu là Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), Tập đoàn Công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Ngoài ra có 2 doanh nghiệp tham gia Dự án 1 tiếp tục tham gia dự án 2. Cụ thể, Tổng công ty cổ phần đường sông Miền Nam (Sowatco) đạt điều kiện. Riêng Tổng công ty Sông Đà sẽ phải tiếp tục chờ đánh giá kết quả thực hiện Dự án 1 của Chương trình.

Quy trình thẩm định 3 vòng

Dự án 2 thuộc Chương trình “Cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty” do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ; nhằm thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, bao gồm tái cấu trúc ngành nghề kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp và mô hình tổ chức quản lý, đổi mới và nâng cao quản trị doanh nghiệp và tái cơ cấu tài chính nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Đối tượng tham gia Chương trình là các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước, trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ của Công ty mẹ Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước tại thời điểm tham gia Chương trình.

Quy trình lựa chọn doanh nghiệp theo các tiêu chí gồm 3 bước. Bước 1 là lựa chọn DNNN theo các tiêu chí điều kiện: Bộ Tài chính và ADB thẩm định trên cơ sở kết quả soát xét của chuyên gia tư vấn (do ADB lựa chọn) về hồ sơ, báo cáo của doanh nghiệp. Kết quả bước 1 là công bố danh sách ngắn các DNNN.

Bước 2 sẽ lựa chọn doanh nghiệp theo các tiêu chí biến số. Căn cứ kết quả bước 1, chuyên gia tư vấn (do ADB lựa chọn) thực hiện đánh giá, phân tích, tính điểm theo từng chỉ tiêu cụ thể thuộc các nhóm tiêu chí biến số. Bộ Tài chính và ADB sẽ thẩm định báo cáo đánh giá lựa chọn của tư vấn và công bố kết quả. Kết quả bước 2 là lựa chọn được DNNN có số điểm cao nhất.

Bước 3 là đánh giá toàn diện hoạt động. Trên cơ sở kết quả lựa chọn theo tiêu chí điều kiện và tiêu chí biến số, DNNN có số điểm cao nhất được lựa chọn sẽ tiếp tục được đơn vị tư vấn (do ADB tuyển chọn) đánh giá toàn diện. Việc đánh giá toàn diện hoạt động sẽ đưa ra các khuyến nghị tái cấu trúc, điều kiện để tái cấu trúc thành công, khả năng hoàn trả khoản vay vốn ADB khi tham gia vào dự án thuộc Chương trình. Kết quả bước 3 là quyết định chính thức DNNN được vay vốn tín dụng từ Chương trình.

Được biết, theo Hiệp định tài trợ khung ký ngày 27/9/2010, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) sẽ hỗ trợ cho Việt Nam một khoản tín dụng với tổng giá trị là 630 triệu USD để thực hiện Chương trình “Cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty” nhằm gia tăng giá trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hóa.

Dự án 1 của Chương trình đã được triển khai với tổng giá trị 130 triệu USD (trong đó vốn ADF 10 triệu; vốn OCR là 120 triệu).

Theo NDHMoney