Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim – đoàn Hải Dương nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm không phải điều bất chợt mà đó là quá trình chúng ta đã có theo dõi.
Hay nói cách khác, đó là trách nhiệm giám sát ngay từ kỳ đầu tiên khi các vị đó được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn giữ chức vụ.
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim. Ảnh: Đ.T |
Đại biểu Vũ Trọng Kim nêu bốn căn cứ để ông đánh giá tín nhiệm:
Đầu tiên là người được bầu lên ở vị trí có nhiệm vụ quyền hạn. Nhiệm vụ đó anh có hoàn thành, quyền hạn có sử dụng hết không. Đó là cơ sở số một.
Thứ hai là nếu người được lấy phiếu tín nhiệm là đại biểu của dân thì có trách nhiệm không.
Còn vị nào không là đại biểu thì trách nhiệm với dân cũng không khác nhiều. Tất cả là phải phục vụ nhân dân. Trong điều kiện Chính phủ kiến tạo, liêm chính, anh làm như thế nào?
Thứ ba là đạo đức, lối sống. Nó bộc lộ ở điểm gì? Trong này tôi mong muốn sự nhiệt tình, làm hết sức vì dân. Người nhiệt tình nó khác, người làm cho lấy lệ, lấy phiếu thì không ổn.
Thứ tư là xung quanh vấn đề tài sản, có điều tiếng gì không. Cái này phải quan sát lối sống, nhân dân đều biết. Anh sống có gần dân không, điều đó rất quan trọng.
Bên cạnh đó, Đại biểu Vũ Trọng Kim đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu nhập, tài sản: Thu nhập, tài sản có vượt ra khỏi tầm người được lấy phiếu tín nhiệm xứng đáng thu nhập không? Cái đó là nhân dân, ai cũng theo dõi cả.
Việc giải trình là rất quan trọng, làm sao tạo điều kiện cho 48 vị được bầu, được phê chuẩn có thể trình bày.
“Tôi chắc là không có ai vi phạm cho nên không thấy sự trình bày cụ thể. Bản báo cáo kiểm điểm của 48 thành viên được lấy phiếu đã gửi đến các đại biểu chúng tôi.
Bản kiểm điểm về thời gian 3 năm nhưng trong đó ít người nói về vấn đề tài sản”, đại biểu Kim cho biết.
Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu có hỏi về vấn đề tài sản, có chất vấn gì liên quan thì những người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ phải trả lời.
Mặc dù vấn đề liên quan kiểm soát tài sản và tài sản không giải trình được phải chờ Luật Phòng, chống tham nhũng tới đây sẽ giải quyết nhưng từ trước tới nay, việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý Nhà nước luôn phải tiên phong.
“Chỗ này là chỗ rất quan trọng. Anh có công tâm, thật thà, có thực là tấm gương trung thực không là điều rất quan trọng.
Anh làm gì thì làm nhưng cuối cùng anh có động tác láu cá làm cho tài sản dôi lên nhiều lần so với thu nhập thì đó là việc lợi dụng chức vụ quyền hạn. Điều đó không ai chấp nhận được và Quốc hội lần này sẽ chú ý mặt đó”, ông Kim nói.
Đại biểu Vũ Trọng Kim tiết lộ thêm, cá nhân ông sẽ bỏ phiếu cho từng người một.
“Mỗi người tôi sẽ nhận diện một cách đầy đủ rồi mới bỏ phiếu. Phương châm của tôi là thận trọng. Làm sao sau khi quyết định rồi mình không thấy ân hận”, đại biểu thẳng thắn cho biết.
Tâm sự của tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lễ nhậm chức |
Cũng về việc lấy phiếu tín nhiệm, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - ông Phạm Văn Hòa cho biết, hiện nay các đại biểu đã nhận được báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Báo cáo này là một cơ sở để đánh giá tín nhiệm.
Từ đây, các đại biểu Quốc hội cũng sẽ nhìn nhận những mặt đã thực hiện được, mặt chưa thực hiện được và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian sắp tới của những người được đánh giá.
Những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn các vị Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ qua các kỳ họp.
Việc thực hiện lời hứa và trách nhiệm của các Bộ trưởng đến đâu cũng là một khía cạnh để đánh giá.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nói thêm: "Còn một kênh thông tin quan trọng nữa là qua các phương tiện truyền thông. Những kiến nghị, ý kiến của cử tri được giải quyết như thế nào.
Cùng với đó, cần phải đặt những người được lấy phiếu tín nhiệm trong công việc của họ ở cơ quan đó rồi trong quan hệ với các đơn vị khác. Trách nhiệm trong cơ quan, trách nhiệm với người dân cũng là một tiêu chí rất quan trọng".
Theo dự kiến, chiều nay (24/10), danh sách 48 chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín, sẽ được trình Quốc hội. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” (ba mức). Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào ngày 25/10. |