Theo báo cáo nhanh của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia mới đây, tính đến tháng 7/2023 toàn quốc xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 762 vụ (13,29%), giảm 484 người chết (14,45%), giảm 214 người bị thương (5,81%).
Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước.
Tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy và hàng hải đều giảm sâu, riêng đường sắt tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể, đường bộ xảy ra 4.906 vụ, làm chết 2.821 người, bị thương 3.458 người, giảm 760 vụ (13,41%), giảm 453 người chết (13,84%), giảm 213 người bị thương (5,8%) so với cùng năm trước.
6 tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông trong cả nước giảm mạnh ở trên cả 3 tiêu chí. Ảnh: T.D |
Riêng đường sắt xảy ra 48 vụ, làm chết 34 người, bị thương 13 người, so với cùng kỳ năm trước tăng sáu vụ (14,29%), tăng bốn người chết (13,33%), tăng hai người bị thương (18,18%).
Còn ở đường thủy, xảy ra 12 vụ, làm chết tám người, không có người bị thương, giảm tám vụ (40%), giảm 25 người chết (75,76%), giảm ba người bị thương (100%) so với cùng kỳ năm 2022. Tuyến hàng hải xảy ra bốn vụ, làm chết hai người, không có người bị thương, so với cùng kỳ số vụ và số người bị thương không thay đổi, giảm 10 người chết và mất tích (83,33%).
Về lĩnh vực hàng không dân dụng, Cục Hàng không dân dụng đã nhận được 172 báo cáo an toàn bắt buộc, xảy ra một tai nạn mức A, 40 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn.
Ngoài ra, có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 8 địa phương giảm trên 40% số người chết là: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thừa Thiên – Huế, Hà Nội, Ninh Bình.
Đặc biệt, Thái Nguyên, Đà Nẵng giảm trên 60% số người chết do tai nạn giao thông. Số người chết do tai nạn giao thông tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng giảm sâu so với cùng kỳ cả về tỷ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối.
Tuy nhiên, vẫn còn 17 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 7 tỉnh tăng trên 20% là: Lào Cai, Đồng Nai, Thanh Hóa, Sơn La, Tây Ninh, Lạng Sơn và Hà Tĩnh.
Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng nhấn mạnh, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước. Kết quả này nhờ sự tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tình trạng xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng hoạt động trên tuyến sau đợt tăng cường xử lý cũng đã cơ bản được kiểm soát.
Kết quả, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý 1.685.517 trường hợp vi phạm, phạt tiền 3.251 tỷ 819 triệu đồng, tước 328.213 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 528.461 phương tiện các loại.
Nhiều địa phương ra quân dọn vệ sinh hành lang nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Ảnh: Trung Dũng |
So với cùng kỳ năm 2022, xử lý vi phạm tăng 306.203 trường hợp (22,2%), tiền phạt tăng 1.616 tỷ 945 triệu đồng (98,9%). Trên đường bộ, có 373.931 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 22,6%), 1.159 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,07%); 35.293 trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 2,13%), 2.448 trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện (chiếm 0,15%), 34.100 trường hợp vi phạm làn đường, phần đường (chiếm 2,06%), 325.635 trường hợp chạy quá tốc độ quy định (chiếm 19,68%).
Cơ quan Cảnh sát giao thông và Cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố 2.672 vụ, với 2.694 bị can. Kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân truy tố 2.140 vụ với 2.198 bị can (Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 2.298 vụ với 2.176 bị cáo).
Lực lượng chức năng trong Quân đội đã kiểm tra 2.980 lượt xe ô tô quân sự hoạt động ngoài doanh trại, chấn chỉnh, xử lý 52 lượt xe (1,75%) chưa chấp hành tốt các quy định của Quân đội về sử dụng phương tiện quân sự khi tham gia giao thông.
Cùng với đó, công tác quản lý vận tải cơ bản đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; giá cước vận tải được công khai niêm yết, các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, thu giá vé cao trái quy định giảm nhiều so với các năm trước.
Công tác quản lý vận tải trong 6 tháng đầu năm 2023 cơ bản đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; giá cước vận tải được công khai niêm yết. Ảnh: Trung Dũng |
Bộ Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục hoạt động của các trung tâm đăng kiểm, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tiếp nhận lực lượng kiểm định viên Công an, Quân đội hỗ trợ công tác kiểm định xe cơ giới, góp phần quan trọng giải tỏa, giảm tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm trong thời gian qua; đồng thời sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật có liên quan tới đăng kiểm (sửa đổi Thông tư 16, Nghị định 139), kịp thời tháo gỡ khó khăn tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng công an duy trì quyết liệt, thường xuyên, liên tục chuyên đề kiểm soát tải trọng phương tiện, đã xử lý hơn 35 nghìn trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 2,13%), 2.448 trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện (chiếm 0,15%). Thanh tra giao thông đã tiến hành kiểm tra, xử phạt trên 4.500 xe vi phạm; tình trạng vi phạm tải trọng và kích thước thùng hàng đã giảm sâu so với cùng kỳ 2022.