Kế hoạch tổ chức Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2023

03/08/2023 07:38
Phúc Khang
GDVN- Hội nghị được tổ chức tập trung gồm 2 phiên: phiên thảo luận tại 9 tiểu ban và phiên toàn thể. Dự kiến diễn ra trong 2 ngày vào tháng 9/2023.

Thực hiện Kế hoạch số 506/KH-UBATGTQG ngày 29/12/2023 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về năm an toàn giao thông 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông an toàn”, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 với các nội dung:

Về quản lý an toàn giao thông, với các chủ đề trọng tâm: Công tác xây dựng quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải; Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Tái cơ cấu vận tải, kết nối vận tải và giảm chi phí logistics, phát triển vận tải công cộng và vận tải phi cơ giới (xe đạp, đi bộ) trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn; Giải pháp chống ùn tắc giao thông; Tổ chức thực hiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ;

Ảnh minh họa: Trung Dũng

Ảnh minh họa: Trung Dũng

Thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về tự an toàn giao thông ; Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát hiện, xử lý vi phạm tự an toàn giao thông ; Quản lý hoạt động vận tải, xây dựng, kết nối, chia sẻ, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành giao thông vận tải, công an, y tế, bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Xây dựng văn hoá giao thông.

Về hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông, với các chủ đề trọng tâm: Giải pháp nâng cao tính năng an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam (quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý, khai thác); Tổ chức quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Quản lý đấu nối, đường ngang và bảo đảm hành lang an toàn giao thông; công tác thẩm tra an toàn giao thông; Hướng dẫn tổ chức giao thông trong điều kiện giao thông hỗn hợp tại Việt Nam đặc biệt tại các khu vực có nhiều người đi bộ gồm trường học, bệnh viện;

Thiết kế và vật liệu mới nâng cao an toàn giao thông cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới trong kết cấu hạ tầng giao thông liên quan đến an toàn giao thông; Kết cấu hạ tầng giao thông cho người xe đi đạp, đi bộ và xe điện; Giao thông nông thôn; Đỗ xe và giao thông tĩnh.

Về phương tiện giao thông, với các chủ đề trọng tâm: Công tác quản lý xe chính chủ; Giải pháp nâng cao chất lượng kỹ thuật an toàn phương tiện đường bộ, lộ trình khí thải phương tiện giao thông đường bộ; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn tiên tiến về phương tiện với ô tô, xe máy, xe đạp điện, xe đạp; Quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm; Quản lý phương tiện quá hạn đăng kiểm và hết niên hạn sử dụng; Quản lý xe ba bánh tự chế; Các thiết bị bảo vệ cho trẻ em trên ô tô.

Đối với người tham gia giao thông, với các chủ đề trọng tâm: Quản lý chất lượng đào tạo người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Công tác giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường; Công tác tuyên truyền an toàn giao thông tại các địa phương; Giải pháp xây dựng văn hóa giao thông tại Việt Nam; Các nghiên cứu về tâm lý và các giải pháp tác động, thay đổi hành vi của người tham gia giao thông; Tác động của môi trường tới người tham gia giao thông.

Với việc ứng phó sau tai nạn giao thông, với các chủ đề trọng tâm: Công tác cứu chữa bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông tại các bệnh viện; hoạt động cứu hộ, ứng phó với tai nạn giao thông; lực lượng sơ cứu ban đầu (Paramedic) trong bảo đảm an toàn giao thông; nâng cao nhận thức và kỹ năng của người tham gia giao thông về sơ cấp cứu các nạn nhân tại nạn giao thông; các kiến nghị sửa đổi các quy định, trách nhiệm về cứu nạn, cứu hộ tai nạn giao thông đường bộ.

Đối với an toàn giao thông đường sắt: Công tác bảo đảm an toàn đường sắt đô thị; Bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường sắt; Phân công trách nhiệm, quyền hạn trong công tác quản lý an toàn giao thông đường sắt; Ứng dụng các công nghệ mới trong bảo đảm an toàn giao thông đường sắt; Công tác cứu hộ và ứng phó với tai nạn giao thông đường sắt; Kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan tới an toàn giao thông đường sắt.

Về an toàn giao thông đường thủy nội địa: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; Ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa; Kết nối và chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành quốc gia về lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy nội địa;

Công tác phân công, phân cấp tuyến, địa bàn, quản lý cảng, bến thủy nội địa; Nghiên cứu, bổ sung các hình thức, phương pháp thi khoa học và phù hợp với một số loại, hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, người có trình độ học vấn thấp và đồng bào dân tộc thiểu số; Nghiên cứu, phát triển đóng mới các mẫu phương tiện đường thủy nội địa có tính năng an toàn cao, giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện từng vùng miền.

Ngoài ra, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đề cập đến các chủ đề về: An toàn giao thông hàng hải; An toàn giao thông hàng không.

Đối với kinh nghiệm quốc tế về an toàn giao thông: Trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế của các quốc gia phát triển, các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam trong bảo đảm an toàn giao thông và khả năng áp dụng tại Việt Nam.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mục đích thông qua hội nghị này nhằm trao đổi, thảo luận, công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, các kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực an toàn giao thông và khả năng ứng dụng vào thực tế tại Việt Nam.

Đồng thời, thu hút các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý tham gia nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cụ thể trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại Việt Nam. Gia tăng hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn giao thông. Tăng cường hợp tác quốc tế giữa những tổ chức nghiên cứu an toàn giao thông có uy tín trên thế giới với công tác bảo đảm an toàn giao thông tại Việt Nam.

Các bài viết xin gửi về Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, toà nhà Cục Đường bộ Việt Nam, lô D20, khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội hoặc email: hnkhantoangiaothongvn@gmai.com trước ngày 30/8/2023.

Phúc Khang