60 năm đổi thay và khát vọng đưa Móng Cái thành khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm

09/10/2023 12:56
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ một huyện nghèo thuộc miền Đông tỉnh Quảng Ninh, thành phố Móng Cái không ngừng nỗ lực vươn mình, biến những dư địa trở thành sức bật phát triển mạnh mẽ.
Toàn cảnh thành phố Móng Cái nhìn từ trên cao (Ảnh: thành phố cung cấp)

Toàn cảnh thành phố Móng Cái nhìn từ trên cao (Ảnh: thành phố cung cấp)

Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) là thành phố có vị trí địa chiến lược về kinh tế, văn hoá, chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Với vị trí địa chiến lược như vậy, tỉnh xác định, phát triển Móng Cái là một trong hai mũi đột phá trong chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngược dòng lịch sử, trước năm 1963, thành phố Móng Cái là huyện thuộc miền Đông tỉnh Hải Ninh rất khó khăn (sau này tỉnh Hải Ninh sáp nhập với khu Hồng Quảng trở thành Quảng Ninh). Sau đó, Móng Cái cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh Pháp, Mỹ, đặc biệt là chiến tranh biên giới. Năm 1998, Móng Cái được nâng cấp trở thành thị xã từ đó có thêm nhiều động lực, dư địa để phát triển trở thành thành phố Móng Cái vào năm 2008.

Đến năm 2018, thành phố Móng Cái được công nhận là đô thị loại II và hiện đang trong lộ trình lên đô thị loại I, cùng với tỉnh Quảng Ninh trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Tốc độ đô thị hoá của Móng Cái hiện đang rất nhanh, xấp xỉ 69% (cả tỉnh Quảng Ninh là 67%).

Thành phố Móng Cái có diện tích tự nhiên 518,278km2, với 78,444 km đường biên giới trên bộ và trên biển tiếp giáp với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, có 17 đơn vị hành chính (8 phường, 9 xã), dân số trên 12 vạn người (dân tộc thiểu số chiếm khoảng 5,33%).

Thành phố Móng Cái có diện tích tự nhiên 518,278km2, với 78,444 km đường biên giới trên bộ và trên biển tiếp giáp với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, có 17 đơn vị hành chính (8 phường, 9 xã), dân số trên 12 vạn người (dân tộc thiểu số chiếm khoảng 5,33%).

Mặc dù được ưu ái với nhiều dư địa phát triển nhưng có thể thấy được, xuất phát điểm của thành phố Móng Cái rất thấp. Với khát vọng vươn lên, chỉ trong một thập kỷ qua, thành phố vùng biên nay đã vươn mình trỗi dậy, biến những dư địa sẵn có trở thành sức bật phát triển mạnh mẽ.

Trong đó, không thể không nhắc đến dấu mốc ngày 1/9/2022, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức được thông xe sau 25 tháng triển khai “thần tốc” với tổng số vốn đầu tư gần 13.000 tỷ. Đây cũng là tuyến cao tốc cuối cùng được hoàn thành của đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài là 176km (chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước).

Sau khi được đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc giúp giảm thời gian đi lại giữa thành phố vùng biên Móng Cái với cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất cả nước gần 600km. Đồng thời, thể hiện bước đi mạnh mẽ cũng như khẳng định sự đúng đắn của chủ trương “Đầu tư cho hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội” mà tỉnh Quảng Ninh đã và đang kiên trì triển khai.

Tiếp đó, ngày 16/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040. Theo Quyết định, Quy mô lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trên diện tích khoảng 121.197 ha, trong đó diện tích đất tự nhiên là 69.399 ha và diện tích mặt biển là 51.798 ha.

Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái được quy hoạch là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc); là trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp và cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Đồng thời, là khu du lịch quốc gia có tính chất du lịch biển đảo, thương mại cửa khẩu; là đô thị biển hiện đại và bền vững; là khu vực có vị trí đặc biệt về chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Nhằm tạo dư địa cho sự phát triển kinh tế, hiện, thành phố Móng Cái đang xây dựng đề án đề xuất một số cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Bên cạnh những hạ tầng giao thông được Trung ương và tỉnh Quảng Ninh đầu tư, thành phố Móng Cái cũng đang tập trung cao độ cho nhiệm vụ phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông như cảng biển, khu dịch vụ Logistics cửa khẩu, bến bãi phục vụ xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới, tạo mặt bằng “sạch” để thu hút các nhà đầu tư.

Ngày 1/9/2022, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức được thông xe sau 25 tháng triển khai “thần tốc” với tổng số vốn đầu tư gần 13.000 tỷ. Đây là tuyến cao tốc mang ý nghĩa hạ tầng giao thông đặc biệt đối với chiến lược phát triển của thành phố Móng Cái (Ảnh: Đỗ Phương)

Ngày 1/9/2022, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức được thông xe sau 25 tháng triển khai “thần tốc” với tổng số vốn đầu tư gần 13.000 tỷ. Đây là tuyến cao tốc mang ý nghĩa hạ tầng giao thông đặc biệt đối với chiến lược phát triển của thành phố Móng Cái (Ảnh: Đỗ Phương)

Mới đây, thành phố Móng Cái đã đề xuất chủ trương đầu tư 13 tuyến đường giao thông trên địa bàn với tổng nguồn vốn đầu tư trên 6.200 tỷ đồng. Nổi bật trong đó là dự án đường ven biển liên kết Khu kinh tế Vân Đồn với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Tuyến đường này sẽ hình thành trục giao thông kết nối Khu công nghiệp Hải Yên; cảng biển Vạn Ninh, Vạn Gia; Cửa khẩu quốc tế Bắc Luân II. Từ đó tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đưa thành phố Móng Cái trở thành đô thị loại I, khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm theo định hướng của Chính phủ.

Để hiện thực hoá mục quy hoạch xây dựng Móng Cái là Khu Kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Bá Nam – Tỉnh uỷ viên, Bí thư Thành uỷ Móng Cái nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng: quy hoạch, nguồn nhân lực và mặt bằng “sạch”.

Trong đó, muốn phát triển nguồn nhân lực phải bắt đầu từ đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Thành phố Móng Cái đặt giáo dục trong 4 mối quan hệ: đặt giáo dục trong mối quan hệ phát triển kinh tế - xã hội; đặt giáo dục trong việc xây dựng văn hoá người Móng Cái; đặt giáo dục trong chiến lược về bảo vệ quốc phòng – an ninh khu vực biên giới và đặt giáo dục trong tổng thể giữa vấn đề phát triển và an sinh xã hội. Phát triển nhanh nhưng phải bền vững.

Muốn phát triển nguồn nhân lực phải bắt đầu từ đầu tư cho giáo dục và đào tạo (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Muốn phát triển nguồn nhân lực phải bắt đầu từ đầu tư cho giáo dục và đào tạo (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Đặt giáo dục trong sự phát triển kinh tế - xã hội

Bí thư Thành uỷ Móng Cái Hoàng Bá Nam cho biết: "Thành phố Móng Cái đang tập trung phát triển giáo dục và đào tạo theo 4 yếu tố: con người; cơ chế, chính sách; môi trường giáo dục và các điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư cho giáo dục.

Về con người, thành phố tập trung đầu tư cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Lan toả tới người dân để mọi người hiểu được truyền thống hiếu học của dân tộc, từ đó chăm lo và tạo môi trường tốt nhất cho con em mình.

Thành phố sắp xếp đội ngũ trong điều kiện hết sức khó khăn khi vừa thực hiện tinh giản vừa thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục để kéo gần khoảng cách giữa chất lượng khu vực trung tâm và vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Điều này đòi hỏi các nhóm giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục.

Về đầu tư cơ sở vật chất, tôi khẳng định đây là vấn đề tỉnh Quảng Ninh nói chung và thành phố Móng Cái nói riêng đặc biệt quan tâm.

Vừa qua, thành phố Móng Cái đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Năm học 2023 – 2024, thành phố Móng Cái có 67 cơ sở giáo dục, trong đó có 55 trường từ cấp Mầm non đến trung học phổ thông và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp&Giáo dục thường xuyên. Số trường ngoài công lập là 7/55 đạt 12,72%. Tổng số nhóm, lớp học các cấp, các loại hình là 884 lớp, 30.825 học sinh.

Năm học 2023 – 2024, thành phố Móng Cái có 67 cơ sở giáo dục, trong đó có 55 trường từ cấp Mầm non đến trung học phổ thông và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp&Giáo dục thường xuyên. Số trường ngoài công lập là 7/55 đạt 12,72%. Tổng số nhóm, lớp học các cấp, các loại hình là 884 lớp, 30.825 học sinh.

Theo thống kê, hàng năm, Móng Cái dành 36% đầu tư cho giáo dục và đây là nguồn lực rất lớn (theo Nghị quyết 29, Trung ương khẳng định dành ít nhất 20% đầu tư cho giáo dục).

Theo đó, đến nay toàn thành phố có 55/55 trường học đạt kiên cố hóa (tỷ lệ 100%); có 49/55 trường học đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 89,1%). Kế hoạch năm 2023, có thêm 1 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên toàn Thành phố là 50/55 trường học (tỷ lệ 90,9%).

Đặc biệt, khi thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục chuyển nhanh từ bị động sang chủ động, lấy đối tượng học sinh là trọng tâm. Để đáp ứng mục tiêu của chương trình mới cũng như nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế, thành phố Móng Cái đang tập trung sâu vào việc “dạy chữ - dạy làm người – dạy làm nghề” để phát huy được tối đa năng lực, sở trường của học sinh, người lao động”.

Khai thác đặc sắc du lịch biên giới

Bên cạnh sự quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, thành phố Móng Cái cũng ưu tiên nguồn lực phát triển du lịch với chiến lược đưa thành phố Móng Cái trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Cụ thể, năm 2023, thành phố phấn đấu xây dựng “Thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn”; xây dựng con người Móng Cái “Văn minh - Thân thiện - Mến khách”, cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện đảm bảo phương châm 3T: “Thân thiện - Tiện lợi - Tin cậy”.

Thành phố Móng Cái đặt ra chiến lược phát triển trở thành trung tâm du lịch quốc tế (Ảnh: thành phố cung cấp)

Thành phố Móng Cái đặt ra chiến lược phát triển trở thành trung tâm du lịch quốc tế (Ảnh: thành phố cung cấp)

Để tạo sự khác biệt, đặc sắc của du lịch biên giới, theo Bí thư Thành uỷ Móng Cái Hoàng Bá Nam, thành phố tập trung đầu tư nguồn lực cho phát triển du lịch và điểm nhấn là 5 điểm đặc sắc:

Thứ nhất, đặc sắc du lịch Móng Cái là “Hai quốc gia một điểm đến” khi khách du lịch đến Móng Cái sẽ được sang Đông Hưng (Trung Quốc) còn khách du lịch từ nội địa Trung Quốc được sang Móng cái.

Thứ hai, du lịch Móng Cái đặc sắc có một không hai khi du khách được trải nghiệm tự lái xe qua biên giới. Dự kiến 30/10, thành phố sẽ mở tuyến du lịch đặc biệt tạo điều kiện cho khách du lịch từ nội địa Trung Quốc được lái xe sang Móng Cái và thành phố Hạ Long. Khách du lịch Việt Nam được lái xe sang Đông Hưng và đi sâu vào Nam Ninh (Trung Quốc).

Thứ ba, đưa ẩm thực Việt – Trung trở thành nét đặc sắc của du lịch Móng Cái, du khách khi du lịch tại Móng Cái sẽ được thưởng thức ẩm thực Trung Quốc và ngược lại.

Thứ tư, Móng Cái đang biến chuyển sang “chất”, khách du lịch ra Móng Cái được mua sắm hàng chất lượng cao, hàng hiệu. Đây cũng là một trong những vấn đề khách nội địa Trung Quốc quan tâm.

Hiện, thành phố đang phối hợp với một số nhà đầu tư để hình thành ra trung tâm thương mại, đưa hàng hiệu của thế giới đến Móng Cái. Thành phố cũng đang có ý tưởng quy hoạch dành 20ha thành trung tâm Outlet. Đến tháng 10/2023, nếu các thủ tục được Chính phủ phê duyệt sẽ bắt đầu triển khai.

Thứ năm, đặc sắc du lịch nghỉ dưỡng và thể thao với lợi thế trong quy hoạch của thành phố Móng Cái có hai sân Golf Vĩnh Thuận và sân bên đảo Vĩnh Trung – Vĩnh Thực. Như vậy, bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, thưởng thức hải sản, du khách còn có khu vực du lịch thể thao golf.

Hình ảnh ngọn hải đăng Vĩnh Thực (Ảnh: thành phố cung cấp)

Hình ảnh ngọn hải đăng Vĩnh Thực (Ảnh: thành phố cung cấp)

Theo số liệu thống kê trong 9 tháng đầu năm 2023, Móng Cái đón khoảng 1,9 triệu khách du lịch (được giao chỉ tiêu 1,25 triệu), dự kiến hết năm nay đạt được khoảng 2,3 triệu khách. Từ số liệu trên cho thấy Móng Cái đang là điểm hút khách du lịch. Đặc biệt, khách du lịch nội địa khi đến tỉnh Quảng Ninh đều muốn ra Móng Cái, ngược lại khách du lịch nước ngoài khi đến thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) cũng đều muốn sang Móng Cái.

Giải pháp thực hiện chiến lược phát triển Móng Cái trong giai đoạn tới

Bí thư Thành uỷ Móng Cái Hoàng Bá Nam chia sẻ những giải pháp hiện thực hoá chiến lược xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước (Ảnh: Phạm Linh)

Bí thư Thành uỷ Móng Cái Hoàng Bá Nam chia sẻ những giải pháp hiện thực hoá chiến lược xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước (Ảnh: Phạm Linh)

Trên nền tảng sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh cùng với khát vọng xây dựng thành phố Móng Cái trở thành Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước, Bí thư Thành uỷ Móng Cái Hoàng Bá Nam nhấn mạnh 5 điểm:

Một, tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để chuẩn bị mặt bằng sạch đón các nhà đầu tư chiến lược. Tạo cú hích trên nền tảng hạ tầng được Trung ương và tỉnh Quảng Ninh đầu tư.

Trong đó đầu tư theo 4 trụ cột của thành phố Móng Cái gồm: Xây dựng Móng Cái trở thành trung tâm dịch vụ thương mại cửa khẩu, cảng biển và Logistics; xây dựng Móng Cái là trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế; Xây dựng Móng Cái là trụ cột trong việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đón các nhà đầu tư về chế biến, chế tạo. Đặc biệt, đưa công nghệ cao để phục vụ cho phát triển; Xây dựng Móng Cái với hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao.

Hai, tiếp tục tập trung vừa phát triển vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ thực tế, khi các dự án khu dịch vụ thương mại, khu công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu du lịch được đưa vào hoạt động, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Bên cạnh đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, Móng Cái hướng đến đối tượng nhập cư lao động, đào tạo lại để nâng cao kỹ năng người lao động và hợp tác chuyên gia. Hiện, thành phố có đủ điều kiện để hợp tác với các chuyên gia nước ngoài theo các dòng vốn đầu tư FDI để nâng cao chất lượng phục vụ chiến lược phát triển.

Ba, dù Móng cái phát triển như thế nào cũng phải giữ được ổn định tình hình, đặc biệt là xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định hợp tác phát triển.

Trong thời gian vừa qua, việc hợp tác giữa Móng Cái với Đông Hưng, khu Phòng Thành (Trung Quốc) đã tạo được niềm tin chiến lược. Khi có tình huống đột xuất xảy ra tại biên giới, hai nước sẽ phối hợp xử lý rất nhanh. Hai bên đều thống nhất nhận thức chung trên nền tảng quan hệ hợp tác đối ngoại giữa nhân dân hai nước.

Bí thư Hoàng Bá Nam nhấn mạnh:“Khi biên giới ổn định thì kinh tế mới phát triển và ngược lại kinh tế phát triển mới giữ được biên giới ổn định”.

Bốn, về vai trò lãnh đạo của Đảng, hiện, Móng Cái đang tập trung đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Vừa thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, vừa đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và công tác đối ngoại.

Trong đó, Móng Cái bắt đầu từ khâu then chốt là đội ngũ cán bộ. Thành phố đang trong giai đoạn rà soát, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đặc biệt là cán bộ phòng, ban, phường, xã làm công tác tham mưu để thực hiện nhiệm vụ giải quyết các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ sẽ là nền tảng cốt lõi cho chiến lược phát triển. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục có sự luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ để thực hiện các mục tiêu trên.

Bên cạnh đó, thành phố xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực. Đây là những vấn đề thành phố đang rất quan tâm, làm sao để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lấy người dân làm trung tâm. Việc giám sát thông qua các cơ quan truyền thông báo chí, kênh phản biện xã hội, mặt trận tổ quốc, nhân dân. Thôn, khu, xã, phường của thành phố Móng Cái đều đang thực hiện chiến lược như vậy.

Năm, muốn cửa khẩu thông thương, một trong những vấn đề rất quan trọng mà Móng Cái đang thực hiện là chuyển nhanh sang cửa khẩu số, thông minh cùng với tuyến cửa khẩu Lạng Sơn. Cải cách giúp giải quyết nhanh các thủ tục hành chính giúp cho người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu của Móng Cái là phát triển kinh tế gắn với quốc phòng – an ninh, lấy quốc phòng – an ninh giữ vững tình hình để phát triển kinh tế - xã hội.

Việc từng bước biến những dư địa trở thành sức bật phát triển kinh tế - xã hội không chỉ giúp thành phố Móng Cái hiện thực hoá quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước mà còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống kinh tế, văn hoá của người dân nơi vùng biên.

Móng Cái gắn phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao chất lượng đời sống nhân dân (Ảnh minh hoạ: thành phố cung cấp)

Móng Cái gắn phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao chất lượng đời sống nhân dân (Ảnh minh hoạ: thành phố cung cấp)

Năm 2023, quyết tâm vì hạnh phúc của nhân dân lại thêm một lần nữa được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khẳng định khi chọn chủ đề năm là: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Chủ đề này được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất thông qua tại phiên họp thứ 31 và ban hành tại Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Cụ thể, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thành phố kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hoá, con người. Năm 2023, thành phố Móng Cái xác định chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; chất lượng dịch vụ, thương mại, logistics và đời sống nhân dân”. Một trong những giải pháp được thành phố đề ra để thực hiện thành công chủ đề công tác năm, đó là tập trung nâng cao chất lượng đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân theo các tiêu chí của “hạnh phúc”.

Theo đó, thành phố tập trung thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 10/6/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trên địa bàn thành phố”; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với xây dựng, phát triển giàu bản sắc văn hóa và con người Móng Cái “Đoàn kết - Năng động - Sáng tạo - Văn minh - Thân thiện”, có khát vọng phát triển mạnh mẽ, xây dựng quê hương Móng Cái giàu đẹp, phồn vinh.

Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng đời sống, cách làm của tỉnh Quảng Ninh nói chung và thành phố Móng Cái nói riêng đã cụ thể hóa quan điểm cốt lõi của Đảng về chính sách xã hội là vì con người, lấy con người là trung tâm.

Phạm Linh