Tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy những chuyển biến tích cực trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động người tiêu dùng Việt Nam đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại. Số liệu nghiên cứu của Công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng năm 2011 cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng tại TP.Hồ Chí Minh chắc chắn lựa chọn hàng Việt, con số này tại Hà Nội là 83%.
Sua 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thói quen tiêu dùng người Việt đã thay đổi theo hướng lựa chọn hàng sản xuất trong nước. |
Tương tự theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tháng 7/2014 cho thấy, có 92% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ rất quan tâm và quan tâm đến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 63% người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Số người tiêu dùng khuyên bạn bè người thân sử dụng hàng hóa Việt Nam chiếm 54%.
Theo điều tra hiện nay, người tiêu dùng trong nước ngày càng quan tâm hàng Việt, tại nhiều địa phương các mặt hàng dệt may, da dày của doanh nghiệp trong nước được người tiêu dùng lựa chọn chiếm tới 80%, nhóm hàng rau quả, thực phẩm chiếm tới 58%.
Bên cạnh thay đổi thói quen tiêu dùng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tác động mạnh đến hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học – công nghệ. Nhiều doanh nghiệp tự thiết kế, chuyển giao quy trình sản xuất, chế tạo, thi công các sản phẩm có hàm lượng khoa học – công nghệ tiên tiến, với tỉ lệ nội địa hóa trên 90%, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Cùng với đó qua Cuộc vận động hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa. Cụ thể, sở Công thương các tỉnh thành phố đã tổ chức gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn với gần 53 nghìn lượt doanh nghiệp tham gia tổng số hơn 48 nghìn gian hàng thu hút hơn 3 triệu lượt người dân đến tham quan mua sắm. Tổng doanh thu đạt được hơn 34,47 nghìn tỷ đồng.
Các địa phương tổ chức 1.785 hội trợ triển lãm thu hút 86,5 nghìn lượt doanh nghiệp, doanh thu bán hàng đạt 20,54 tỷ đồng.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng giúp lực lượng chức năng như quản lý thị trường, hải quan, công an phát hiện ngăn chặn hàng loạt vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó từ tháng 7/2009 đến tháng 6/2014, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 845.836 vụ, phát hiện xử lý 418.936 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 1.631 tỉ đồng.
Từ năm 2010 đến tháng 6/2014, lực lượng hải quan đã bắt giữ 87.160 vụ vi phạm với tổng giá trị hàng hóa lên đến 2.326,37 tỷ đồng. Cũng trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 5/2014 lực lượng công an phát hiện, bắt giữ 34.576 vụ buôn lậu, thu giữ hàng hóa trị giá 2.505,5 tỷ đồng; trong đó có 6.750 vụ buôn bán hàng cấm, 944 vụ hàng giả, khỏi tố 3.824 vụ với 5.477 bị can.