Mở chuyên ngành Kiểm toán đầu tư xây dựng đầu tiên của cả nước, ĐH nêu lý do

30/07/2024 09:28
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tính đến hiện tại, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội là đơn vị duy nhất quyết định mở chuyên ngành Kiểm toán đầu tư xây dựng và bắt đầu tuyển sinh năm 2024.

Là một chuyên ngành nằm trong ngành Quản lý xây dựng, Kiểm toán đầu tư xây dựng là công việc thu thập thông tin về dự án đầu tư nhằm đối chiếu, so sánh, đảm bảo đầu tư đúng mục đích, hiệu quả, giảm thiểu và loại bỏ thất thoát lãng phí, có tính phù hợp, đúng đắn, chính xác và tuân thủ quá trình đầu tư xây dựng dự án.

Với kinh nghiệm nhiều năm chủ trì đào tạo các ngành Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng; Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là đơn vị đào tạo đầu tiên tính đến thời điểm hiện tại quyết định mở chuyên ngành Kiểm toán đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đất nước.

Lắng nghe “tiếng nói” của doanh nghiệp để mở chuyên ngành

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản - Phó trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết:

Hiện nay, theo Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ có mã ngành đào tạo kiểm toán nói chung với nội dung đào tạo chủ yếu là kiểm toán doanh nghiệp và kiểm toán ngân sách. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trình độ đại học chưa có cơ sở nào đào tạo nguồn nhân lực làm kiểm toán đầu tư xây dựng.

Trong khi đó, so với nhiều nước phát triển trên thế giới, hoạt động kiểm toán nội bộ ở Việt Nam mới chỉ đang trong giai đoạn khởi đầu. Tuy nhiên, với xu thế hội nhập và sự hoàn thiện trong khung pháp lý kiểm toán nội bộ, nhu cầu về nguồn nhân lực lĩnh vực này tại Việt Nam đang rất lớn và được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Những người đã và đang làm kiểm toán đầu tư xây dựng đều là những người đã được đào tạo về kiểm toán nói chung rồi học hỏi, tìm hiểu thêm về xây dựng hoặc là những người đã được đào tạo về xây dựng rồi học hỏi, tìm hiểu thêm về kiểm toán để hành nghề. Do đó việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên làm kiểm toán đầu tư xây dựng là rất cần thiết.

10dc3e34-5e99-4ad0-9f28-e88b9501aa8c.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản - Trưởng Bộ môn Tổ chức Kế hoạch, Phó trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường.

Với những đặc điểm riêng, chuyên ngành Kiểm toán đầu tư xây dựng yêu cầu chuyên gia thực hiện nhiệm vụ này phải am hiểu về kỹ thuật xây dựng, về pháp luật về đầu tư xây dựng, các nghiệp vụ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng như: đọc bản vẽ, hiểu về cấu tạo kiến trúc, kết cấu, hệ thống công trình, kỹ thuật và công nghệ xây dựng, định mức và đơn giá xây dựng, phân tích và đánh giá dự án đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng,…

Những kiến thức này thường không được các cơ sở đào tạo về tài chính, kinh tế, thương mại giảng dạy, do không có đủ năng lực chuyên môn. Thực tế cho thấy, hiện nay ở Việt Nam, mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên được đào tạo về kế toán, kiểm toán tốt nghiệp nhưng chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này phần nào phản ánh nhân lực Kiểm toán đầu tư xây dựng ở nước ta hiện nay đang thiếu về số lượng.

Như vậy, việc mở chuyên ngành Kiểm toán đầu tư xây dựng trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, nhằm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực kiểm toán đầu tư xây dựng chất lượng cao cho các công ty kiểm toán, cơ quan nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Kết quả kiểm toán được sử dụng bởi các chủ đầu tư; công ty xây dựng; cơ quan quản lý nhà nước; giúp có thông tin đáng tin cậy để kịp thời xử lý vấn đề bất cập phát sinh cần khắc phục, các sai phạm trong quá trình giải ngân, cấp phát và sử dụng vốn đầu tư,... Các ý kiến đưa ra trong báo cáo kiểm toán sẽ là cơ sở để xem xét khía cạnh trọng yếu, đánh giá dự án có đảm bảo đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng hay không; đồng thời kiến nghị đến các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

Để thực hiện các công việc trên, Việt Nam cần một lượng lớn cử nhân, kỹ sư được đào tạo chính quy, bài bản về nội dung Kiểm toán đầu tư xây dựng. Qua các buổi hội thảo trao đổi chuyên môn với doanh nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhận thấy nhu cầu thị trường lao động hiện nay đòi hỏi Kiểm toán viên đầu tư xây dựng phải có kiến thức về pháp luật, có chứng chỉ hành nghề, có kỹ năng gắn liền với thực tiễn, đọc hiểu bản vẽ thiết kế, thực hành được việc tính toán khối lượng công tác và dự toán chi phí đầu tư xây dựng.

Chính vì vậy, “Ban Chủ nhiệm Kinh tế và Quản lý xây dựng đã xin ý kiến thông qua và được đội ngũ lãnh đạo, các thầy cô cán bộ, giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đồng lòng ủng hộ, giúp đỡ mở chuyên ngành; đồng thời được khối các doanh nghiệp tham gia tư vấn, góp ý cho chương trình đào tạo với mục tiêu chuẩn đầu ra của người học có thể bắt nhịp được ngay với công việc.

Có thể nói, về bản chất, cơ chế đào tạo của các trường đại học hiện nay giống như một doanh nghiệp. Sản phẩm đầu ra của nhà trường chính là sản phẩm đầu vào “chuyển giao” cho doanh nghiệp. Chúng ta không chỉ đào tạo thứ nhà trường có, mà còn phải đào tạo những gì xã hội cần. Vì vậy, người dạy cần liên tục cập nhật nội dung chương trình đào tạo nhằm đáp ứng xã hội”, Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

0F3A2147.jpg
Đội ngũ thầy cô giảng viên cùng sinh viên Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Ông Lưu Anh Sơn - Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và Định giá Vạn An - Hà Nội, với xuất phát điểm cũng là một kỹ sư xây dựng, từ năm 2007 tham gia lĩnh vực quản lý kiểm toán và trực tiếp phụ trách về kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành. Ông Sơn nhận định:

Số lượng dự án xây dựng sử dung vốn đầu tư công của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, khi trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành đều cần phải có công tác kiểm toán. Do số lượng các dự án đầu tư nhiều, nhân sự của kiểm toán nhà nước không đủ để đáp ứng, nên cần đến sự tham gia của các công ty kiểm toán độc lập.

Song, hiện nay, xã hội cũng đòi hỏi đẩy nhanh hơn nữa việc phê duyệt quyết toán các dự án theo quy định, hạn chế sai sót trong báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, kể cả đối với các ban quản lý dự án chuyên trách, dẫn đến thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

Có thể thấy, một bất cập hiện nay vẫn còn đang tồn tại là nhiều công ty khi tuyển dụng vị trí kiểm toán viên dự án hoàn thành, đều phải mất thời gian đào tạo lại, cập nhật thêm về những nội dung liên quan đến xây dựng, kỹ thuật. Trong khi đó, nhân sự chủ chốt của các cơ quan quản lý, công ty kiểm toán chung thường chỉ thiên về báo cáo tài chính và thuế.

Tại Việt Nam, trước đó đến nay cũng chưa có cơ sở giáo dục trình độ đại học nào đào tạo chính quy lĩnh vực này. Do đó, để đáp ứng nhu cầu của xã hội, việc Trường Đại học Xây dựng Hà Nội quyết định mở chuyên ngành Kiểm toán đầu tư xây dựng là rất phù hợp và cần thiết. Chương trình giảng dạy sẽ giúp cung cấp đội ngũ nhân lực chất lượng cao có sự hiểu biết và năng lực giải quyết chuyên môn giữa cả hai khía cạnh là kiểm toán tài chính và xây dựng kỹ thuật.

Cơ hội việc làm rộng mở, mức thu nhập hấp dẫn

Chia sẻ về nguồn “cung” và “cầu" của lực lượng kiểm toán viên đầu tư xây dựng hiện nay ở nước ta, ông Đào Thanh Tú - Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn hãng Kiểm toán và Định giá ASCO cho hay: Bên cạnh cơ quan Kiểm toán nhà nước, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam đang có hơn 200 doanh nghiệp kiểm toán độc lập. Hằng năm, trung bình mỗi công ty kiểm toán độc lập cần tuyển dụng khoảng 5-10 nhân lực làm về lĩnh vực này.

Như vậy, mỗi năm nước ta đòi hỏi cần có khoảng 1000 kiểm toán viên nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, điều này cho thấy cơ hội việc làm trong lĩnh vực này rất rộng mở. Tiên phong đào tạo đầu tiên trên cả nước, năm nay, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội mở ra chuyên ngành Kiểm toán đầu tư xây dựng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, được đầu tư bài bản là điều vô cùng cần thiết.

GDVN.png
Ông Đào Thanh Tú - Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn hãng Kiểm toán và Định giá ASCO. Ảnh: NVCC

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản, sau khi tốt nghiệp, người học chuyên ngành Kiểm toán đầu tư xây dựng có năng lực làm việc tại các vị trí như: cán bộ, chuyên viên xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, lập dự toán xây dựng, hồ sơ dự thầu xây lắp, quản lý công trường tại các doanh nghiệp, ban quản lý dự án, viện nghiên cứu, lập hồ sơ dự thầu xây lắp; tư vấn viên lập và phân tích dự án đầu tư, thẩm tra dự toán, cung cấp dịch vụ tư vấn tham gia đấu thầu; chuyên viên xem xét hồ sơ cho vay trong các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm; kiểm toán viên nội bộ trong các doanh nghiệp, chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc mọi thành phần kinh tế theo quy định pháp luật; nghiên cứu viên, giảng viên tại các cơ sở đào tạo;...

Ngoài ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể trở thành cán bộ, chuyên viên tại các bộ phận lập, phân tích, thẩm định dự án; xây dựng định mức, đơn giá xây dựng, hợp đồng xây dựng (như các tổ chức tín dụng, ngân hàng; các phòng Kinh tế Hạ tầng, các phòng Quản lý đô thị, các Ban quản lý dự án, các phòng Xây dựng Địa chính, các Trung tâm phát triển quỹ đất,... ở các tỉnh thành phố, ở các quận huyện, ở các xã phường).

Khi được trang bị chứng chỉ nghề nghiệp, cử nhân ngành Kiểm toán đầu tư xây dựng có thể tự thành lập công ty dịch vụ kiểm toán để phát triển cơ hội kinh doanh riêng theo định hướng của bản thân.

Tùy theo năng lực và hiệu quả công việc của mỗi cá nhân, người học sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ có mức thu nhập khác nhau. Ở một số hãng kiểm toán, người làm lĩnh vực này có mức lương cứng trung bình khoảng 7-8 triệu đồng/tháng kèm theo lương kinh doanh (phụ thuộc tỷ lệ phần trăm thưởng khi xử lý các sự vụ của dự án đầu tư xây dựng). Đặc biệt, nếu kiểm toán viên có khả năng bắt nhịp công việc nhanh, đáp ứng yêu cầu của công ty tổ chức, thì sau 1 năm tốt nghiệp ra trường có thể đạt được mức thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tại buổi tư vấn tuyển sinh năm 2024. Ảnh: NTCC.
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tại buổi tư vấn tuyển sinh năm 2024. Ảnh: NTCC.

Cùng bàn luận về vấn đề này, ông Phạm Đặng Giang Quân đã từng công tác 10 năm kinh nghiệm với vai trò kiểm toán viên đầu tư xây dựng tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán ASC cho biết: Cơ hội của vị trí công việc này rất rộng mở, nhất là khi tổ chức bộ máy của chủ đầu tư cần sử dụng nhân lực có chứng chỉ kiểm toán viên hành nghề. Nhìn chung, mức lương khởi điểm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường khoảng từ 7 triệu đồng/tháng, và cơ hội thăng tiến cao, tùy thuộc vào trình độ chuyên môn của mỗi cá nhân cống hiến.

Tận dụng thế mạnh đào tạo sẵn có về 3 lĩnh vực: kinh tế, quản lý, kỹ thuật

Chia sẻ về định hướng đào tạo chuyên ngành, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản cho hay: Thứ nhất, đối với học liệu phục vụ đào tạo, Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng cùng với đơn vị đầu mối là Thư viện Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã soạn thảo, rà soát, xây dựng kỹ lưỡng các giáo trình, sách tham khảo trong và ngoài nước ở từng môn học để đưa vào khung chương trình đào tạo.

Thứ hai, Khoa đã kịp thời làm việc với các chuyên gia của các công ty kiểm toán độc lập và Kiểm toán nhà nước nhằm xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Kiểm toán đầu tư xây dựng đảm bảo phù hợp với năng lực của cán bộ, cũng như tiệm cận chuẩn chất lượng của quốc tế.

Thứ ba, trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, nhà trường thường xuyên tiếp xúc và làm việc với các doanh nghiệp để cùng đưa ra cam kết hợp tác người học được tiếp thu song hành hài hòa giữa cả kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực tế. Các đơn vị doanh nghiệp cung cấp hồ sơ của nhiều dự án đầu tư xây dựng để giúp sinh viên có thể sử dụng làm dữ liệu đầu vào cho các đồ án môn học.

Khoa đã tiến hành khảo sát nhu cầu và mời các hãng kiểm toán như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hãng Kiểm toán và Định giá ASCO, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán tư vấn IFA, Tập đoàn Vinaconex, hay các cơ quan quản lý nhà nước, Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam, Cục Kinh tế xây dựng của Bộ Xây dựng,... cùng đóng góp ý kiến cho chương trình đào tạo.

Sinh viên Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Ảnh: NTCC.

Sinh viên Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Ảnh: NTCC.

Thứ tư, chuyên ngành Kiểm toán đầu tư xây dựng được áp dụng rất nhiều công cụ mang tính chuyển đổi số, các phần mềm về quản lý dự án như BIM, Microsoft Project, Crystal ball để quản lý tiến độ, đánh giá rủi ro, hoặc phân tích tài chính dự án. Đó cũng chính là những nguồn học liệu quý giúp phục vụ sinh viên có thể học tốt chuyên ngành này.

Đáng chú ý, với hơn 60 năm đào tạo, 55 năm thành lập, Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là một trong các khoa có sinh viên và học viên cao học, nghiên cứu sinh đông nhất trường; ngày càng phát triển gắn liền với ngành Xây dựng của đất nước.

Vì vậy, thế mạnh của đơn vị đào tạo là kế thừa kinh nghiệm không chỉ từ những kiến thức về nghiệp vụ kiểm toán, mà còn am hiểu về quy trình quản lý, pháp luật hiện hành, thủ tục đầu tư về công nghệ, kỹ thuật. Có thể thấy, điều này sẽ bù đắp được những kiến thức còn thiếu của các em sinh viên học kiểm toán, kế toán chung mà không chuyên sâu về xây dựng.

Hiện tại, đội ngũ giảng viên của Khoa có 2 nhà giáo nhân dân, 3 nhà giáo ưu tú, 3 giáo sư, 8 phó giáo sư, 1 tiến sĩ khoa học, 29 tiến sĩ, 22 giảng viên chính và 29 thạc sĩ. Nhiều giảng viên được đào tạo ở nước ngoài, có kinh nghiệm giảng dạy, chuyên môn cao và uy tín trong ngành xây dựng cũng như trong khối tài chính thương mại, giúp cho sinh viên có được nền tảng kiến thức ban đầu vững chắc cho chuyên ngành.

Được biết, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và Định giá ASCO tiếp nhận khoảng 5-10 sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đến thực tập hàng năm. Theo quan điểm của ông Đào Thanh Tú, người học về lĩnh vực kiểm toán và xây dựng ở các trường đại học nói chung trên cả nước đã có nền tảng cơ sở kiến thức khá tốt. Tuy nhiên, kỹ năng thực tế bắt nhịp vào môi trường làm việc của các em chưa nhiều, vẫn có độ “chênh" nhất định giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Vì vậy, người học nên được đẩy mạnh các học phần liên quan đến thực hành, tăng hàm lượng rèn luyện “thực chiến", kéo dài thời gian thực tập có thể tối thiểu 3 tháng hoặc làm quen dần với môi trường thực tiễn ngay từ năm 3.

452218691_1253770956040150_4574397020635441519_n.jpg
Tính đến hiện tại, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là đơn vị duy nhất quyết định mở chuyên ngành Kiểm toán đầu tư xây dựng ở nước ta và bắt đầu tuyển sinh vào năm 2024.

Còn đối với ông Lưu Anh Sơn, để nâng cao chất lượng giáo dục, tiệm cận năng lực chuẩn đầu ra cho người học, cơ sở đào tạo nên biên soạn chương trình phối hợp đầy đủ giữa lĩnh vực tài chính và kỹ thuật xây dựng; không chỉ đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, mà còn về hiểu biết các văn bản pháp lý liên quan, chuẩn mực kiểm toán trong nước và quốc tế, đạo đức nghề nghiệp.

Đề xuất về định hướng đào tạo, Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Toản cho biết sẽ tích hợp thời gian khoảng 5 tháng của kỳ thực tập với quá trình sinh viên thực hiện đồ án tốt nghiệp nhằm giúp người học có thể “vừa thực chiến, vừa tổng kết”. Nếu các em thể hiện được năng lực tốt trong quá trình thực tập, các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có thể “đặt hàng chiêu mộ”, giữ chân nhân tài ở lại làm việc luôn với họ.

Hiện nay, với thách thức của khoa học, công nghệ, kỹ thuật không ngừng thay đổi, đặc biệt vấn đề chuyển đổi số trong ngành xây dựng nói riêng và mọi lĩnh vực nói chung diễn ra rất nhanh chóng, thì việc đội ngũ giảng viên phải liên tục cập nhật kiến thức, phương pháp giảng dạy mới nhằm đáp ứng phù hợp với xu hướng thị trường là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi nhà trường phải có sự đầu tư chỉn chu về yếu tố con người, cơ sở vật chất, thông tin kiến thức và nguồn vốn.

Gửi gắm lời khuyên tới các em học sinh, sinh viên đang mong muốn theo đuổi chuyên ngành Kiểm toán đầu tư xây dựng, Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Toản chia sẻ: “Các em cần tỉnh táo đánh giá năng lực, sở thích và mong muốn của bản thân để từ đó có thể lựa chọn, đăng ký nguyện vọng phù hợp. Quan trọng nhất là chúng ta phải không ngừng cố gắng trau dồi, tập trung học tập, hành trang kiến thức về ngành nghề.

Đồng thời, người học nên tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể để rèn luyện khả năng phối hợp, kỹ năng làm việc nhóm, rèn luyện tinh thần trách nhiệm của mình đối với xã hội. Ngoài ra, khả năng về ngoại ngữ và tin học cũng là yếu tố hết sức cần thiết trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng hội nhập hiện nay”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế với gần 80 trường đại học quốc tế và các tổ chức từ hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới như: Pháp, Bỉ, Anh, Hà Lan, Đức, Nga, Italia, Thụy Điển, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan,... nhằm nâng cao uy tín của trường trong tầm nhìn giáo dục quốc tế thế giới.

Đây là cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực xây dựng, quy hoạch và kiến trúc. Trong 5 năm qua, toàn trường đã có 672 đề tài cấp trường và cấp trường trọng điểm, 136 đề tài cấp Bộ và tương đương, 6 đề tài cấp Nhà nước, 6 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và 17 nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cùng nhiều đề tài liên kết với các tổ chức, cơ sở đào tạo và nghiên cứu trên thế giới. Nhà trường cũng là đơn vị đăng cai chủ trì nhiều hội thảo khoa học quốc tế liên quan đến vấn đề xây dựng, quản lý môi trường, đô thị và kiến trúc, có xuất bản kỷ yếu thuộc danh mục WoS, SCOPUS.

Lưu Diễm