Theo độc giả Quang Linh, xã hội hiện nay có quá nhiều ăn xin và thật giả lẫn lộn nên rất khó để phân biệt (Ảnh Internet) |
"Tôi quá 'khâm phục' gã thanh niên ăn xin kiếm 30 triệu đồng/tháng"
Vén màn bí mật cuộc đời gã ăn xin thu nhập 30 triệu đồng/tháng
Anh Linh chia sẻ: “Sau khi đọc một loạt các bài viết, hình ảnh về gã thanh niên giả tàn tật để đi ăn xin và kiếm 30 triệu đồng/tháng đăng trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi vô cùng bức xúc. Là thanh niên, có sức khỏe, anh ta có thể kiếm được rất nhiều các công việc khác để kiếm tiền, đâu phải cam chịu cảnh đi ăn xin, sống nhờ vào lòng thương hại của người khác. Trong số những người cho tiền người thanh niên này, chắc chắn có không ít người già, em nhỏ. Tôi không hiểu nổi một thanh niên thời nay lại có thể "nhắm mắt làm ngơ" khi ngửa tay nhận lấy những đồng tiền này"...
"Tôi biết hiện nay có nhiều người già, trẻ em đói khổ, tàn tật, không nơi nương tựa và phải đi ăn xin. Những trường hợp đó quả thực rất đáng thương và cần mọi người chung tay giúp đỡ. Nhưng khổ một nỗi, giờ ăn xin thật có lẽ ít hơn ăn xin giả nên nhiều lúc gặp những người ăn xin, không cho thì thương mà cho tiền rồi tôi lại cứ băn khoăn: Mình có đang tiếp tay cho những kẻ đang giả danh không?.Rất nhiều người khỏe mạnh bình thường, có gia đình, nhà cửa, vợ con đàng hoàng nhưng lại lười lao động, giả làm người tàn tật để “làm giàu” từ việc đi ăn xin. Tôi cho rằng số ăn xin giả hiện nay là rất lớn, có thể chiếm đến 80% số người đang hành “nghề” ăn xin tại Việt Nam.
Không những thế, ăn xin giả hiện nay cũng đủ các hình thức ‘thiên biến vạn hóa’ để moi tiền khiến người dân khó có thể phân biết được với những người ăn xin thật. Tổng kết lại qua báo chí, tôi nhận thấy có mấy "chiêu" mà ăn xin giả hiện nay hay dùng nhất đó là giả làm người tàn tật, rách rưới hay thuê trẻ con rồi bồng bế theo để làm tăng thêm độ bi thương, đánh trực tiếp vào lòng tốt của mọi người.
Gã thanh niên này giả vờ làm người tàn tật để đi ăn xin và kiếm 30 triệu đồng/tháng đang gây phẫn nộ trong dư luận |
Đất nước càng ngày càng phát triển, tỉ lệ hộ nghèo đói cũng ngày càng giảm, ấy vậy mà có một nghịch lý là người ăn xin lại ngày càng nhiều hơn? Tôi nghĩ có thể đúng là nghề ăn xin "làm ăn được", không mất quá nhiều sức lao động nên mới có nhiều người theo và ‘yêu’ nghề đến thế bởi nói như ông bà ta, ăn xin là nghề "mạt vận", thời buổi này có mấy ai phải “sử dụng” đến nghề tận cùng này.
Người Việt Nam mình từ trước đến giờ vẫn vậy, tính thương người, đoàn kết, ‘lá lành đùm lá rách’ luôn sẵn có trong tim mỗi người nên khi gặp ai có hoàn cảnh khó khăn, khổ sở là sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ. Ngay bản thân tôi, nhiều khi ra đường gặp những người đi ăn xin, chả biết thật giả thế nào cũng cứ rút vài đồng tiền lẻ để ủng hộ. Nghĩ rằng nếu là người đói khổ thật thì cũng giúp họ được bát cháo, mớ rau, còn nếu mà vào những kẻ ăn xin giả thì cũng tặc lưỡi cho qua vì số tiền đó không đáng là bao.
Hết giờ "công sở", gã thanh niên trút bỏ bộ quần áo rách rưới mặc để đi ăn xin và tháo băng bó ở chân ra chễm trệ cưỡi lên chiếc xe tay ga đi dạo phố |
Theo tôi, chính cái tâm lí chung này của người dân Việt Nam đã tạo cơ hội cho những kẻ lười lao động đua nhau hành nghề ăn xin. Thấy người này làm ăn được thì người khác lại học theo.
Tôi nhớ cách đây không lâu, đọc báo thấy ở một tỉnh đồng bằng gần Hà Nội có cả một làng nghề ‘gia truyền’ về ăn xin. Ban ngày dân làng đó đi bộ lang thang khắp các tỉnh miền Bắc để ăn xin, tối về ngủ ở nhà nghỉ. Có không ít người ở làng này sau vài tháng đi ăn xin về có thể xây được nhà 3 tầng, mua xe ga đời mới…
Việc có quá nhiều người ăn xin giả đã khiến xã hội có cái nhìn không mấy thiện cảm về người đi ăn xin nói chung. Những trẻ em, người già đói rách không nơi nương tựa phải đi ăn xin thực sự đôi khi lại bị đánh đồng với đám ăn xin “hàng nhái” này. Điều này làm tôi rất trăn trở, có cách nào để phân biệt không?”
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!