Năm học mới đã bắt đầu nhưng chuyện tăng giờ năm cũ vẫn cứ dây dưa chưa hồi kết
Trong khi 9 huyện thị của tỉnh Bình Thuận giáo viên đã nhận đủ tiền dạy buổi 2 của 7 tháng học (trả lại cho phụ huynh 2 tháng nghỉ dịch bệnh) và tiền dạy tăng tiết trả bằng ngân sách nhà nước thì tại thời điểm này, khi năm học mới vừa mới bắt đầu Phòng Giáo dục Đào tạo thành phố Phan Thiết vẫn đang loay hoay với việc quy đổi tiết dạy.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Bình Thuận (baobinhthuan.com.vn). |
Ngày 3/9, Phòng Giáo dục và Đào tạo Phan Thiết có Công văn số 838/PGDĐT-TH về việc phúc đáp Công văn số 796/PGDDT-PT gửi các hiệu trưởng các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở.
Nội dung công văn nêu rõ: Các Công văn chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo về hoạt động giáo dục trong thời gian chống dịch Covid-19 đều không đề cập đến việc thay đổi số tuần thực dạy, học trong năm học 2019-2020.
Trong nội dung Công văn số 829/SGDĐT-GDTrH&CN-TX ngày 24/4/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn một số nội dung về chế độ làm việc, nghỉ hè đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 năm học 2019-2020 có nêu:
Hiệu trưởng trao đổi với tổ nhóm chuyên môn hiệu trưởng trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (trong đó có cả các tiết quy đổi);
b) Ngoài ra, nếu giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình được dùng chung cho nhiều nhóm/lớp, nhiều cấp học hoặc địa phương thì hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào điều kiện cụ thể và tính chất công việc để tính toán, quy đổi thành số tiết dạy phù hợp đối với giáo viên đó hoặc tính toán, quy đổi cho cả những người cùng tham gia đảm bảo đúng người, đúng việc;[1]
Việc quy đổi số tiết dạy của giáo viên phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với trung học phổ thông theo quy định).
9 huyện thị trong tỉnh Bình Thuận đã trả tăng giờ cho giáo viên, sao Phan Thiết lại ngoại lệ?
Giáo viên bức xúc vì công sức bỏ ra nhưng không được ghi nhận, họ đã làm đơn gửi nhà trường, gửi phòng, sở, gửi chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nhưng những lá đơn ra đi đều không thấy phản hồi.
Trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Hải - Bí thư Thành ủy Phan Thiết hứa sẽ họp 3 phòng ban liên quan (Phòng Tài chính-Kế hoạch, Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục) để làm rõ và trả lại công bằng cho giáo viên.
Thế nhưng sau lời hứa ấy đến nay vẫn chỉ là sự im lặng, khi chúng tôi liên tục liên lạc lại để hỏi kết quả giải quyết ra sao, điện thoại bí thư đổ chuông nhưng không nhận được bất kỳ sự hồi đáp nào.
Một sự im lặng thật khó hiểu. Niềm tin cuối cùng của giáo viên Phan Thiết lại rơi vào khoảng lặng.
Một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao 9 huyện thị tại tỉnh Bình Thuận đã được thanh toán đầy đủ tiền tăng tiết nhưng riêng thành phố Phan Thiết lại không? Lẽ nào Phan Thiết là ngoại lệ?
Tại sao giáo viên gửi đơn phản ánh, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có cả loạt bài viết nhưng vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ các cấp có thẩm quyền?
Dù thế nào, giáo viên vẫn cần một lời giải thích thật rõ ràng. Việc này nếu không được giải quyết ổn thỏa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc dạy và học của giáo viên trong năm học này.