Ông Đinh La Thăng lấy đâu 600 tỷ đồng để bồi thường thiệt hại?

31/03/2018 07:46
XUÂN QUANG
(GDVN) - Trong vụ việc này, điều khiến các chuyên gia lo ngại chính là việc thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát do hành "Cố ý làm trái" của ông Thăng và đồng phạm.

Ông Thăng có tẩu tán tài sản không?

Trong phán quyết sơ thẩm mới đây được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra, bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên phạt (sơ thẩm)18 năm tù giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm liên đới bồi thường 800 tỷ cho cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Riêng cá nhân ông Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng

Đây chỉ là một trong số các vụ án kinh tế, có số tiền thất thoát lớn, trong đó ngân sách nhà nước tổn thất không hề nhỏ.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, điều khiến các chuyên gia lo ngại chính là việc thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát do hành "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" có liên quan đến ông Thăng và đồng phạm.

Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa (Ảnh tư liệu: TTXVN).
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa (Ảnh tư liệu: TTXVN).

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 30/3 xung quanh câu chuyện thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát trong vụ án này:

“Việc tòa tuyên án ông Đinh la Thăng là một chuyện, nhưng chuyện ông ấy có bồi thường được số tiền mà ngân sách nhà nước bị thất thoát do hành vi của bị cáo và các đồng phạm gây ra hay không và việc bồi thường như thế nào lại là một câu chuyện khác.

Theo tinh thần Bộ Luật hình sự mới, bên cạnh xử phạt người có tội, vấn đề quan trọng vẫn là thu hồi tài sản nhà nước đã thất thoát. 

Theo đó, trong quá trình điều tra cơ quan có thẩm quyền phải xác minh, để kê biên tài sản của đối tượng, để đảm bảo việc bồi thường thiệt hại sau khi tòa tuyên án, tránh tẩu tán tài sản.

Nếu việc kê biên tài sản tốt thì thi hành án sẽ tốt”, ông Thuận bình luận.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nhận định rằng, trong vụ việc này, việc thi hành án (số tiền ông Thăng phải bồi thường) sẽ gặp khó khăn vì đây là số tiền lớn và rất có thể tài sản của ông Đinh La Thăng từng có được đã bị tẩu tán từ trước đó.

Thiệt hại do nhân dân gánh chịu

Đồng quan điểm trên, một cựu Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (đề nghị giấu tên) phân tích thêm: 

Từ trước tới nay, trong nhiều vụ án liên quan đến kinh tế, Nhà nước không thể thu được trọn vẹn tài sản đã thất thoát.

Trong vụ án này, cũng có thể xảy ra trường hợp như thế (khó thu đủ tài sản thất thoát-PV).

Ông Đinh La Thăng lấy đâu 600 tỷ đồng để bồi thường thiệt hại? ảnh 2Hào quang quan chức và nước mắt...trẻ con!

Trường hợp, nếu không thu hồi đầy đủ tài sản thất thoát thì thiệt hại của Nhà nước, nhân dân là quá rõ", vị này đưa ra bình luận.

Cựu thẩm phán cũng cho rằng, trong vụ việc này, ngoài lỗi do ông Thăng và đồng phạm gây ra thiệt hại, còn có trách nhiệm của cơ quan quản lý.

"Phải nói thẳng ra, vấn đề quản lý kinh tế của chúng ta trong vụ việc này còn hạn chế mới để xảy ra câu chuyện thất thoát tài sản nhà nước.

Mà Nhà nước chính là nhân dân. Tài sản nhà nước thất thoát thì người dân phải gánh chịu", cựu thẩm phán nói.

Từ những phân tích trên, cựu cán bộ này cho rằng, để hạn chế việc thất thu tài sản của nhà nước trong các vụ án kinh tế, một trong những giải pháp quan trọng nhất là phải tăng cường quản lý, giám sát một cách chặt chẽ những người ở vị trí dễ có khả năng vi phạm.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát (trong đó có việc kê khai, giám sát tài sản) tài sản của những người giữ những vị trí quan trọng, liên quan nhiều về kinh tế phải được tiến hành một cách chặt chẽ, kịp thời, công khai, minh bạch, nhằm ngăn chặn tình trạng đối tượng khi phát hiện vi phạm có thể tẩu tán tài sản trước khi bị bắt.

XUÂN QUANG