Ai đứng sau các dự án BOT sai phạm, thất thoát nghìn tỷ đồng?

21/05/2019 06:09
Kiến Văn
(GDVN) - Kết quả kiểm toán 8 dự án BOT trong năm 2018 gửi tới Quốc hội kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn 16,2 năm và giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công, xác định sai, tăng tổng mức đầu tư.

Thí dụ, dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C theo hình thức hợp đồng BOT 20,17 tỷ đồng.

Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT830 và ĐT824 từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An theo hình thức hợp đồng BOT 10,6 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hình thức hợp đồng BOT 98,7 tỷ đồng…

Sai phạm còn thể hiện ở khâu phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ không đúng nội dung được sử dụng theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 15/11/2013 của Quốc hội.

Sử dụng doanh thu từ trạm thu phí bổ sung vốn chủ sở hữu nhà đầu tư trong giai đoạn thi công dự án chưa hợp lý như dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - thành phố Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT.

Chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ; nghiệm thu, thanh toán sai... là những vi phạm tiếp theo được phát hiện qua kiểm toán.

Theo báo cáo, kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2018 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 836,4 tỷ đồng, trong đó, sai khối lượng là 115,4 tỷ đồng; sai đơn giá 228,2 tỷ đồng, sai khác 492,8 tỷ đồng.

Kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý lớn như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí giá trị xử lý tài chính bằng 11% giá trị được kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra sai phạm lớn ở dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí. ảnh: Báo Lao động.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra sai phạm lớn ở dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí. ảnh: Báo Lao động.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bảo (Đại biểu Quốc hội khóa 13) khẳng định: “Trong bối cảnh nước ta hiện nay đầu tư BOT vẫn là hình thức cần thiết và đúng đắn. Không chỉ BOT giao thông mà cần nhân rộng ra các mô hình khác.

Nhìn góc độ phát triển kinh tế phải nhìn một cách tổng thể, không thể thấy có những bất cập mà đánh giá sai hoàn toàn về loại hình đầu tư BOT.

Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, thời gian qua nhờ có nhiều tuyến đường BOT đã thu hút được đầu tư nước ngoài hơn, kinh tế tăng trưởng, người dân đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, đối vời từng dự án có sai phạm thì phải truy ra trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể có liên quan.

Ai đứng sau các dự án BOT sai phạm, thất thoát nghìn tỷ đồng? ảnh 2

Di sản của ông Đinh La Thăng: BOT và công tác cán bộ!

Tôi thấy rất lạ là từ trước tới giờ cơ quan kiểm toán, thanh tra đã chỉ ra nhiều dự án sai phạm, nhưng chưa thấy khởi tố điều tra, chưa xử lý hình sự với cá nhân nào".

Đúng quy trình, sao vẫn sai phạm?

Những diễn biến trong thời gian qua cho thấy người dân quá bức xúc với nhiều dự án BOT, thậm chí có lần ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội còn nói thẳng "có trạm thu phí BOT như kiểu đi trấn lột của dân". 

Đấy là những bất cập cần phải giải quyết triệt để, vừa để đảm bảo sự ổn định trong đời sống xã hội, vừa để doanh nghiệp, người dân yên tâm làm ăn.

Ông Bảo nói thẳng: “Cứ ông nào được làm BOT là tất nhiên có nhiều tiền. Từ "tay không bắt giặc" nói về đầu tư vào BOT là hoàn toàn chính xác. Nhiều dự án BOT bị đội giá đến mức độ hầu như nhà đầu tư không phải bỏ tiền túi ra mà vẫn có lãi.

Quy định hiện nay cũng không chặt chẽ nên nhà đầu tư không có năng lực tài chính vẫn trúng thầu và được vay quá nhiều. Tiền bị đôn lên như vậy đều chia ra đầu người dân gánh chịu hết". 

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: Bộ Giao thông vận tải đã triển khai kiểm tra, giám sát doanh thu 11 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ và đường cao tốc.

Tuy nhiên, tiến độ xử lý các vướng mắc liên quan đến các dự án BOT, minh bạch trong quản lý thu phí, thay đổi phương thức quản lý phương tiện giao thông trong bối cảnh ứng dụng công nghệ hiện đại… còn chậm, không hoàn thành việc thu phí tự động không dừng theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo ông Bảo, các dự án BOT đã bộc lộ quá nhiều yếu kém, sai phạm, chính điều này gây bức xúc cho dư luận.

Đặc biệt, do cách quản lý, đầu tư, vận hành, tính toán, hành lang pháp lý để dẫn đến BOT từ mục đích tốt đẹp bị méo mó phục vụ cho lợi ích nhóm.

Cách vận hành, điều hành, thực hiện không chặt chẽ, bài bản, buông lỏng quản lý, không kiểm soát được giá, thời gian vận hành, điểm thu, giá thu, thời gian thu đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

"Thủ tướng Chính phủ đã nói là Chính phủ phục vụ, kiến tạo. Vậy cán bộ nào phục vụ nhân dân không tốt, không hoàn thành nhiệm vụ, thận chí phục vụ sai dẫn đến hại nền kinh tế phải xử lý thật công bằng.

Nếu không xử lý những người phục vụ sai đó thì người kế nhiệm, thế hệ sau sẽ nghĩ sao khi người làm sai không phải chịu trách nhiệm.

Người ta sẽ tư duy làm sai hay làm đúng cũng không ảnh hưởng gì. Tư duy như thế thì đất nước làm sao phát triển được? Đã là sai phạm thì phải xử lý công bằng, và những cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm trước nhân dân phải giải trình và cúi đầu nhận tội nếu vi phạm, như thế mới đảm bảo công bằng và nghiêm minh", ông Bảo nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng cần phải xử lý công khai trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan tới các sai phạm về BOT, bao gồm cả xử lý trách nhiệm hình sự. ảnh: NQ.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng cần phải xử lý công khai trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan tới các sai phạm về BOT, bao gồm cả xử lý trách nhiệm hình sự. ảnh: NQ.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo phân tích: “Quan trọng bây giờ phải gỡ được nút thắt vấn đề BOT để làm sao hình thức đầu tư này về đúng bản chất của nó. Tức là lợi ích của các bên được đảm bảo hài hòa, trong đó có lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

anh phải đưa ra bài toán như tiền đầu tư, thời gian đầu tư, mức thu phí, thời gian thu phí phải rà soát lại, tính toán lại từ đầu tất cả các dự án.

Điều dư luận đang quan tâm chính là việc công khai tất cả các dự án, nhưng Bộ Giao thông vận tải có làm được hay không? Đó mới là nút thắt vấn đề.

Rõ ràng rà soát các dự án BOT để giảm phí là trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành giao thông, nhưng để thuyết phục dư luận đúng nghĩa vẫn phải là những con số và không có gì hơn là phải minh bạch.

Đối với những tuyến đường BOT khi bị hỏng cần phải sửa chữa thì doanh nghiệp đầu tư bỏ tiền sửa chữa hay dùng quỹ bảo trì đường bộ.  

Hay chỉ có những tuyến đường miễn phí mới dùng quỹ bảo trì đường bộ khi xảy ra hỏng hóc, xuống cấp. Bộ Giao thông vận tải cũng phải làm rõ số tiền bảo trì đường bộ dùng như thế nào cũng phải minh bạch”.

Ai đứng sau các dự án BOT sai phạm, thất thoát nghìn tỷ đồng? ảnh 4

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: "Thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột"

Trong số các dự án mà Kiểm toán Nhà nước nêu ra trong báo cáo gửi tới Quốc hội, đáng chú ý là dự án BOT Bắc Ninh-Uông Bí trên tuyến Quốc lộ 18 được Bộ Giao thông Vận tải cho phép bắt đầu thu phí kể từ 0 giờ ngày 24/12 với mức phí thấp nhất 35.000 đồng/lượt và cao nhất là 180.000 đồng/lượt.

Số tiền đầu tư vào đoạn đường này được công bố là khoảng 2.900 tỷ đồng và thời gian thu phí kéo dài tới 16 năm 3 tháng.

Khi dự án này đưa vào khai thác, nhiều người thắc mắc khi QL18 đoạn Bắc Ninh – Uông Bí dài khoảng 57km chỉ được cải tạo, nâng cấp trên nền đường có sẵn nhưng lại thu phí ở mức cao và dự tính thu trong hơn 16 năm.

Nhiều người đặt câu hỏi: Xe đã nộp phí bảo trì đường bộ, tại sao đi qua đoạn đường này vẫn phải trả phí?

Dự án BOT Bắc Ninh – Uông Bí được nối liền với Dự án BOT Uông Bí – Hạ Long (dài 30,1 km). Như vậy từ Bắc Ninh đi Hạ Long chưa đến 100km nhưng phải trả phí qua trạm hai lần và cả hai trạm thu phí này cũng đều thuộc Công ty Cổ phần Phát triển Đại Dương đầu tư và thu phí.

Tờ Pháp luật Việt Nam đăng tải trả lời của ông Lê Đình Long - Giám đốc Sở GTVT Hải Dương về những ý kiến của người dân liên quan đến Dự án BOT Bắc Ninh - Uông Bí cho biết, chiều dài dự án qua địa phận Hải Dương là chủ yếu, nhưng quyết định đầu tư và quản lý nhà nước tại dự án này thuộc về Bộ Giao thông Vận tải, mà trực tiếp là Vụ Đối tác công - tư (PPP) tham mưu. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ PPP  (Bộ Giao thông Vận tải) khẳng định, quy trình thực hiện thì BOT Bắc Ninh - Uông Bí đúng pháp luật. (1)

Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa 13) cũng cho rằng: “Để xử lý mức độ sai phạm như thế nào của từng dự án BOT thì phải rà soát lại từng dự án. Từ đó sẽ xác định được cá nhân, tập thể nào vi phạm mức độ mức nào sẽ xử lý đúng người đúng tội.

Dự án BOT sai phạm nghiêm trọng làm thất thoát tài sản lớn của nhà nước thì vấn đề quan trọng là cần phải thu hồi được tài sản đó.

Còn xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể như thế nào các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền sẽ thanh tra làm rõ. Tùy mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý đúng mức, tương xứng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân, tập thể có liên quan”.

Tài liệu tham khảo:

(1). http://baophapluat.vn/kinh-te/du-an-bot-ql18-doan-bac-ninh-uong-bi-chu-yeu-trai-tham-mat-duong-sao-thu-phi-hon-16-nam-431572.html

Kiến Văn