Sáng nay (21/5), Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
“Điểm sáng” kinh tế
Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2% và xuất siêu 2,9 tỷ USD.
Bước vào năm 2018, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, các bộ, ngành, địa phương đã sớm ban hành các chương trình, kế hoạch hành động; xây dựng kịch bản tăng trưởng theo quý đối với từng ngành, lĩnh vực và thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực hiện.
Một trong những ”điểm sáng” của nền kinh tế đất nước được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề cập là tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trình bày báo cáo. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%).
Sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,5% (cùng kỳ 7%). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 52,7 điểm, đứng trong nhóm đầu ASEAN.
Đáng chú ý là xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết; tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; cơ cấu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 21,8%.
Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 đạt 1.288,66 nghìn tỷ đồng, vượt 6,3% (76,48 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tăng 14,4% so với thực hiện năm 2016.
Trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ cũng đánh giá dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển có khả năng gặp khó khăn do đã trải qua đỉnh tăng trưởng năm 2017.
Thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng trong khối ASEAN giảm cũng có khả năng tác động làm giảm tăng trưởng trong năm 2018.
Do đó, theo Chính phủ, động lực tăng trưởng chủ yếu, có khả năng tạo bứt phá, là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây đang là kỳ vọng chính đem lại kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững
Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ: “Qua số liệu báo cáo của Chính phủ đã thể hiện các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững.
Quy mô GDP còn thấp so với dự kiến xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020, mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Không để “cò đất”, xã hội đen mua bán đất lộng hành đẩy giá lên cao |
Công nghiệp chế biến có nhiều đóng góp nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công, chưa phải là công nghệ cao, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm.
Kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra; số vốn trong các doanh nghiệp Nhà nước được bán cho các nhà đầu tư còn thấp, do vậy không tạo ra nhiều thay đổi tích cực về quản trị doanh nghiệp, hoạch định chiến lược và tăng cường hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Dù đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2018 ước đạt 7,38%, là mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây nhưng báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra rằng, động lực tăng trưởng dựa vào một số yếu tố như trong năm 2017 sẽ khó lặp lại.
“Việc một số nước lớn quay lại áp dụng các chính sách bảo hộ và các biện pháp cực đoan khó lường, áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, việc các nước nhập khẩu áp dụng tiêu chuẩn cao về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm… có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu.
Chính vì thế báo cáo thẩm tra nhấn mạnh, cần quan tâm tăng cường công tác dự báo và phân tích các diễn biến do các yếu tố địa chính trị và thương mại quốc tế, thường xuyên đánh giá đầy đủ các vướng mắc, rủi ro, các hạn chế nội tại của nền kinh tế, từ đó cảnh báo và chuẩn bị các phương án điều chỉnh phù hợp, tránh các biện pháp hành chính gây bất ổn cho nền kinh tế.