Đại biểu Quốc hội cảnh báo về giá điện

22/05/2019 07:08
Diệu Linh
(GDVN) - Chính phủ đã có báo cáo về điều chỉnh tăng giá điện gửi tới các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra.

Báo cáo cho cho biết, ngày 29/1/2019, Bộ Công thương báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án điều chỉnh giá điện năm 2019 với các phương án tăng giá 7,31%; 8,36% và 9,26%.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ kết luận chủ trương điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2019 theo phương án tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành. Bộ Công thương và Tổng cục thống kê cũng nêu đề xuất chọn thời điểm thích hợp trong khoảng từ ngày 15/3 đến ngày 30/3 để thực hiện việc điều chỉnh giá điện.

Sau đó, Bộ Công thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên mức 1.864,44 đồng/kWh từ ngày 20/3.

Trước đó, vào ngày 20/5, trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, minh bạch trong cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện và tác động của việc tăng giá xăng, giá điện đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội, quy luật, chỉ số CPI thường tăng cao vào tháng 2 (dịp nghỉ tết Âm lịch) và sẽ giảm mạnh trong tháng 3, nên sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm và kỳ vọng kiềm chế được lạm phát.

Ngoài ra, theo đánh giá của liên Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê, dự kiến điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng bình quân 8,36% vào ngày 20/3 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%.

Mặt khác, việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện vào ngày 20/3 đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tính toán tổng thể để đồng bộ với các điều chỉnh về giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, học phí, dự kiến CPI của tháng 3/2019 và cả năm 2019 nhằm đảm bảo CPI của cả năm nằm trong khoảng từ 3,3 – 3,9%, thấp hơn 4% mức CPI chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua.

Phương án giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện (khoảng 3.266 tỷ đồng) vào năm 2019, nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện là 7.090,8 tỷ đồng.

Khi đó giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 9,26%. Để tránh tác động lớn đến chỉ số CPI và để ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng 8,36%.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại giá bán điện, đảm bảo minh bạch. ảnh minh họa: TTXVN.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại giá bán điện, đảm bảo minh bạch. ảnh minh họa: TTXVN.

Trước phản ánh của một số khách hàng về hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 4/2019, Bộ Công thương đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động niêm yết công khai giá, công tác ghi chỉ số công tơ, công tác chốt chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng là do 3 nguyên nhân: Một là sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; Hai là tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; Ba là kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3/2019. 

Trong thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với các khách hàng điện sinh hoạt phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện, hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ.

Tiếp tục chương trình khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh tiến độ xây dựng và phát triển thị trường điện với mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh vào năm 2021 góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội bền vững, phù hợp với tiến trình hội nhập của đất nước.

Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019, để công bố công khai kết quả kiểm tra.

Liên quan đến sự việc này, trong báo cáo giải trình việc tăng giá điện, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo báo chí không đưa tin trái chiều và có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, kiến nghị này của Bộ Công thương không hợp lý. Người dân có quyền nêu, phản ánh ý kiến những vấn đề xuất phát từ thực tế xã hội, tác động trực tiếp tới họ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Uỷ ban Pháp luật, Phó đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, lộ trình, quy định tăng giá được Chính phủ cho phép nhưng khi thấy tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba thì người dân có quyền phản ánh. Bộ Công thương kiến nghị như vậy là "gây phản cảm".

Trước bức xúc của dư luận về tăng giá điện, Đại biểu Hòa cho rằng, Bộ Công thương với trách nhiệm quản lý ngành cần xem xét lại và giải thích hợp lý để nhận sự đồng thuận từ dư luận.

"Nếu yêu cầu xử lý phản ánh của người dân về giá điện thì chứng tỏ Bộ Công thương không cầu thị", ông Hoà nói.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, bất kỳ ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình, nhất là khi chính sách đưa ra tác động trực tiếp tới số đông. Vì vậy, nếu cho rằng người dân phản ánh vấn đề là xuyên tạc và muốn truy cứu thì không hợp lý.

Đại biểu Tuấn cho biết, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, ông nhận được nhiều phản ánh về chuyện tăng giá điện. Cụ thể là giá điện chia 6 bậc thang và định mức tính bậc 1 (0-50 kWh) khá thấp, không còn phù hợp với mức sinh hoạt đang tăng của đa số người dân. Vì vậy, nên nới định mức bậc 1 lên gấp đôi, 100 kWh, để phản ánh đúng nhu cầu tiêu dùng điện của người dân.

Trong khi đó, Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho rằng, giá điện tăng sẽ có động trực tiếp không chỉ đến người tiêu dùng mà cả khối sản xuất, khi các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau về chi phí giá điện.

Đại biểu cho rằng, Bộ Công thương cần sớm xem xét cách tính giá điện toàn diện cả 2 mặt: Thứ nhất, giá thành sản xuất điện hiện nay có đúng không? Hiện nay thất thoát đường dây còn lớn. Việc hạch toán chi phí giá thành của các doanh nghiệp cung ứng điện phải sát sao và có lộ trình để giảm dần chi phí, sao cho có chi phí thấp nhất. 

Thứ hai là xem lại vấn đề tính toán giá điện nhiều bậc thang. Với cách tính toán bậc thang hiện nay, bậc thấp nhất lại nằm ở rất ít đối tượng được hưởng lợi, còn hầu như người dân đều chịu ảnh hưởng ở các bậc cao. 

Đại biểu Tuyết cho rằng, phân nhiều bậc thang khi tính giá điện như hiện nay không mang ý nghĩa giải quyết vấn đề mà người dân mong muốn là giá điện phù hợp. Người dân dùng nhiều thì trả nhiều tiền nhưng hiện không tương xứng giữa tài chính bỏ ra và cung ứng điện, nên người dân bức xúc là dễ hiểu.

Vì vậy phải tính toán lại, giảm giá thành nhiều hơn nữa; đồng thời nên xem xét mở cửa thị trường bán lẻ điện cho nhiều nhà đầu tư có lợi thế cạnh tranh tốt hơn. Có cạnh tranh sẽ có giảm giá thành thay vì độc quyền.

Diệu Linh