Khách hàng nổi đóa vì tốc độ "rùa bò" của mạng VNPT

12/05/2015 10:52
Bình An
(GDVN) - Dù biết nguyên nhân do ảnh hưởng của đứt cáp quang AAG nhưng khách hàng VNPT vẫn nổi đóa vì tốc độ "rùa bò" của nhà mạng này trong khi các mạng khác khá ổn.

1-2 tiếng không download được 25 MB

Từ ngày 23/4, sau khi có thông tin đường cáp quang AAG bị đứt, hàng triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ internet của VNPT luôn trong trạng thái “căng mình” thử độ kiên nhẫn.

Phản ánh đến báo Giáo Dục Việt Nam, chị Nguyễn Hương - nhân viên văn phòng tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (Cầu Giấy  Hà Nội) không giấu được sự bức xúc: Những ngày qua, công việc của chị cũng như của nhiều người trong cơ quan bị ảnh hưởng nặng nề vì không thể nào vào được các website của server nước ngoài như google, facebook, gmail… khi những kênh này thường xuyên trong trạng thái quay như chong chóng. 

Chị Hương cho biết, những ngày qua chị muốn nổ tung đầu vì đường truyền của VNPT quá kém.
Chị Hương cho biết, những ngày qua chị muốn nổ tung đầu vì đường truyền của VNPT quá kém. 

Hiện cả tòa nhà nơi chị đang làm việc đều sử dụng mạng VNPT. Chị Hường cho biết, không chỉ từ sự cố đứt cáp quang và trước đó nhiều lần mạng VNPT chập chờn, cơ quan muốn đổi mạng khác nhưng ban quản lý tòa nhà cho rằng không thể đổi nhà mạng vì đã làm hợp đồng với VNPT độc quyền cung cấp internet cho cả tòa nhà.

Công việc của chị Hương thường xuyên phải sử dụng internet, nhất là vào gmail và các trang báo nước ngoài nên mỗi lần mạng chập chờn, chị muốn nổ tung đầu vì sự kiên trì có giới hạn. 

Trong khi đó, phản ánh lên bộ phận kỹ thuật của VNPT thì chỉ nhận được thông báo do đứt cáp quang, là sự việc ngoài ý muốn nên khách hàng thông cảm, chờ sửa chữa. 

Trong khi đó, một cư dân khác sống tại 25 T1 chung cư N05, Trung Hòa, Nhân Chính cũng cho biết, cả nhà chị sử dụng các thiết bị hết nối internet như smart phone, smart tivi… nhưng do mạng VNPT chập chờn nên khi về nhà là gia đình phải gác lại hết. Có lúc mở tivi chỉ mở được vài kênh nhưng tín hiệu đường truyền kém, không xem nổi.

"Hàng tháng chúng tôi đều đóng tiền đầy đủ cho nhà mạng nhưng lại được sử dụng dịch vụ quá kém", cư dân này phàn nàn.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người sử dụng internet bức xúc là trong khi tốc độ đường truyền của VNPT quá chậm thì những mạng khác không bị ảnh hưởng nhiều từ sự cố đứt cáp quang. 

Chị Hương khẳng định: "Mặc dù ở cơ quan không vào mạng được nhưng khi về nhà, tôi vẫn check mail, làm việc bình thường. Nhà tôi đăng ký mạng khác, không phải của VNPT". 

Nhiều khách hàng VNPT như chị Hương đã nổi cáu vì mạng quá chậm. Ảnh minh họa.
Nhiều khách hàng VNPT như chị Hương đã nổi cáu vì mạng quá chậm. Ảnh minh họa. 

Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên về tình hình sử dụng mạng VNPT ở các địa điểm khác trong khu vực nội thành Hà Nội, phần lớn khách hàng đều cho rằng mạng VNPT quá chậm. 

Chị Nguyễn Thị Linh (Nguyễn Xiển, Hà Nội) cho biết những ngày qua chị không thể vào email cũng như trang cá nhân. Công việc trao đổi chủ yếu qua email nên chị Linh phải dùng 3g phát qua di động để dùng.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoài Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng than thở mỗi lần về nhà làm việc, chị download tài liệu có file không quá 25 MB đều mất cả tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, khi mang máy tính ra quán cà phê gần nhà làm việc, đăng nhập một mạng khác không phải của VNPT thì lại bình thường.

Đường truyền VNPT chậm vì không có dự phòng?

Trước phản ánh của hàng loạt khách hàng về tốc độ “rùa bò” của mạng VNPT, phóng viên đã liên hệ với ông T - đại diện của VNPT khu vực Trung Hòa – Nhân Chính.

Ông T thừa nhận, tốc độ đường truyền của VNPT chậm trong những ngày qua là do ảnh hưởng của đứt đường cáp AAG từ ngày 23/4. “Việc đứt cáp quang không phải do lỗi của VNPT, hàn vết đứt cũng do đơn vị khác làm nên nhân viên kỹ thuật của VNPT cũng chưa xác định rõ khi nào sẽ xong, chậm nhất cũng phải 4 hôm nữa”, ông T cho biết. 

Khi chuyển phản ánh của khách hàng về việc đứt cáp quang, mạng VNPT chậm như rùa bò trong khi các mạng khác không bị ảnh hưởng nhiều, ông T. cho biết vì các mạng khác không sử dụng nhiều đường truyền cáp quang biển như VNPT.

"Còn nguyên nhân khác là một phần do khối văn phòng, người sử dụng internet trong cùng thời điểm cao trong khi về nhà tốc độ đường truyền nhanh hơn vì ít người vào mạng hơn, nhất là buổi tối", ông T lý giải. 

Về phản ánh khách hàng muốn đổi sang dùng mạng khác nhưng không được vì VNPT đã ký hợp độc độc quyền cung cấp dịch vụ với tòa nhà, một đại diện khác của VNPT khẳng định: “Chúng tôi không độc quyền cái gì cả, vì tòa nhà không có nhà mạng nào vào nên chúng tôi vào phục vụ khách hàng. Khách hàng có quyền chọn nhà mạng của mình”. 

Trong các đợt đứt cáp quang, đường truyền của VNPT bao giờ cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó, theo đại diện một nhà mạng khác, họ có chuẩn bị phương án dự phòng nên khi xảy ra sự cố đứt cáp họ đã bổ sung ngay đường truyền khác hỗ trợ khách hàng. 

Bình An