"Không phải cây gì, con gì cũng có thể làm thực phẩm chức năng"

11/09/2015 15:04
Hồng Minh
(GDVN) - "Dù thực phẩm chức năng không yêu cầu khắt khe như thuốc nhưng cũng có quy định rõ ràng, không phải cây gì, con gì cũng có thể làm thực phẩm chức năng".

Không nên “thần thánh hóa” thực phẩm chức năng

Hiện nay sử dụng thực phẩm chức năng không còn xa lạ với người dân. Tỷ lệ người sử dụng thực phẩm chức năng ở các nước phát triển khá cao, tại Mỹ hay Nhật Bản theo thống kê có khoảng 70% người lớn sử dụng ít nhất 1 loại thực phẩm chức năng hàng ngày. 

Theo điều tra của Hiệp hội Thực phẩm chức năng tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ người lớn dùng ít nhất 1 loại thực phẩm chức năng trong ngày chiếm khoảng hơn 50%.

Con số trên thấy rõ vai trò to lớn của thực phẩm chức năng trong việc nâng cao sức khỏe và dự phòng bệnh tật. 

Trước hết phải hiểu đúng về thực phẩm chức năng và tác dụng của thực phẩm chức năng là như thế nào - ảnh minh họa (nguồn VFA)
Trước hết phải hiểu đúng về thực phẩm chức năng và tác dụng của thực phẩm chức năng là như thế nào - ảnh minh họa (nguồn VFA) 

Tuy nhiên nhiều người lầm tưởng thực phẩm chức năng là thuốc trị bách bệnh là thần dược. Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng không ít đối tượng đã có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả gây bức xúc trong dư luận. 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trước hết phải hiểu đúng về thực phẩm chức năng và tác dụng của thực phẩm chức năng.

“Thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không có tác dụng trị bệnh. Vì vậy việc “thần thánh hóa” thực phẩm chức năng coi đó là thần dược có tác dụng chữa bệnh quan điểm đó là sai. Nhưng ngược lại nhiều người không hiểu lại tẩy chay thực phẩm chức năng, như vậy cũng không đúng”, TS Nguyễn Thanh Phong khẳng định.

Dù không có tác dụng chữa bệnh nhưng trên thị trường xuất hiện đa dạng thực phẩm chức năng trong đó tình trạng thực phẩm chức năng giả, nhái bị phát hiện khá nhiều.

Lý giải về vấn đề này TS Nguyễn Thanh Phong cho biết, đây là quy luật dễ hiểu của thị trường. Thông thường khi thị trường có nhu cầu về mặt hàng nào cao rất dễ xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái. Thực phẩm chức năng không nằm ngoài quy luật này.

TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)
TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) 

Tính từ đầu năm 2015 đến nay Thanh tra Cục An toàn thực phẩm và Thanh tra Bộ Y tế đã phát hiện xử lý hành vi vi phạm về việc kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng thu nộp số tiền phạt 5 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, riêng hai thành phố Hà Nội và TP.HCM, Thanh tra Sở Y tế đã xử lý hàng chục doanh nghiệp với số tiền phạt gần 1 tỷ đồng.

“Có thể nói năm 2015 là năm ưu tiên trong công tác thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm. Riêng với Cục An toàn thực phẩm, bên cạnh việc xử phạt bằng tiền, tuần nào cũng vậy những doanh nghiệp có hành vi vi phạm đều được công bố công khai trên trang website của Cục nhằm cảnh báo người tiêu dùng”, TS Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm.

Có hay không việc lách luật?

Bên cạnh tình trạng hàng giả hàng nhái, thời gian qua theo phản ánh của người dân địa phương nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc hội thảo để quảng cáo, bán thực phẩm chức năng.

"Không phải cây gì, con gì cũng có thể làm thực phẩm chức năng" ảnh 3

Nghi ngờ vỏ viên nang thực phẩm chức năng không đạt chất lượng

"Không phải cây gì, con gì cũng có thể làm thực phẩm chức năng" ảnh 4

Quảng cáo thuốc bổ thận tráng dương trái phép, Bảo Bình An bị phạt nặng

Trước vấn đề này TS Nguyễn Thanh Phong cho hay: “Quan điểm của ngành y tế và Cục An toàn thực phẩm phải xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm tùy theo mức độ. Làm như vậy bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo công bằng giữa doanh nghiệp, tránh cạnh tranh không lành mạnh”.

Dư luận thời gian qua có thông tin cho rằng việc cấp phép thực phẩm chức năng dễ hơn thuốc nên doanh nghiệp đua nhau xin chứng nhận công bố thực phẩm chức năng, tuy nhiên theo TS Nguyễn Thanh Phong quan niệm này không đúng, bởi thực phẩm chức năng cũng có quy định về thủ tục đăng ký từ vấn đề kiểm nghiệm, ghi nhãn, điều kiện sản xuất cơ sở, tài liệu khoa học chứng minh tác dụng của sản phẩm…

Các quy định này được quy định chặt chẽ, chỉ khi nào doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đó mới được phép lưu hành. 

Ngay cả khi được phép lưu hành, thực phẩm chức năng vẫn phải lưu sản phẩm để lấy mẫu và kiểm nghiệm theo định kỳ và lấy mẫu kiểm tra đột suất bất kỳ. 

Với thực phẩm chức năng nhập khẩu để được lưu hành tại Việt Nam, sản phẩm đó phải được cơ quan chức năng tại nước sở tại cấp phép sử dụng tại nước đó. Sản phẩm được lưu hành tại Việt Nam phải có doanh nghiệp đứng ra chịu trách nhiệm công bố chất lượng sản phẩm đó đồng thời từng lô sản phẩm khi về Việt Nam phải được kiểm tra đối chiếu so sánh với dữ liệu công bố.

Chỉ khi được cơ quan chức năng xác nhận, lúc đó mới đủ thủ tục để thông quan về Việt Nam.

Người đứng đầu Cục An toàn thực phẩm cho biết: "Dù thực phẩm chức năng không yêu cầu khắt khe như thuốc nhưng cũng có quy định rõ ràng, không phải cây gì, con gì cũng có thể làm thực phẩm chức năng".

Phạt nặng vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng

Một vấn đề nổi cộm trong quản lý thực phẩm chức năng thời gian qua là tình trạng vi phạm nội dung quảng cáo.

Theo quy định trước khi quảng cáo thực phẩm chức năng, nội dung quảng cáo đó phải được cơ quan chức năng phê duyệt. Doanh nghiệp cũng như cơ quan phát hành quảng có chỉ được quảng cáo theo đúng nội dung đã được thẩm định.

Tuy nhiên thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm quảng cáo không đúng nội dung được cấp phép. Theo TS Nguyễn Thanh Phong, có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: Thứ nhất do doanh nghiệp hám lợi muốn bán nhiều sản phẩm nên quảng cáo sai, quảng cáo không đúng nội dung được cấp phép; Thứ hai một số đơn vị phát hành quảng cáo, trang mạng điện tử tiếp tay quảng cáo sai sự thật.

Công ty TNHH TM Bảo Bình An bị xử phạt 30 triệu đồng do quảng cáo TPCN Mãnh Chúa Diệu Khang có nội dung không đúng nội dung quảng cáo đã được cơ quan có thẩm quyến cấp phép.
Công ty TNHH TM Bảo Bình An bị xử phạt 30 triệu đồng do quảng cáo TPCN Mãnh Chúa Diệu Khang có nội dung không đúng nội dung quảng cáo đã được cơ quan có thẩm quyến cấp phép.

Tác hại quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại kinh tế, sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng cạnh tranh doanh nghiệp. “Nhận thức tác hại từ việc quảng cáo sai sự thật từ đầu năm 2015, Thanh tra Cục An toàn thực phẩm đã giám sát, theo dõi và xử lý 156 doanh nghiệp có hành vi vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng với tổng số tiền phạt gần 3 tỷ đồng”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay.

Theo TS Phong cùng với việc phải nộp tiền phạt, doanh nghiệp vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng sẽ bị Cục An toàn thực phẩm dừng toàn bộ thủ tục xin cấp phép sản phẩm mới, nếu vi phạm lần thứ hai yêu cầu rút giấy phép tạm thời trong 3 tháng hoặc 6 tháng. Quan điểm của Cục An toàn thực phẩm kiên quyết với hành vi vi phạm. 

“Tuy nhiên có khó khăn hiện nay tình trạng in lậu tờ rơi diễn ra phổ biến, vì vậy chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng khi thấy thông tin trên tờ rơi không ghi rõ giấy phép xuất bản in, số tờ in, nhà in… Đương nhiên những thông tin quảng cáo trên đó là không đúng sự thật. Cục An toàn thực phẩm cũng có kế hoạch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xứ lý nhà in, trang mạng đăng tải thông tin quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng”, TS Phong cho biết.

Theo TS Nguyễn Thanh Phong quan điểm chỉ đạo và xử lý thực phẩm chức năng của Cục An toàn thực phẩm: “Hiểu đúng – Làm đúng – Dùng đúng”.
Có nghĩa trước hết cần phải hiểu đúng thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ nâng cao sức đề kháng không phải thuốc giúp trị bệnh. Làm đúng có nghĩa doanh nghiệp sản xuất đúng, công bố đúng, ghi nhãn đúng, kiểm nghiệm đúng, quảng cáo đúng.

“Dùng đúng, người tiêu dùng có nhu cầu chăm sóc sức khỏe ở bộ phận cơ thể nào thì mua đúng sản phẩm  thực phẩm chức năng đó để sử dụng. Không nghe quảng cáo thái quá, tin đồn dẫn đến dùng sai, dùng không đúng thực phẩm chức năng”, TS Phong đưa ra lời khuyên.

Hồng Minh