Kể từ năm 1991 đến nay nguồn tiền kiều hối gửi về Việt Nam đã vượt con số 90 tỉ USD. Số tiền này đang trở thành phao cứu sinh cho nhiều doanh nghiệp và là nguồn tài chính rất quan trọng với nhiều gia đình ở Việt Nam.
Trong giai đoạn 1991-2013, lượng kiều hối chính thức vào Việt Nam hàng năm đã tăng trưởng trung bình 38,6%/năm, với tổng giá trị kiều hối là 80,4 tỉ đô la Mỹ, chưa tính lượng kiều hối năm nay 2014, dự kiến vào khoảng 11-12 tỉ đô la Mỹ.
Riêng trong giai đoạn 2007-2013, tổng kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau vốn FDI) và lớn hơn cả vốn ODA đã giải ngân. Những con số đánh giá trên của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khiến nhiều người bất ngờ.
Kiều hối chuyển về Việt Nam qua kênh chính thức Western Union ngày càng nhiều. Ảnh: Lã Anh |
Những con số trên cho thấy nguồn tiền kiều hối đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế Việt Nam.
Kiều hối, 90 tỉ USD vẫn chưa hết
Tuy nhiên, đánh giá của CIEM đưa ra chưa phải con số cuối cùng và đầy đủ bởi nguồn tiền kiều hối gửi về qua nhiều kênh, có thể gửi qua ngân hàng, qua các tổ chức chuyến tiền như Western Union… Do vậy con số thật chính xác nguồn tiền kiều hối gửi về từ trước đến nay là bao nhiêu vẫn chưa có con số chính xác nhưng chắc chắn sẽ lớn hơn con số công bố của CIEM.
Trong nguồn tiền kiều hối, nơi gửi kiều hối nhiều nhất theo CIEM là Mỹ. Như chúng ta đã biết sau năm 1975, không ít đồng bào mình chuyển định cư ở nước ngoài trong đó khá nhiều tại Mỹ. Trong những năm 1980 thế kỷ trước, lúc đó Mỹ không cho kiều bào gửi kiều hối về cho người thân, gia đình. Tuy nhiên Mỹ lại chấp nhận cho kiều bào được gửi hàng hóa như thuốc về giúp đỡ gia đình.
Có một thời gian dài nhiều kiều bào mình đã gửi hàng hóa về giúp gia đình, hàng hóa đó được người thân và gia đình tại Việt Nam bán ra để lấy tiền. Dùng số tiền đó để chi tiêu trong gia đình, số tiền đó cũng trở thành số vốn “hạt nhân” để giúp cho nhiều gia đình bắt đầu tham gia mở những cơ sở buôn bán nhỏ lẻ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành |
Sau khi tiến hành đổi mới, Việt Nam đi lên kinh tế nhiều thành phần, công nhận thành phần kinh tế tư nhân, Luật Doanh nghiệp ra đời, lúc này những gia đình có nguồn vốn “hạt nhân” từ người thân đang sống tại nước ngoài gửi về đã chớp thời cơ mở ra những doanh nghiệp nhỏ rồi phát triển đi lên.
Thời điểm lịch sử đó khi Việt Nam đang bị cấm vận, nhiều nơi nguồn tiền kiều hối gửi về qua nhiều hình thức rất quan trọng. Chính số vốn ban đầu có được nhờ việc bán những hàng hóa người thân gửi về mới là điểm nhấn quan trọng, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam hiện nay khởi nghiệp từ nguồn vốn này.
Nói như vậy để thấy sự quan trọng của kiều hối không phải chỉ ở những con số mà quan trọng vào thời kỳ khó khăn của đất nước, bằng nhiều cách kiều bào ở nước ngoài vẫn gửi tiền về cho người thân, số tiền đó trở thành nguồn vốn hoạt động cho những doanh nghiệp nhỏ. Việt Nam khởi nghiệp bằng những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì thế nguồn tiền kiều hối có ý nghĩa quan trọng.
Vốn ODA, FDI không phải là chiếc gậy thần kỳ
Như đánh giá của CIEM, nguồn tiền kiều hối năm 2013 chiếm tới 8% GDP, hơn cả ODA. Vào tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về vốn ODA và vay ưu đãi khi họp Ban chỉ đạo đã đánh giá: Vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi 6 tháng đầu năm 2014, số vốn giải ngân được mới đạt 2,8 tỉ USD - cao hơn 22% so với 6 tháng đầu năm 2013. Còn trong cả năm 2014 chúng ta dự tính thu hút 5 tỉ USD vốn ODA.
Chúng ta nên nhớ vốn ODA là do quốc tế cho Việt Nam vay, ODA là những viện trợ chính thức để Việt Nam phát triển. Tổng số vốn ODA chưa bằng nửa kiều hối năm 2013, số giải ngân chưa bằng 1/3 số tiền kiều hối gửi về năm 2013. Con số so sánh đó để thấy lượng kiều hối quan trọng như thế nào với Việt Nam.
Một vấn đề nữa ODA không phải cho không, mà kèm theo nhiều điều kiện khiến chúng ta phụ thuộc vào nước cho vay.
Tương tự FDI là đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam. FDI khác với ODA không cho vay nhưng khi đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, doanh nghiệp FDI được quá nhiều ưu đãi, được trải thảm đỏ, được giảm thuế, tạo điều kiện đất đai… trong khi lợi nhuận doanh nghiệp nước ngoài họ mang về, để lại cho Việt Nam là hậu quả môi trường, khí hậu, cạn kiệt tài nguyên.
Trong khi đó với kiều hối, kiều bào mình tiết kiệm có được gửi về Việt Nam không cần bất kỳ điều kiện gì. Số tiền gửi về đó được người thân sử dụng đầu tư kinh doanh, dùng chi tiêu trong cuộc sống. Tóm lại tiền kiều hối về nước không thất thoát đi đâu, kiều hối không phải tiền cho vay ODA rồi đòi lại hay nguồn tiều kiều hối khi được chuyển về cho người thân trong nước, họ tiến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng không đòi hỏi có những ưu đãi như doanh nghiệp FDI.
Theo dự tính năm 2014, kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ đạt khoảng 12 tỉ USD, lấy ví dụ nguồn tiền kiều hối là tiền lãi sau thuế của một doanh nghiệp, tạm gọi doanh nghiệp kiều hối thì để 1 doanh nghiệp có lãi sau thuế đến 12 tỉ USD, trong khi tính tổng số thuế của doanh nghiệp phải chịu thấp nhất khoảng 20%, như vậy lãi trước thuế doanh nghiệp kiều hối là khoảng hơn 14 tỉ USD.
Một doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế 14 tỉ USD, trong khi lợi nhuận doanh nghiệp hoạt động tốt chỉ chiếm 5 – 10% tổng doanh thu, như vậy nếu doanh nghiệp hoạt động tốt, lợi nhuận chiếm 5% doanh thu. Mà để có lợi nhuận trước thuế 14 tỉ USD, doanh nghiệp ít nhất phải doanh thu 280 tỉ USD.
Những con số trên đã khái quát phần nào tổng thể bức tranh lớn về kiều hối. Vì thế, để đánh giá đúng vai trò và ứng xử với nguồn kiều hối này như thế nào rất cần những cái nhìn công tâm.