Bà Thái Anh Văn - khắc tinh của yêu sách bành trướng Biển Đông

17/01/2016 08:46
Hồng Thủy
(GDVN) - Cử tri Đài Loan không phải là những người dễ bị lòe bịp, xỏ mũi bằng những thủ đoạn chính trị lợi dụng danh nghĩa "chủ quyền"...

South China Morning Post ngày 16/1 đưa tin, trong bài phát biểu sau khi chiến thắng bầu cử tại Đài Loan tối qua, bà Thái Anh Văn, Chủ tịch Dân tiến đảng đã nói với những người ủng hộ: "Người dân Đài Loan đã bầu ra một chính phủ biết bảo vệ chủ quyền của Đài Loan". Bà cũng cảnh báo Trung Quốc rằng, mọi động thái "đàn áp" sẽ gây tổn hại quan hệ hai bờ eo biển.

Bà Thái Anh Văn, tân lãnh đạo tối cao đảo Đài Loan, ảnh: SCMP.
Bà Thái Anh Văn, tân lãnh đạo tối cao đảo Đài Loan, ảnh: SCMP.

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, bà Thái Anh Văn kêu gọi tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp.

Trước đó với việc tàu khu trục USS Lassen Hoa Kỳ tuần tra bên trong 12 hải lý ở đá Xu Bi, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, bà Thái Anh Văn đã nhấn mạnh 3 nguyên tắc:

Một là các bên đều phải đưa ra lập trường và chủ trương trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); Hai là các nước đều có chung nghĩa vụ bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; Ba là các bên có yêu sách và chủ trương khác nhau ở Biển Đông nên ngồi xuống bàn đàm phán, giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Đài Loan là một bên có yêu sách ở Biển Đông và hiện đang chiếm đóng (bất hợp pháp) đảo Ba Bình và có thể bao gồm cả bãi Bàn Than trong quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Chính quyền Quốc Dân đảng năm 1947 tự vẽ ra đường lưỡi bò 11 nét đòi "chủ quyền" với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Năm 1949 Tưởng Giới Thạch thua Mao Trạch Đông và chạy sang Đài Loan. Chính quyền Trung Quốc nhận luôn đường lưỡi bò vô lý - phi pháp - bành trướng ấy làm yêu sách "chủ quyền" của mình, dựa vào cái gọi là "quyền lịch sử", một khái niệm mơ hồ không có trong hệ thống Công pháp quốc tế. Do đó Trung Quốc rất sợ giải quyết vấn đề Biển Đông theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Bởi vậy không có gì khó hiểu khi Bắc Kinh liên tục đả kích lập trường tiến bộ của bà Thái Anh Văn trong vấn đề Biển Đông. Tháng 9/2015, Sử Hiểu Đông, một học giả Trung Quốc đã bình luận xuyên tạc về lập trường của bà Thái Anh Văn trong vấn đề Biển Đông trên tạp chí Bình luận Trung Quốc.

Bài bình luận của Sử Hiểu Đông cho rằng, cốt lõi trong lập trường của bà Thái Anh Văn về vấn đề Biển Đông là lờ đi, tiến tới bãi bỏ đường chữ U (đường lưỡi bò). Theo Sử Hiểu Đông, lập trường của bà Thái Anh Văn về Biển Đông có thể khái quát thành mấy điểm:

Chính quyền Quốc Dân đảng thường xuyên tuyên truyền cho đường lưỡi bò bất hợp pháp và tổ chức các hoạt động trái phép tại đảo Ba Bình, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam.
Chính quyền Quốc Dân đảng thường xuyên tuyên truyền cho đường lưỡi bò bất hợp pháp và tổ chức các hoạt động trái phép tại đảo Ba Bình, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam.

Một là bà Thái Anh Văn chỉ nhấn mạnh yêu sách chủ quyền đối với đảo Ba Bình, tránh nhắc đến đường lưỡi bò hay lập luận phi lý về cái gọi là "lãnh thổ, vùng biển vốn có/cố hữu của Trung Hoa Dân quốc", giống như Tập Cận Bình vẫn nói "có chủ quyền với các đảo ở Biển Đông từ thời cổ đại".

Hai là bà Thái Anh Văn nhấn mạnh bảo vệ tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông; Ba là cần giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; Bốn là bà phản đối, lên án Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông.

Sát thời điểm bầu cử, ngày 5/1 phe Quốc Dân đảng vẫn "đánh" bà Thái Anh Văn bằng chiêu bài "chủ quyền". Theo Liên Hợp, cựu Phó Cục trưởng Cục An ninh quốc gia Đài Loan Trương Húc Thành và nghị sĩ Lâm Úc Phương lên án Dân Tiến đảng của bà Thái Anh Văn, nếu trúng cử sẽ từ bỏ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

Tuy nhiên chiến thắng được miêu tả là "long trời lở đất" của bà Thái Anh Văn và Dân Tiến đảng cho thấy, cử tri Đài Loan không phải là những người dễ bị lòe bịp, xỏ mũi bằng những thủ đoạn chính trị lợi dụng danh nghĩa "chủ quyền" như Quốc Dân đảng hay Bắc Kinh lầm tưởng.

Quan điểm giải quyết tranh chấp Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, bảo vệ tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông và phản đối việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành mà bà Thái Anh Văn đưa ra rất đáng ghi nhận và trân trọng - PV.

Hồng Thủy