Bế tắc Mỹ-Triều có nguy cơ đảo ngược các nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa

22/05/2019 09:16
Thanh Bình
(GDVN) - Chính quyền Trump kiên quyết phản đối bất kỳ sự nới lỏng biện pháp trừng phạt nào cho đến khi Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi cụ thể và không thể đảo ngược.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu căng thẳng trở lại sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp thực hiện hai vụ phóng tên lửa vào ngày 4/5 và 9/5/2019.

Các quả đạn bay được hơn 300 km và rơi xuống biển, không gây nguy hiểm cho những nước lân cận.

Sự cố cũng diễn ra đúng vào lúc đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, Stephen Biegun đang có mặt ở Seoul để hội đàm với Ngoại trưởng nước này, Kang Kyung-wha và đặc phái viên hạt nhân Lee Do-hoon của Hàn Quốc nhằm bàn cách khôi phục đàm phán với Triều Tiên cũng như viện trợ lương thực nhân đạo cho nước này.

Hình ảnh Triều Tiên phóng tên lửa ngày 9/5/2019 (Ảnh: KCNA).
Hình ảnh Triều Tiên phóng tên lửa ngày 9/5/2019 (Ảnh: KCNA).

Các động thái trên được xem là cách bày tỏ sự phẫn nộ của chính quyền ông Kim Jong-un đối với tiến trình đàm phán giải trừ hạt nhân đang bị ngưng trệ giữa Triều Tiên và Mỹ.

Đồng thời, các chuyên gia nhận định Triều Tiên đang có ý định thử thách lòng kiên nhẫn của Tổng thống Donald Trump.

Chuyên gia Kim Ji Yoon tại Viện nghiên cứu chính sách Asan, Hàn Quốc cho rằng việc Triều Tiên nối lại việc phóng tên lửa, điều Bình Nhưỡng tạm ngừng khi cùng Mỹ xúc tiến hai hội nghị thượng đỉnh tại Singapore và Việt Nam trong 2018 và 2019, cho thấy nỗ lực đàm phán hòa bình và phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều đã quay lại điểm ban đầu.

Bất chấp sự tiến bộ được tạo ra trong 12 tháng trước, đối thoại liên Triều đã mất đà và đang có nguy cơ sụp đổ vì cả chính quyền Kim Jong-un và chính quyền Donald Trump đều đang kéo tiến trình này chậm lại.

Phần lớn là vì áp lực của Washington đối với Seoul nằm đảm bảo rằng các cuộc đàm phán hòa bình không vượt các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa và để duy trì chiến dịch gây sức ép tối đa của Mỹ đối với Triều Tiên.

Thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 đã làm gia tăng trở ngại cho việc tiếp tục đàm phán.

Về phía Triều Tiên và Mỹ, việc cuộc gặp lần này chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận nào thực sự đã tác động đến xu thế đối thoại giải quyết vấn đề hạt nhân.

Hai bên đều chỉ trích lẫn nhau về cuộc gặp này và thực hiện các biện pháp cứng rắn để cảnh báo đối phương.

Tổng thống Moon Jae-in đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, vấp phải sự hoài nghi của Triều Tiên trong nỗ lực phi hạt nhân bán đảo (Ảnh: Washington Post).
Tổng thống Moon Jae-in đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, vấp phải sự hoài nghi của Triều Tiên trong nỗ lực phi hạt nhân bán đảo (Ảnh: Washington Post).

Hàn Quốc là nước trong cuộc, không còn đường lùi. Một mặt, Tổng thống Moon Jae-in đã đặt cược sinh mệnh chính trị vào việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Moon Jae-in chắc chắn rất thất vọng với cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 nhưng buộc phải tìm cách hối thúc Mỹ và Triều Tiên khởi động lại đàm phán. Tổng thống Moon Jae-in bị mắc kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Chính quyền Donald Trump vẫn kiên quyết phản đối bất kỳ sự nới lỏng biện pháp trừng phạt nào cho đến khi Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi cụ thể và không thể đảo ngược hướng tới việc phi hạt nhân hóa.

Vì vậy, đối với các dự định kinh tế, ông Moon Jae-in phó mặc cho các đồng minh của mình ở Nhà Trắng.

Có khả năng, ông Kim Jong-un đã đánh mất niềm tin vào Moon Jae-in với tư cách một đối tác đàm phán vì ông không thể hoàn thành sự hợp tác kinh tế và một hiệp ước hòa bình, hai chủ đề trọng tâm của các cuộc đàm phán.

Việc Triều Tiên rút khỏi Văn phòng liên lạc Kaesong vào tháng 3/2019 gửi đi một tín hiệu gay gắt đến chính quyền Moon Jae-in rằng sự kiên nhẫn của Kim Jong-un không phải vô hạn.

Thực tế, ông Kim Jong-un đã bày tỏ sự do dự ngày càng tăng của mình về lộ trình liên Triều trong bài phát biểu trước Hội đồng nhân dân tối cao ngày 13/4/2019: “Tôi nghĩ rằng chính quyền Hàn Quốc nên quay lại lập trường của họ vào thời điểm diễn ra cuộc gặp Panmunjom”.

Các bên không nên để bán đảo Triều Tiên trở lại tình hình rối ren

Do đó, bất kỳ sáng kiến nào Tổng thống Moon Jae-in thực hiện để khôi phục sự can dự liên Triều cũng sẽ vấp phải sự hoài nghi sâu sắc của Triều Tiên, trừ khi họ giải quyết được những ưu tiên và sự bất bình của Triều Tiên.

Tổng thống Moon Jae-in đã hết không gian để lập tam giác hợp tác thành công Mỹ-Hàn-Triều. Có thể có những cơ hội để thực hiện các bước đi nhỏ mà sẽ không đòi hỏi phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt hay động đến các quyền lợi khác của Mỹ và có thể được Kim Jong-un ủng hộ.

Tuy vậy, ông Moon Jae-in nên suy tính lâu dài, gieo những hạt mầm mà có thể kết trái khi bầu không khí chính trị cho sự can dự liên Triều được cải thiện.

Ngày 25/4/2019, ông Kim Jong-un đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hai bên được cho đã trao đổi các vấn đề như tình hình bán đảo Triều Tiên, đối thoại Mỹ-Triều, vai trò của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giải quyết tình trạng bế tắc của bán đảo.

Nga từng đề xuất với Mỹ về kế hoạch hành động chung để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, nhưng Mỹ không ủng hộ vì lo sợ rằng nó có thể trở thành cơ chế để Nga thúc đẩy dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.

Việc nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Nga đã cho thấy rõ sự bế tắc trong thúc đẩy đối thoại. 

Tài liệu tham khảo:

1. https://vnexpress.net/the-gioi/lien-tiep-phong-ten-lua-kim-jong-un-thu-thach-long-kien-nhan-cua-trump-3921343.html#cvar=A

2. https://en.yna.co.kr/view/AEN20190513004800325?section=national/defense

3. https://www.reuters.com/article/us-northkorea-missiles-japan/north-korea-missile-test-violated-u-n-resolutions-says-japan-idUSKCN1SG0ME

4. https://www.eastasiaforum.org/2019/05/02/how-to-keep-the-ball-rolling-on-north-korean-negotiations/

Thanh Bình