Các bên không nên để bán đảo Triều Tiên trở lại tình hình rối ren

19/04/2019 09:02
Thanh Bình
(GDVN) - Để tránh quay lại con đường đối kháng nhau, cả Bình Nhưỡng và Washington cùng các bên liên quan nên cố gắng tránh kích động đối phương.

Ngày 17/4/2019, Triều Tiên bất ngờ thông báo về một vụ thử nghiệm vũ khí dẫn đường chiến thuật mới được thực hiện dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Kim Jong-un.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un thị sát vụ thử nghiệm vũ khí chiến thuật mới (Ảnh: KCNA).
Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un thị sát vụ thử nghiệm vũ khí chiến thuật mới (Ảnh: KCNA).

Ẩn ý sau vụ thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo vụ thử được thực hiện bằng nhiều phương thức bắn vào các mục tiêu khác nhau.

KCNA nhấn mạnh các lợi thế của vũ khí này là "hệ thống bay dẫn đường đặc biệt" và "mang theo đầu đạn có sức công phá lớn".

Phó Giáo sư Vipin Narang, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ cho biết, vũ khí được Triều Tiên thử nghiệm có thể là một tên lửa dẫn đường chống tăng, một hệ thống tên lửa phóng đa năng hoặc một hệ thống tên lửa khác liên quan đến hoạt động phòng thủ trên biển hoặc trên không. [1]

Trong khi đó, ông Kim Dong-yub, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul, nhận định vụ thử nghiệm cũng có thể được lên kế hoạch nhằm gửi một thông điệp tới người dân và quân đội Triều Tiên rằng, chính quyền cam kết duy trì mức độ phòng thủ mạnh mẽ ngay cả khi tiếp tục đàm phán với Washington về vũ khí hạt nhân. [2]

Thực tế, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát cuộc thử nghiệm và miêu tả đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc tăng cường sức mạnh tác chiến của quân đội Triều Tiên.

Giới chuyên gia cho rằng đây là một hành động "khiêu khích có chừng mực" mà Triều Tiên tiến hành nhằm phát thông điệp tới Mỹ, sau khi cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa lãnh đạo hai nước kết thúc mà không đi đến thỏa thuận. [3]

Các bên không nên để bán đảo Triều Tiên trở lại tình hình rối ren ảnh 2Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cần có một hệ thống hợp tác

Vừa qua, Uriminzokkiri, trang tin tuyên truyền của Bình Nhưỡng lên án chính phủ Hàn Quốc vì thiếu thiện chí thực thi thỏa thuận quân sự mà hai miền đã ký năm 2018.

Lý do đưa ra là quân đội Hàn Quốc tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ gần Pohang, tỉnh Bắc Gyeongsang ngày 3/4/2019 và một cuộc tập trận khác hồi tháng 3 có sự tham gia của lính thủy đánh bộ Mỹ đến từ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

Uriminzokkiri mô tả những cuộc tập trận như vậy gây quan ngại nghiêm trọng, khuấy động sự tức giận và là những hành động đi ngược lại ước nguyện thống nhất của người dân. [4]

Hiện tại, cả Mỹ và Hàn Quốc đều cho biết họ biết thông tin này và không có bình luận nào.

Bình Nhưỡng và Washington không nên quay lại tình trạng đối kháng nhau

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 chưa có bước đột phá đã làm gia tăng trở ngại cho việc tiếp tục đàm phán.

Hai bên đều chỉ trích nhau về cuộc gặp này và thực hiện biện pháp cứng rắn để cảnh báo đối phương.

Tổng thống Donald Trump cảnh báo Triều Tiên cần tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa, bày tỏ sẽ rất thất vọng nếu Triều Tiên khôi phục các vụ thử tên lửa.

Triều Tiên thì chỉ trích việc Mỹ gia tăng trừng phạt nước này và tổ chức tập trận chung Mỹ-Hàn. Đồng thời, Bình Nhưỡng quyết không nhẫn nhịn trước hành động kích động tình hình căng thẳng.

Triều Tiên và Mỹ đều muốn thử áp dụng chính sách táo bạo hơn để khiến cho đối phương hiểu được hậu quả nghiêm trọng nếu không nhượng bộ.

Để tránh quay lại con đường đối kháng nhau, cả Bình Nhưỡng và Washington cùng các bên liên quan nên cố gắng tránh quá kích động đối phương.

Tổng thống Mỹ, Donald Trump (trái) và Ngoại trưởng Mike Pompeo (Ảnh: CNN).
Tổng thống Mỹ, Donald Trump (trái) và Ngoại trưởng Mike Pompeo (Ảnh: CNN).

Đối với Triều Tiên, việc dỡ bỏ trừng phạt để phát triển kinh tế trong nước hiện đang là mối quan tâm lớn nhất của họ.

Ngoài mong muốn dỡ bỏ trừng phạt để phá vỡ nút thắt cho phát triển kinh tế đất nước, một lý do cấp bách hơn là Triều Tiên gần đây đối mặt với khó khăn kinh tế, cần viện trợ quốc tế để khắc phục khó khăn.

Ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt quốc tế đối với kinh tế Triều Tiên thể hiện trên các phương diện: thiếu lương thực trầm trọng, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và dự trữ ngoại tệ.

Về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump muốn thực hiện các mục tiêu cơ bản sau: một là, không thể ngồi nhìn mọi nỗ lực biến thành bong bóng.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, John Bolton cho biết Tổng thống Trump đã đầu tư rất nhiều thời gian để gây dựng mối quan hệ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và vẫn giữ thái độ cởi mở về việc cùng ông Kim Jong-un tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần 3.

Hai là, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, chính quyền Tổng thống Trump cần sớm ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên.

Bởi lẽ, đúng như nhận định của cựu Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry: “Cho dù là ứng viên đắc cử thì cũng phải quan tâm đến mối đe dọa đến từ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên”.

Ba là, chính quyền của Tổng thống Trump cần dựa vào vấn đề này để thúc đẩy quan hệ Mỹ-Hàn và Mỹ-Nhật.

Cho dù việc Mỹ yêu cầu ký hiệp định thương mại song phương với cả hai nước, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang gây ra sự chỉ trích và phản đối trong nước.

Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Moon Jae-in đều phải miễn cưỡng nhượng bộ vì họ cần có sự ủng hộ của Mỹ trong quá trình xử lý quan hệ với Triều Tiên. [5]

Do đó, Tổng thống Trump chắc chắn không muốn và không nên làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên rối ren.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.telegraph.co.uk/news/2019/04/17/north-korea-test-fires-new-tactical-guided-weapon/

[2] https://www.vietnamplus.vn/gioi-chuyen-gia-suy-doan-ve-loai-vu-khi-trieu-tien-vua-thu-nghiem/564830.vnp

[3] https://vnexpress.net/the-gioi/thong-diep-cua-trieu-tien-khi-thu-vu-khi-chien-thuat-moi-3910964.html

[4] https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/bao-trieu-tien-nang-loi-to-han-quoc-gay-han-pha-hoai-hoa-binh-524420.html

[5] Tài liệu tham khảo 092-TTX ngày 12/4/2019

Thanh Bình