Singapore học hỏi cựu thù để phát triển phồn vinh

02/05/2016 14:46
Ngọc Việt
(GDVN) - Chúng ta gặp nhau không phải để nhen nhóm lại ngọn lửa cũ của hận thù, cũng không phải đòi nợ máu.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Singapore và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày 26/4 The Straits Times có đăng bài viết của nhà ngoại giao Singapore Tommy Koh bình luận về sự kiện này.

“Tôi muốn nêu vấn đề là làm thế nào hai nước đã thành công trong việc tạo dựng một mối quan hệ mạnh mẽ như vậy, mặc dù hậu quả của 3 năm rưỡi Nhật Bản chiếm đóng Singapore đã khiến cho tình cảm của người dân Singapore không thân thiện với Nhật Bản sau Thế chiến II”, ông Tommy Koh viết.

Qua bài phân tích của ông Tommy Koh, dư luận hiểu thêm về tầm nhìn của nhà lập quốc Singapore cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là rất thực tế.

Tinh thần của ông là làm sao học hỏi và áp dụng được những bài học thiết thực nhất đã giúp cho Nhận Bản thành công sau khi bị chiến tranh thế giới tàn phá nặng nề, cả về nền tảng vất chất tại đất nước, cả về niềm tin quốc tế đối với quốc gia đã từng là “tội phạm chiến tranh”. 

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Ảnh: Therealsingapore.com.
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Ảnh: Therealsingapore.com.

Năm 1967, trong bài phát biểu tại lễ khánh thành đài tưởng niệm những người Singapore đã ngã xuống trong Thế chiến II, Thủ tướng Lý Quang Diệu cho biết:

"Chúng ta gặp nhau không phải để nhen nhóm lại ngọn lửa cũ của hận thù, cũng không phải đòi nợ máu. Chúng ta gặp nhau để tưởng nhớ những người là nạn nhân của lịch sử chiến tranh, để lại sự may mắn cho chúng ta là được sống.

Vì vậy không phải chỉ chịu đựng chung với họ mà chúng ta phải chia sẻ với họ qua việc thay đổi số phận của chúng ta", theo The Straits Times.

Với những thành công trong công cuộc xây dựng đất nước, tạo nên những thành quả kỳ vĩ cho đảo quốc sư tử, có thể thấy cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, từ quyết định tách Singapore khỏi Liên bang Malaysia đến việc lựa chọn ngôn ngữ cho đất nước, từ việc phát huy nội lực đến học hỏi bè bạn quốc tế, đều dựa trên tư tưởng “lấy dân làm gốc” – chia sẻ với những người ngã xuống bằng sự thay đổi số phận của quốc gia, dân tộc.

Ý nghĩa và giá trị của độc lập dân tộc là nằm ở chất lượng cuộc sống của người dân

Dư luận đều biết, Nhật Bản kết thúc Thế chiến II bằng việc đón nhận sự tàn phá khủng khiếp của hai quả bom nguyên tử ném xuống Hirosima và Nagasaki. Đồng thời là sự có mặt của quân đội Mỹ trên đất nước mặt trời mọc để khống chế sự trỗi dậy của chế đố quân phiệt.

Phải nói rằng, trong số các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Đệ nhị Thế chiến thì Nhật Bản là một trong những quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề và dai dẳng nhất.

Vậy nhưng, chỉ sau khoảng hơn một thập kỷ, người dân và chính quyền Nhật Bản đã tạo nên sự thần kỳ từ đống đổ nát. Nhật Bản đã khiến cho thế giới ngưỡng mộ về sự phát triển của đất nước mình.

Là một quốc gia “sinh sau đẻ muộn”, dù không bị chiến tranh tàn phá nặng nề như Nhật Bản, song những khó khăn thời lập quốc của Singapore không thua kém gì khó khăn của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Vì vậy, ông Lý Quang Diệu đã tìm bài học cho quốc gia dân tộc mình từ hiện tượng “thần kỳ Nhật Bản”.

Có lẽ ông Lý Quang Diệu không thể không đặt câu hỏi về việc ảnh hưởng chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc của Nhật Bản khi quân đội Mỹ đồn trú tại đất nước này, tới cuộc sống của người dân Nhật Bản.

Singapore học hỏi cựu thù để phát triển phồn vinh ảnh 2

Tiếng dân được lắng nghe, Iraq mới hòa bình

(GDVN) - Hoà bình bị mất đi bởi tiếng bom, tiếng súng, nhưng hoà bình chỉ được lập lại bởi duy nhất tiếng dân.

Có lẽ ông Lý Quang Diệu đã tìm ra cách lý giải hợp lý nhất về độc lập của Nhật Bản và có những lựa chọn tốt nhất cho độc lập của Singapore trong việc phát triển và xây dựng đất nước.

Người viết từng phân tích, theo khoa học chính trị thì có bốn yếu tố chính tạo nên sức mạnh quốc gia. Đó là chế độ chính trị, chủ quyền quốc gia, cộng đồng dân tộc và văn hoá dân tộc. Singapore thời lập quốc thiếu cả bốn yếu tố này.

Thể chế chính trị và chủ quyền quốc gia thì vửa mới được xác lập, còn cộng đồng dân tộc và văn hoá dân tộc thì đang hình thành chứ chưa thành hình. 

Chắc chắn ông Lý Quang Diệu đã dựa vào tư tưởng “lấy dân làm gốc” để lý giải vấn đề và giải mã hiện tượng Nhật Bản, từ đó tạo nên “hiện tượng Singapore”. Nếu “lấy dân làm gốc” thì những gì tốt cho dân, mang lại lợi ích cho dân là việc nên làm, cần làm.

Chất lượng cuộc sống của người dân được Lý Quang Diệu xem là sự khẳng định ý nghĩa và là nền tảng giá trị của những yếu tố tạo nên sức mạnh quốc gia của Singapore.

Dân giàu thì nước mới mạnh, độc lập dân tộc phải gắn liền với hạnh phúc của nhân dân là tư tưởng, là tinh thần của nhiều lãnh tụ quốc gia trên thế giới khi thực hiện việc đấu tranh giành độc lập và khai sáng cho dân tộc mình. Có lẽ với ông Lý Quang Diệu cũng vậy.

Bởi lẽ độc lập dân tộc giành được rồi mà mà người dân vẫn đói khát thì độc lập ấy có ích gì. Và thực ra quốc gia nghèo đói thì không thể có độc lập vì nghèo đói sẽ dẫn đến lệ thuộc và phụ thuộc.

Từ đó ông Lý Quang Diệu nhận thấy, việc quân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản khiến cho người Nhật Bản tương kế tựu kế, phát huy sự ổn định – điều kiện quan trọng nhất để phát triển đất nước, từ đó khẳng định sự độc lập cho mình.

Chính vì vậy nên ông Tommy Koh nhận định: "Cả Singapore và Nhật Bản đều tin rằng, sự hiện diện liên tục của Hoa Kỳ là điều cần thiết cho hòa bình và ổn định của khu vực. Và đó là điểm chung khiến cho quan hệ chính trị giữa Nhật Bản và Singapore chặt chẽ và khăng khít”.

Tinh thần và quan điểm này của nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu là vô cùng đặc biệt, sáng suốt và nó chỉ có thể có được nhờ tư tưởng “lấy dân làm gốc” mà thôi. Một cách hiểu mới về độc lập dân tộc được ông Lý Quang Diệu hiệu chỉnh và tạo ý nghĩa cho nó gắn liền với cuộc sống của người dân Singapore.

Những điểm chung cùa Nhật Bản và Singapore giúp cho họ trở thành những biểu tượng thần kỳ trong xây dựng và phát triển đất nước. Ảnh: The Straits Times.
Những điểm chung cùa Nhật Bản và Singapore giúp cho họ trở thành những biểu tượng thần kỳ trong xây dựng và phát triển đất nước. Ảnh: The Straits Times.

Dân giàu nước mạnh chính là giá trị của độc lập dân tộc và ông Lý Quang Diệu đã xây dựng giá trị độc lập dân tộc cho Singapore theo quan điểm ấy. Singapore đã thành công. Không ai có thể nói Singapore, thậm chí cả Nhật Bản mất độc lập dân tộc.

Một hiện tượng đặc biệt mà dư luận có lẽ cũng không quên là những năm 1980, thế giới có 4 quốc gia và vùng lãnh thổ công nghiệp mới (gọi là NIS) bao gồm Singapore, Đài Loan, Hồng Kông và Nam Triều Tiên (nay là Hàn Quốc) thì cả bốn quốc gia và vùng lãnh thổ này đều có điểm chung là xây dựng và phát triển đất nước dựa trên nền độc lập theo quan điểm mới của ông Lý Quang Diệu.

Độc lập dân tộc không đi cùng với nước nghèo dân đói   

Trong lịch sử nhân loại nhất là thời hiện đại, có không ít những cuộc cách mạng xã hội thành công và mang lại nền độc lập cho quốc gia dân tộc. Nhưng sau cách mạng thì không phải quốc gia nào cũng thành công trong việc giữ vững nền độc lập dân tộc ấy để xây dựng và phát triển đất nước.

Bởi lẽ không lấy dân làm gốc, nên một số quốc gia dân tộc này vừa thoát được ảnh hưởng của nước này thì lại rơi vào sự lệ thuộc nước khác. Điểm chung của hiện tượng “tái phụ thuộc, tái lệ thuộc" là do nước nghèo dân đói.

Có thể có quan điểm cho rằng sức mạnh quốc gia phải là sức mạnh của nhà nước nên họ tập trung trang bị những công cụ thể hiện sức mạnh của nhà nước, theo đuổi chính sách phát triển vũ khí hạt nhân, phát triển sức mạnh quân sự khi nước nghèo, dân đói chẳng hạn.

Chính quyền ở những quốc gia ấy đã xem nhẹ những yếu tố khác trong sự cấu thành sức mạnh quốc gia như cộng đồng dân tộc hay văn hoá dân tộc, nghĩa là xem nhẹ yếu tố con người.

Trong khi đó cả Singapore và Nhật Bản đều xem con người là trụ cột của sự phát triển.

“Con người là trụ cột rất mạnh mẽ giúp cho sự phát triển đất nước. Singapore ngưỡng mộ người Nhật được nuôi, dạy cho tính tự lập. Singapore ngưỡng mộ người Nhật ở tính kỷ luật, khả năng chịu đựng và lòng dũng cảm của họ trong việc vượt qua nghịch cảnh”, The Straits Times dẫn lời ông Tommy Koh.

Singapore học hỏi cựu thù để phát triển phồn vinh ảnh 4

Venezuela từ nghịch lý đến phi lý

(GDVN) - Tập trung đầu tư hoàn toàn vào khai thác thuỷ điện là một trong những nghịch lý trong chính sách của chính phủ Venezuela.

Như người viết đã phân tích, hoà bình và ổn định của đất nước chỉ có được nếu tiếng dân được lắng nghe và thấu hiểu bởi chính quyền. Và không khó nhận ra những kế hoạch, chính sách của chính phủ Nhật Bản ngay từ thời hậu chiến và của chính phủ Singapore ngay từ thời lập quốc đều được xây dựng trên cơ sở lắng nghe và thấu hiểu tiếng dân.

Nhân dân Nhật Bản và nhân dân Singapore có thể không đồng thuận với chính quyền về một chính sách, một kế hoạch nào đó. Nhưng rõ ràng họ không hề bất đồng với nhà nước về quan điểm độc lập của họ. 

Tại sao vậy? Có lẽ lý do dễ nhận thấy nhất là vì họ có độc lập thật sự và cơ sở sự độc lập thật sự ấy chính là dân giàu nước mạnh. Hai quốc gia này cũng chính là tấm gương tự lực cánh sinh và biết tương kế tựu kế, tận dụng tối đa mọi xu thế đối nội cũng như đối ngoại để phát triển chứ không phải dựa dẫm vào bất cứ nguồn viện trợ nào để sống.

Nếu họ chỉ biết ngửa tay xin viện trợ thay vì lao động và cống hiến hết mình cho phát triển thì không khác gì người xin ăn cho việc tồn tại sự sống của mình. Không thể độc lập và không thể có độc lập trong trường hợp này, trong tình trạng này. Nhật Bản và Singapore đã không có tâm thế, tư thế ấy nên họ thật sự độc lập.

Và không chỉ Singapore hay Nhật Bản mới độc lập dân tộc theo quan điểm dân giàu nước mạnh ấy.

Dư luận không khỏi giật mình và trầm trồ thán phục khi biết rằng Luxembourg là nhà đầu tư lớn nhất vào Mỹ năm 2015 với tổng vốn hoá là 165,65 tỷ USD, trong khi Nhật Bản chỉ xếp thứ hai với 36,03 tỷ USD và thứ ba là Canada với 28,19 tỷ USD, theo Bnews ngày 18/3. 

Trong khi đó, Luxembourg chỉ là một quốc gia "tý hon" với diện tích chỉ khoảng hơn 2.500 km2 - nhỏ hơn thủ đô Hà Nội và dân số khoảng hơn 500.000 người – bằng khoảng 1/20 dân số Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam. Vì vậy, độc lập dân tộc của quốc gia tý hon này chính là nền tảng dân giàu nước mạnh.       

Những thế hệ tương lai của Singapore được sống trong phồn vinh của đất nước là nhờ sự sáng suốt của những thế hệ cha anh. Ảnh: BBC.
Những thế hệ tương lai của Singapore được sống trong phồn vinh của đất nước là nhờ sự sáng suốt của những thế hệ cha anh. Ảnh: BBC.

Tóm lại, từ những thành công của các hiện tượng “thần kỳ Nhật Bản”, “thần kỳ Israel”, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã hiệu chỉnh và xây dựng quan điểm mới về nền tảng sức mạnh quốc gia, từ đó tìm ra bài học phù hợp cho Singapore.

Quan trọng hơn là ông và đội ngũ cộng sự đã vận dụng thành công những bài học ấy, mang lại thành quả là giúp cho dân Singapore giàu và nước Singapore mạnh, dù quốc gia này quá nhỏ bé và rất khó khăn ở thời lập quốc.

Trên thế giới có rất nhiều bài học về thành công trong xây dựng và phát triển đất nước, nhưng làm sao tìm ra bài học thích hợp và tìm ra cách vận dụng phù hợp cho đất nước mình thì không phải lãnh đạo nào cũng tìm được.

Từ sự thành công của hiện tượng “thần kỳ Singapore”, người ta nhận thấy nếu thực sự lấy dân làm gốc – xem mức sống của người dân là thể hiện ý nghĩa của độc lập dân tộc, lắng nghe tiếng dân để khẳng định giá trị của độc lập dân tộc thì các nhà lãnh đạo sẽ tìm ra ra bài học cho phù hợp để mang đến phồn vinh cho Tổ quốc mình.

Ngọc Việt