Ngày 1/5/2003 Tổng thống Mỹ G.W.Bush ra lệnh chấm dứt tấn công vào chế độ Saddam Hussein tại Iraq và tuyên bố liên quân Anh – Mỹ đã chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 2.
Như vậy, cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 2 năm 2003 cũng kéo dài 1 tháng 11 ngày như cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 1 năm 1991, nhưng kết quả của nó thì khác, Saddam Hussein bị lật đổ.
Đã 13 năm trôi qua, Saddam Hussein và chế độ của ông ta không còn nữa, những người đóng vai trò chính trong cuộc chiến năm xưa như cựu Tổng thống Mỹ G.W.Bush, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cũng đã rời khỏi quyền lực.
Cơ sở phát động cuộc chiến cũng đã bị xem là giả mạo, nhưng nhìn ở một khía cạnh khác thì Chiến tranh Iraq năm 2003 có rất nhiều điều để lại cho lịch sử chính trị thế giới hôm nay và mai sau.
Cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein, ảnh: AP. |
Sự hoang tưởng luôn tạo nên một vòng xoáy “quyền không lực”
Như người viết đã từng phân tích, Saddam Hussein và một số “người đặc biệt” khác đã “Chết trong ảo tưởng” trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 1 – Chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991. Tuy nhiên, do may mắn bởi mục đích của chiến dịch chỉ là giải phóng Kuwait nên Saddam Hussein còn được nắm quyền bính thêm 12 năm nữa.
Song Saddam Hussein lại không thoát ra khỏi cái ảo tưởng khiến ông phải nhục nhã và ê chề. Ngược lại ông ta còn ảo tưởng hơn nữa vào chế độ mà ông ta cai quản, dần dần Saddam Hussein trở nên hoang tưởng với cái bộ máy ấy. Và dù ảo tưởng hay hoang tưởng thì Saddam Hussein đều khiến cho người dân Iraq khốn khổ và khó khăn.
Sự hoang tưởng của Saddam Hussein có thể được xem là hậu quả của việc ông ta và cộng sự của mình sử dụng những chiêu trò để tạo nên một chế độ chính trị ổn định giả tạo. Điều đó dần khiến cho Saddam Hussein không nhận ra được đâu là thật, đâu là giả trong sức mạnh của lòng dân hướng về chế độ của ông ta. Nghĩa là Saddam gây ra và chuốc lấy hậu quả cho mình.
Một nguyên nhân quan trọng khác đó là việc ông ta cũng như nhiều nhà lãnh đạo nắm “quyền không lực” khác, đã đảo ngược sự thoả mãn thang nhu cầu của người dân Iraq. Đó là đánh đổi sự đói kém, thiếu thốn trong cuộc sống hàng ngày của họ bằng những niềm tin hão huyền, niềm tự hào vô thực vào sức mạnh của “chủ quyền quốc gia không lợi ích dân tộc”.
Và có thể khi bị lật đổ thì ông ta mới nhận ra đó là sự hoang tưởng.
Khi liên quân Anh – Mỹ tấn công Cộng hoà Iraq, Tổng thống Saddam Hussein đã phát động cuộc “Thánh chiến” và lớn tiếng tuyên bố, quân đội Anh - Mỹ và các nước sẽ rơi vào thế “thiên la địa võng” do quân đội và nhân dân Iraq giăng ra.
Saddam Hussein khẳng định Bagdad sẽ là mồ chôn giành cho liên quân Anh – Mỹ, theo BBC ngày 21/3/2003.
Song đúng như nhận định của nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Đại tướng Lê Đức Anh: “Đối với một chính phủ lúc cần thì họ huy động dân ủng hộ. Khi có chính quyền vững rồi thì quay lưng lại với quyền lợi của người dân như chính quyền của Saddam Hussein, một khi Mỹ đã quyết đánh thì chỉ trong vòng mươi mười lăm ngày, hoặc sẽ đầu hàng, hoặc sẽ tan rã, sụp đổ”, Vietnamnet ngày 3/2/2015 dẫn lời ông qua lời kể của Đại tá Khuất Biên Hoà.
Cờ tàn Syria: Obama nhẹ nhàng "nẫng" thành quả chiến dịch không kích của Nga |
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 không chỉ cho thấy Saddam Hussein hoang tưởng mà ngay cả những người chủ động gây ra cuộc chiến ấy cũng hoang tưởng không kém.
Khi Tổng thống G.W.Bush tuyên bố Saddam Hussein sỡ hữu vũ khí giết người hàng loạt để phát động cuộc chiến, người ta nhận ra ngay đó là một cái cớ được giả mạo. Nhưng ông Bush và bạn đồng chí hướng Tony Blair vẫn tin rằng sẽ đánh lửa được dư luận.
Nhưng ngày nay thì sự thật đã được phơi bày là Bush muốn tấn công và lật đổ Saddam chứ Iraq không có thứ vũ khí giết người hàng loạt nào cả. Và ông Bush càng hoang tưởng hơn nữa là có thể tạo ra một Iraq mới nằm trong sự quản lý và điều khiển theo ý muốn của Mỹ.
Có thể thấy rằng, người dân Iraq chán ngán chế độ của Saddam Hussein nhưng việc Mỹ nguỵ tạo cớ giả để lật đổ ông ta thì không được người dân Iraq chấp nhận.
Vỉ vậy, cho đến giờ này Mỹ không thề làm gì trước sự hỗn loạn trên bàn cờ chính trị tại Iraq. Saddam Hussein đã chết, chế độ chính trị ổn định giả tạo được thay thế bằng một chế độ chính trị bất ổn đến mức vô định.
Chế độ độc tài bị lật đổ để rồi cho ra đời một lực lượng khát máu IS và việc ứng cử viên Barak Obama đắc cử Tổng thống Mỹ nhờ vào ý định rút quân khỏi Iraq đang bất ổn đã chứng minh sự sai lầm vì hoang tưởng của ông Bush trong cuộc chiến Iraq.
Và không chỉ Saddam Hussein và George.W.Bush hoang tưởng trong ván cờ Iraq, mà những lực lượng “theo đóm ăn tàn” nhờ cuộc chiến – lực lượng cầm quyền tại Iraq thời hậu Saddam cũng hoang tưởng không kém.
Có thể họ nhận ra sự giả tạo của Saddam Hussein trong việc thực thi quyền lực với sự độc tài mà quên mất lợi ích của các thành phần, các lực lượng khác, nên họ nghĩ chỉ cần chia đều lợi ích là có thể ổn định quyền lực.
Và thế là họ lấy lợi ích đảng phái làm nền tảng quyền lực của mình, điều đó khiến cho họ trở thành con rối của chính bàn cờ mà họ đặt ra. Sự hoang tưởng của lực lượng cầm quyền hiện tại ở Iraq có nhiều lý do, trong đó có việc có quyền lực dễ dàng nhờ bom Mỹ lật đổ Saddam.
Nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất là họ quên rằng nhân dân Iraq mới là người quyết định quyền lực của họ và lợi ích của nhân dân Iraq mới là nền tảng cho quyền lực của họ.
Cựu Tổng thống Mỹ George.W.Bush vui mừng tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 2, ngày 1/5/2003. Ảnh: AP. |
Các lực lượng trong cuộc chiến Iraq năm 2003 và lực lượng cầm quyền thời hậu chiến đều đã thể hiện sự hoang tưởng của họ - đó là có thể đánh đổi lợi ích nhân dân bằng một thứ gì khác vô thực.
Điều đó khiến cho vòng xoáy “quyền không lực” tại Iraq luôn vận động không ngừng và người dân Iraq luôn là người thiệt thòi nhất. Họ không biết gửi gắm niềm tin và gửi trao qyền lực cho ai để cuộc sống của họ được bình an và cuộc đởi không vô định.
Hoà bình không thể có được chỉ bởi kết thúc chiến tranh
Sau khi Cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ hai năm 2003 được Tổng thống Bush tuyên bố là chiến thắng khi lật đổ được chế độ của Saddam Hussein, trên thế giới đã xảy ra nhiều cuộc chiến, xung đột vũ trang giữa các quốc gia hay xung đột xã hội bùng phát thành nội chiến.
Và dù kết thúc hay còn tiếp diễn thì cũng như Iraq, người dân các nước này không biết bao giờ mới nhìn thấy hoà bình trên quê hương.
Quy luật của chiến tranh luôn là có kẻ thắng người thua khi chiến tranh kết thúc, cùng với đó là hai trạng thái tâm lý khác nhau ở hai đầu chiến tuyến. Và hận thù luôn là hậu quả dễ nhận ra nhất của chiến tranh.
Lực lượng chiến thắng luôn thể hiện niềm vui, niềm tự hào của người chiến thắng, lực lượng thất bại luôn ôm hận bởi sự chiến bại của mình. Hoà hoãn, hoà bình giữa những người vốn từng là kẻ thù của nhau không dễ dàng có được.
Tình hình hiện nay tại Iraq đã cho thấy rằng chiến tranh Iraq đã kết thúc bằng việc lật đổ chế của Saddam Hussein hơn chục năm rồi, quân đội nước ngoài chiếm đóng cũng rời khỏi Iraq đã 5 năm rồi, nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn còn rất nặng nề và khủng khiếp.
Đó là lòng thù hận tạo nên mâu thuẫn và bất ổn xã hội, từ đó khiến cho mức độ mất mát, đau thương thời hậu chiến còn lớn hơn cả thời chiến. Điều đó cho thấy, hoà bình không thể có được chỉ bởi kết thúc chiến tranh.
Hoà bình và ổn định chỉ có được khi lòng dân không dậy sóng – nghĩa là lợi ích dân tộc, quyền lợi nhân dân phải là nền tảng cho việc thực thi quyền lực.
Chiến tranh được nhận biết qua tiếng bom và đạn pháo, nhưng không có tiếng bom, tiếng pháo không có nghĩa là đã có hoà bình. Hoà bình được quyết định bởi một thứ tiếng có thể không phát ra qua âm thanh nhưng lại mạnh hơn cả tiếng bom tiếng đạn – đó là tiếng dân.
Venezuela từ nghịch lý đến phi lý |
VOA ngày 30/4 đưa tin một kẻ nổ bom tự sát lái xe tới gần một đoàn người Hồi giáo Shia hành hương ở ngoại ô Baghdad rồi kích nổ quả bom, giết chết ít nhất 17 người và gây thương tích cho gần 40 người.
Trước đó bà Lise Grande, Điều phối viên Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, đã cho rằng những thách thức mà Baghdad đang đối mặt là một cuộc khủng hoảng nhân đạo biến động nhất trên thế giới.
Vì vậy, lời cảnh báo cho lực lượng cầm quyền tại Iraq phải hiểu được rằng, trong chiến tranh người ta có thể dùng đạn pháo để át tiếng đạn pháo, nhưng để có hoà bình thì không thể át tiếng dân.
Phải nghe, thấu hiểu và có những hành động hợp lòng dần thì mới có hoà bình. Và tiếng dân có thể át mọi thứ tiếng bom rơi đạn lạc, để bảo vệ chính quyền với những việc làm có ích cho dân.
Dù cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 2 đã là dĩ vãng, nhưng hậu quả do sự hoang tưởng của những người gây nên cuộc chiến và những người nhận lãnh trách nhiệm giải quyết tàn dư sau cuộc chiến, còn rất nặng nề đối với người dân Iraq.
Hoà bình và ổn định chỉ có được khi chính sách của nhà nước, hành động của lực lượng cầm quyền Iraq không hướng về những điều vô thực, mà phải hướng về phục vụ lợi ích của nhân dân.
Qua cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 2 năm 2003 với nhựng hệ luỵ của nó đã làm sáng tỏ thêm quy luật của chiến tranh và hoà bình – đó là: Hoà bình bị mất đi bởi tiếng bom, tiếng súng, nhưng hoà bình chỉ được lập lại bởi duy nhất tiếng dân.