Thế giới học được gì từ đống tro tàn của Hiroshima?

08/08/2015 10:00
Nguyễn Hường
(GDVN) - Sự tàn phá to lớn, tình trạng ô nhiễm và nỗi đau nhân đạo từ cuộc tấn công vào thành phố Hiroshima và Nagasaki đã có tác động lớn đến nhân loại.

Đúng ngày này 70 năm trước, ngày 6/8/1945, quả bom hạt nhân đầu tiên được sử dụng để tấn công thành phố Hiroshima của Nhật Bản đã giết chết khoảng 140.000 người và gần như san phẳng thành phố. 

Hiroshima sau khi bị hủy diệt bằng bom hạt nhân.
Hiroshima sau khi bị hủy diệt bằng bom hạt nhân.

Chứng kiến sự hủy diệt này, Robert Lewis, viên phi công điều khiển chiếc máy bay ném bom Enola Gay của Mỹ đã thốt lên rằng: "Chúa ơi, tôi đã làm gì vậy?" Sự kinh hoàng được thể hiện gói gọn trong câu nói này, sau đó vẫn tiếp tục gây tiếng vang trên toàn thế giới.

Odd Arne Westad, Giáo sư Quan hệ Mỹ-Á tại Đại học Harvard, cho biết, ông tin rằng sự tàn phá to lớn, tình trạng ô nhiễm và nỗi đau nhân đạo từ cuộc tấn công vào thành phố Hiroshima và Nagasaki đã có tác động lớn đến nhân loại. Bằng chứng là trong suốt 3/4 thế kỷ sau đó, nhiều nỗ lực đã được đưa ra để ngăn chặn một vụ tấn công như thế lặp lại. 

"Thế giới đã nhận thức được những hậu quả khủng khiếp. Điều đó đã được chứng minh trong thực tế là trong 70 năm qua kể từ sự kiện Hiroshima, vũ khí hạt nhân chưa bao giờ được sử dụng thêm một lần nữa", ông nói với CNN.

Kể từ năm 1945, khi đầu hàng quân đội Mỹ, Nhật Bản đã duy trì một hiến pháp hòa bình. Những động thái gần đây của chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe trong nỗ lực thay đổi Điều 9 của Hiến pháp đã vấp phải phản đối từ một bộ phận dân chúng nước này.

Jeff Kingston, Giám đốc Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Temple Nhật Bản và là tác giả của cuốn "Chủ nghĩa dân tộc ở châu Á Kể từ năm 1945," cho biết ký ức về vụ ném bom Hiroshima và Nagasaki vẫn còn hằn rõ là lý do chính khiến tình cảm chống chiến tranh vẫn còn tồn tại mạnh mẽ ở Nhật Bản.

Bảo tàng Hiroshima là nơi có nhiều học sinh Nhật Bản đến thăm nhất, đặc biệt là thời điểm này. Truyền thông Nhật Bản vẫn đăng tải vô số những câu chuyện về nỗi đau và sự ám ảnh mà những Hibakusha (cách gọi những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử) phải chịu đựng.

Tinh thần yêu chuộng hòa bình và sự và tâm lý e ngại bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh nào đó cũng khiến người Nhật Bản phản đối việc thay đổi Hiến pháp, trong đó cho phép quân đội có thể tham gia vào các cuộc chiến tranh ở bên ngoài lãnh thổ.

Mặc dù Hiroshima và Nagasaki đã cho thế giới những bài học lớn, nhưng trên thế giới hiện nay ước tính vẫn còn hơn 17.000 đầu đạn hạt nhân.

Bất chấp những nỗ lực làm giảm các kho dự trữ hạt nhân, theo Trung tâm Westad của Harvard, vũ khí hạt nhân lại ngày càng phát triển, đặc biệt ở những khu vực còn xung đột./.

Nguyễn Hường