Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời

19/08/2015 07:19
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Cách mạng tháng 8 là một trong những sự kiện trọng đại nhất, oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới.

LTS: Tiếp tục loạt bài về chủ đề “Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9”, Đại tá Đặng Việt Thủy đã gửi tới Tòa soạn bài viết này, trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

1. Ngày 30 tháng 8 năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị, chấm dứt chế độ quân chủ ở Việt Nam.


Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã chính thức chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến Việt Nam hơn 1.000 năm. Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến đã thoái vị, nhường quyền điều hành đất nước cho chính quyền cách mạng. Sự kiện trọng đại này diễn ra sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Huế chỉ vài ngày.

Sáng ngày 29 tháng 8 năm 1945, nhân dân Huế tổ chức mít tinh trọng thể ở Sân vận động để hoan nghênh phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời từ Hà Nội vào nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Phái đoàn gồm có: Trần Huy Liệu - Trưởng đoàn, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận. Buổi lễ được tổ chức long trọng trên cửa Ngọ Môn. 

Đúng 4 giờ, xe phái đoàn chính phủ cách mạng cầm cờ đỏ sao vàng tiến thẳng vào cửa chính của Ngọ Môn giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt của hơn 5 vạn nhân dân nội, ngoại thành Huế. Bảo Đại quấn khăn vàng, mặc áo vàng, quần trắng ra đón phái đoàn.

Buổi lễ bắt đầu. Ông Trần Huy Liệu giải thích cho đồng bào rõ ý nghĩa của việc phái đoàn thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời vào nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại và đọc cho đồng bào nghe bức điện mới nhận được từ Hà Nội đánh vào cho Chính phủ lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân tại Thủ đô Hà Nội ngày 2 tháng 9 năm 1945 và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập

Trần Huy Liệu cũng đọc cho đồng bào nghe danh sách Chính phủ lâm thời. Sau đó, Bảo Đại đọc tờ chiếu thoái vị một cách xúc động.

Bảo Đại đọc xong thì trên kỳ đài, cờ vàng của nhà vua từ từ hạ xuống và lá cờ nền đỏ thắm năm cánh sao vàng được kéo lên giữa những tiếng vỗ tay, những tiếng hoan hô như sấm, cắt ngang bởi 24 phát súng lệnh vang lên chào quốc kỳ mới của Tổ quốc hồi sinh.

Tiếng súng lệnh chấm dứt, vua Bảo Đại hai tay đưa lên trao cho ông trưởng đoàn đại biểu Chính phủ chiếc Quốc ấn bằng vàng nặng gần 10kg và chiếc Quốc kiếm để trong vỏ bằng vàng, nạm ngọc. 

Sau đó, ông Trần Huy Liệu đọc bản tuyên bố của đoàn đại biểu Chính phủ, nêu rõ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là kết quả của hàng mấy chục năm tranh đấu anh dũng, kiên cường, bền bỉ của nhân dân cả nước, tuyên bố chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ và nhấn mạnh chính sách của Chính phủ dân chủ là đoàn kết mọi tầng lớp quốc dân để giữ nước và dựng nước.

Lắng nghe bản tuyên bố của đoàn đại biểu Chính phủ xong, mấy vạn đồng bào lại vỗ tay và hô khẩu hiệu vang lên cả một góc trời: "Việt Nam độc lập muôn năm!", "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!".

Cuối cùng, theo đề nghị của Bảo Đại, đoàn đại biểu Chính phủ đã tặng ông huy hiệu cờ đỏ sao vàng, ông Nguyễn Lương Bằng cài huy hiệu lên ngực Bảo Đại; từ nay Bảo Đại trở thành người công dân Vĩnh Thụy. 

Ông Cù Huy Cận công bố điều ấy cho đồng bào biết và đề nghị đồng bào hoan nghênh người công dân Vĩnh Thụy. Vĩnh Thụy tươi cười giơ tay vẫy chào đồng bào và ra về.

Vua Bảo Đại thoái vị là một sự kiện có tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ thế kỷ XVI, khi chế độ phong kiến Việt Nam bắt đầu đi vào con đường suy tàn và mục ruỗng, nhân dân Việt Nam đã phải sống một cuộc đời đói khổ và phiêu bạt vì những cuộc nội chiến do các tập đoàn phong kiến gây ra. 

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời ảnh 1
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời

Thắng lợi của khởi nghĩa nông dân Tây Sơn tưởng như có thể đổi đời cho những người nông dân "chân lấm tay bùn" nhưng rồi cũng đi vào "vết xe đổ" và cuối cùng chính quyền lại rơi vào tay tập đoàn phong kiến khác, đó là tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn. 

Khi thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhà Nguyễn với vai trò là lực lượng lãnh đạo đất nước đã không làm tròn nhiệm vụ lịch sử của mình và để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp. Rõ ràng, chế độ phong kiến Việt Nam đã đến thời kỳ diệt vong.

Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, nhà Nguyễn như là một công cụ chính trị đắc lực mà thực dân Pháp lợi dụng để cai trị Việt Nam. Vai trò của nhà Nguyễn tiếp tục được duy trì khi phát xít Nhật nhảy vào Việt Nam thay chân Pháp. 

Chế độ phong kiến Việt Nam giờ đây như những cây "tầm gửi" chỉ sống được nhờ sự nuôi dưỡng của các "thân chủ", đó là thực dân Pháp và phát xít Nhật.

Khi cách mạng vùng lên, dân tộc Việt Nam "giũ bùn đứng dậy" lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật thì chế độ phong kiến Việt Nam đã hoàn toàn mất chỗ dựa, mất đi người nuôi dưỡng, bao bọc nên sự sụp đổ của nhà Nguyễn là một tất yếu.

Cách mạng giành thắng lợi, vua Bảo Đại thoái vị đã kết thúc thời kỳ tồn tại chế độ phong kiến, mở ra một tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam tiến lên theo con đường dân chủ cộng hòa. Lịch sử dân tộc Việt Nam bước sang một trang mới.

2. Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng họp (ngày 26/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản "Tuyên ngôn độc lập" (từ ngày 26 đến 31/8/1945) tại phố Hàng Ngang, Hà Nội.

Sáng ngày 26 tháng 8 năm 1945, tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng.

Trong cuộc họp này, Thường vụ quyết định một số chủ trương đối nội và đối ngoại trong tình hình mới, về việc sớm công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời. 

Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thường vụ nhất trí mở rộng hơn nữa thành phần Chính phủ lâm thời, chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa.

Việc chuẩn bị ngày lễ Độc lập được tiến hành khẩn trương, gấp rút. Nhưng gấp rút nhất, quan trọng nhất là dự thảo bản Tuyên ngôn độc lập.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Thường vụ Trung ương Đảng tín nhiệm đề cử chịu trách nhiệm chính soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập.

Từ "Nam quốc sơn hà" thế kỷ XI đời Lý, "Bình Ngô đại cáo" thế kỷ XV đời Lê, đến "Tuyên ngôn độc lập" thời đại Hồ Chí Minh thế kỷ thứ XX, khoảng cách dài gần 10 thế kỷ, ngót nghìn năm; tầm vóc phải khác xưa.

Trong căn phòng nhỏ của ngôi nhà ba tầng số 48 Hàng Ngang - một cơ sở Đảng trong lòng Hà Nội hồi bị địch chiếm, nơi Người sống trong những ngày mới về Hà Nội, Người làm việc miệt mài suốt ngày đêm, khi viết, khi đánh máy, lúc lại im lặng suy nghĩ. 

Người thay mặt cho dân tộc thảo lời tuyên bố kết thúc chế độ thực dân đã ngự trị gần một thế kỷ trên đất nước ta và sự ra đời của một chế độ xã hội mới, thành quả của những năm tháng đấu tranh cách mạng cực kỳ gian khổ. Sau này, chính Bác kể rằng trong đời mình chưa bao giờ Bác lại cảm thấy xúc động và phấn khởi như trong những giờ phút thảo "Tuyên ngôn độc lập".

Ngày 30 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý kiến cho bản Tuyên ngôn độc lập do Người soạn thảo.

Ngày 31 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung một số điểm vào dự thảo Tuyên ngôn độc lập.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trong cuộc mít tinh trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, tại vườn hoa Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bản Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với vận mệnh của dân tộc. Nó tiếp nối truyền thống anh hùng, bất khuất của cha ông ta thuở trước. 

Thời thế đã đổi thay, song chí khí hào hùng của nhân dân ta trong bài thơ mà Lý Thường Kiệt đọc ở phòng tuyến sông Cầu: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư…", trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi vẫn thắm đượm trong từng lời, từng chữ của Tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Bản Tuyên ngôn độc lập là bản hùng ca viết tiếp những trang sử huy hoàng của ngàn năm về trước, đã đánh dấu thắng lợi của một thế kỷ ngoan cường chống thực dân và phong kiến và mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước ta. 

Bản Tuyên ngôn độc lập chẳng những đã khai sinh một nhà nước - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu sự thành lập một chế độ xã hội mới - chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, từ đây với tư cách người chủ thực sự của đất nước, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến.

Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào, là một mốc son chói lọi trên con đường dài đấu tranh dựng nước và giữ nước suốt mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam. 

Đó thực sự là lời tuyên bố đanh thép về sự cáo chung của chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức. Đồng thời nó cũng báo hiệu sự mở đầu của một thời đại mới, thời đại trỗi dậy của các dân tộc nhược tiểu đứng lên làm chủ vận mệnh của mình.

3. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công trong cả nước đã chấm dứt thời kỳ nô lệ của nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Chính quyền phong kiến triều Nguyễn đã sụp đổ hoàn toàn. 

Chủ quyền đất nước đã về tay nhân dân. Biết bao công việc bộn bề đang đặt ra trước mắt: chiến tranh tàn phá, kinh tế kiệt quệ, hậu quả tai hại của nạn đói chết 2 triệu người đầu năm Ất Dậu, mối đe dọa của lũ lụt ở đồng bằng Bắc Bộ và nguy cơ trở lại xâm lược của thực dân Pháp ở trong Nam.

Trong tình hình phức tạp muôn vàn thử thách đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung giải quyết vấn đề cơ bản của cách mạng là thiết lập chính quyền nhân dân trong cả nước.

Từ sáng sớm ngày 2 tháng 9 năm 1945, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đổ dồn về phía Ba Đình. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt - Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố. 

Ý chí của nhân dân được biểu lộ trên các dòng chữ: "Nước Việt Nam của người Việt Nam", "Độc lập hay là chết", "Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh". Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa Quảng trường Ba Đình, các đội tự vệ vũ trang cùng những đơn vị Quân giải phóng đội mũ ca lô, quân phục nghiêm trang, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài. 

Những chiến sĩ cách mạng đã từng anh dũng chiến đấu ở Bắc Sơn, Vũ Nhai, đã lập nên các chiến công Nà Ngần, Phai Khắt, vừa cùng nhân dân vùng dậy cướp chính quyền, giờ đây vẫn nắm chắc tay súng bảo vệ nền Độc lập mới ra đời. 

Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng giờ này, nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác. Muôn triệu trái tim hồi hộp hướng về Hà Nội đợi chờ.

Đúng 14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị trong Chính phủ lâm thời ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ kéo lên. Hàng chục vạn bàn tay nắm chặt giơ lên ngang tai, biểu thị lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trong bộ quần áo ka-ki và đôi dép cao su tiến ra trước máy phóng thanh. Thay mặt Chính phủ lâm thời - tức Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam - Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập

Đọc nửa chừng, Người dừng lại hỏi: "Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?". Hơn 50 vạn người cùng đáp "!".

Tiếp đó, toàn thể nhân viên trong Chính phủ làm lễ tuyên thệ trước Quốc kỳ. Sau lễ tuyên thệ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trình bày về tình hình trong nước và những chính sách của Chính phủ. 

Tiếp đến, ông Trần Huy Liệu - Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền báo cáo về việc Đoàn đại biểu Chính phủ đi tước ấn kiếm Bảo Đại và trình bày với quốc dân chiếc "Ấn quốc bảo" và thanh kiếm vàng mà Bảo Đại mới trao trả cho nhân dân. 

Ông Nguyễn Lương Bằng, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh nói về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Minh và hô hào nhân dân đoàn kết ủng hộ Chính phủ, thi hành triệt để chương trình kiến quốc của Việt Minh.

Tới 15 giờ, toàn thể quốc dân tuyên thệ. Sau mỗi lời thề, toàn thể đồng bào đều giơ tay hô lớn "Xin thề!", tỏ rõ ý chí bền vững không gì lay chuyển nổi của một dân tộc tự đứng lên giành tự do độc lập.

Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh bước ra lễ đài một lần nữa. Người kêu gọi nhân dân kiên quyết hy sinh giữ vững nền độc lập vừa mới giành được. Lễ mít tinh bế mạc biến thành một cuộc biểu tình tuần hành vĩ đại trong thành phố.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc - ngày độc lập đầu tiên của nước Việt Nam sau ngót một thế kỷ đô hộ của chủ nghĩa thực dân, ghi nhận chiến công của Việt Nam - một dân tộc tiên phong trong sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa và bị áp bức trên thế giới. 

Ngày 2 tháng 9 đã trở thành ngày Quốc khánh của nước Việt Nam, của nhân dân Việt Nam và đó cũng là cái mốc chấm dứt lịch sử cận đại Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc ta.

Cách mạng tháng Tám thành công là thắng lợi của truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, quyết chiến đấu vì độc lập, tự do, không cam chịu làm nô lệ. 

Đó là kết quả của 80 năm đấu tranh kiên cường, anh dũng, đầy hy sinh, gian khổ của dân tộc Việt Nam chống ách thống trị của thực dân Pháp, là thành quả suốt 15 năm chuẩn bị và đấu tranh gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương; là kết quả của quá trình vận động cách mạng qua nhiều cao trào, cùng với sự vận động chiến lược, sách lược, tạo và nắm thời cơ tài tình của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cách mạng tháng Tám cũng đập tan ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật đổ chế độ quân chủ, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. 

Đó là nhà nước kiểu mới, nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, đại biểu cho quốc gia, dân tộc, mang bản chất của giai cấp công nhân do Đảng lãnh đạo. Từ đây, dân tộc Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và xã hội chủ nghĩa. 

Với ý nghĩa đó, Cách mạng tháng Tám và Nhà nước mới ra đời mở đầu cho các thắng lợi tiếp theo của cách mạng Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và giành thắng lợi hoàn toàn.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời ảnh 2

Thời cơ đã đến, những quyết định lịch sử trọng đại trong CMT8/1945

(GDVN) - Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, chúng ta cùng nhớ lại một số sự kiện lịch sử trọng đại tháng 8/1945.

 
Cách mạng tháng Tám đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc.

Đó là một cuộc đổi đời chưa từng thấy đối với mỗi người dân Việt Nam, lật đổ ách thống trị phát xít, thực dân, phong kiến trở thành một nước tự do, độc lập, đưa dân tộc Việt Nam lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên vị trí người làm chủ đất nước.

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Đảng Cộng sản Đông Dương - người lãnh đạo sự nghiệp vẻ vang đó đã trở thành một Đảng lãnh đạo chính quyền trong cả nước. Đảng đại biểu cho lợi ích của nhân dân và lợi ích của dân tộc, lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập và chủ quyền quốc gia. 

Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đồng thời, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thắng lợi của con đường cách mạng Hồ Chí Minh. Đó là con đường giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc. Con đường đó phải dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của đội tiên phong của giai cấp công nhân. 

Cách mạng tháng Tám đã thực hiện hóa và khẳng định những giá trị cao cả của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa bằng cách mạng vô sản. Nó chứng minh sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cách mạng tháng Tám không những có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa quốc tế rộng lớn. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lê nin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. 

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nhân dân Việt Nam đã góp phần xương máu của mình vào cuộc chiến đấu đánh thắng hoàn toàn chủ nghĩa phát xít trên thế giới. Nó cổ vũ, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở Đông Nam Á và ảnh hưởng trực tiếp đến thắng lợi của cách mạng Lào và Cam-pu-chia anh em. 

Thắng lợi đó cũng đã chọc thủng khâu yếu nhất trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, góp phần mở ra thời kỳ suy sụp, tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Nó báo hiệu thời điểm giải phóng các dân tộc bị áp bức đã đến và thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ.

Về ý nghĩa dân tộc và quốc tế của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: 

"Chẳng những giai cấp lao động mà nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công nắm chính quyền toàn quốc". 

* Nguồn trích dẫn:

- "Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 1994.

- "Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

- "Năm 1945 - Những sự kiện lịch sử trọng đại ", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.

Đại tá Đặng Việt Thủy