Những kỷ lục "nhất" và "đầu tiên" của Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh

29/04/2019 06:00
Đại tá Đặng Việt Thuỷ
(GDVN) - Ngoài gùi thồ bằng đôi vai, phương tiện cơ giới, đội quân "tay ngai" với trên 1000 chiếc xe đạp đã lập nên những kỷ lục đáng kể trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

LTS: Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2019), Đại tá Đặng Việt Thủy chia sẻ bài viết về những kỷ lục "nhất" và "đầu tiên" của Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Từ chuyến hàng gùi bộ đầu tiên đến đoàn ô tô đầu tiên chở hàng vào chiến trường

Ngày 20 tháng 8 năm 1959, chuyến hàng gùi bộ đầu tiên được giao cho chiến trường gồm 20 khẩu súng tiểu liên Tuyn, 20 khẩu súng trường Mát, 10 thùng đạn tiểu liên và súng trường cùng công văn bí mật. 

Ngày 9 tháng 8 năm 1964, Trung đoàn 98 công binh - đơn vị Anh hùng, bổ nhát cuốc đầu tiên mở đường cơ giới lên Trường Sơn.

Ngày 25 tháng 10 năm 1965, đoàn ô tô đầu tiên chở hàng vào chiến trường mở đầu giai đoạn vận tải cơ giới trên đường Trường Sơn.

Bất chấp bom đạn và chất độc hóa học, những đoàn xe vẫn tiến về miền Nam. Trong ảnh là chiến sĩ của tiểu đoàn công binh 25, binh trạm 31, Bộ tư lệnh 559, đang dẫn đường cho xe quân sự tại ngã ba bắc Siêng Phan đi Xômpêng. Ảnh: Tienphong.vn
Bất chấp bom đạn và chất độc hóa học, những đoàn xe vẫn tiến về miền Nam. Trong ảnh là chiến sĩ của tiểu đoàn công binh 25, binh trạm 31, Bộ tư lệnh 559, đang dẫn đường cho xe quân sự tại ngã ba bắc Siêng Phan đi Xômpêng. Ảnh: Tienphong.vn

Chiếc bao gùi đầu tiên trên đường Hồ Chí Minh

Khi mới thành lập tuyến vận tải chiến lược mang tên Hồ Chí Minh, phương thức chủ yếu là gùi bộ để chuyển hàng vào chiến trường.

Có một chiếc bao gùi bằng vải bạt dài 0,7m rộng 0,4m đã cũ do đồng chí Thái thuộc Đại đội 3 sử dụng vận chuyển hàng.

Đến cuối năm 1963 chiếc bao đó được chuyển qua đồng chí Hồ Mược ở đại đội 9B chuyển từ Bắc đường số 9 vào chiến trường.

Đến tháng 1 năm 1964 chiếc bao gùi trên lại được chuyển sang cho đồng chí Đào Triệu gùi hàng qua đèo 1800m qua đường số 71.

Tháng 7 năm 1965, chiếc bao lịch sử ấy được chuyển qua trạm giao liên T.73 (đơn vị anh hùng).

Tính đến ngày 15 tháng 3 năm 1970 (khi đưa về Nhà truyền thống) chiếc bao đó đã cùng nhiều chủ nhân chuyển hơn 50 tấn hàng, 915 kg công văn, thư từ đến chiến trường.

Chiếc gùi đã bị rách nhiều lỗ nhỏ, có 5 chỗ rách to được vá lại nhiều lần.

Chiếc xe đạp gùi thồ đầu tiên vào Trường Sơn

Đó là chiếc xe đạp Favôrít có số khung 20.220 được đưa vào đường Hồ Chí Minh từ năm 1961.

Từ năm 1963 đến năm 1965 đại đội 9 (Đoàn 70) đã dùng chiếc xe này thồ hàng từ đường số 9 Sêbănghiêng vào tới sát vùng giáp ranh. Chiếc xe đạp này đã chở được 1.800 tấn hàng vào chiến trường.

Những kỷ lục "nhất" và "đầu tiên" của Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh ảnh 2Những sự kiện không thể lãng quên trên đường Trường Sơn lịch sử

Năm 1966, chiếc xe Favôrít trên được đưa về trạm 34 do đồng chí Hồng, tiểu đội trưởng sử dụng thồ hàng vào và chở thương binh ra.

Đường hẹp, nhiều dốc cao, vực thẳm, nhiều tháng mưa lầy lội nhưng đồng chí Hồng luôn đảm bảo an toàn cho thương binh.

Có ngày đồng chí đưa được 2 chuyến thương binh qua chặng đường khó khăn đảm bảo an toàn.

Từ năm 1969 đến tháng 4 năm 1970, chiếc xe đạp này đã chở được 50 thương binh nặng, 450 ba lô, 1000 kg rau, gạo và thực phẩm. Dùng xe đạp chở thương binh đã tiết kiệm được hơn 500 công cáng bộ.

1000 xe đạp vào Trường Sơn

Vừa soi đường mở tuyến, lập bốn bãi kho trạm, vừa xây dựng phát triển lực lượng, Đoàn vận tải chiến lược 559 tận dụng mọi phương tiện băng qua lửa đạn, đưa hàng vào chiến trường.

Năm 1962, với quân số trên 3000 cán bộ, chiến sĩ toàn Đoàn đã chuyển được 625 tấn vũ khí, trang bị đến các mặt trận phía Nam, bảo đảm 150 tấn gạo cho bộ đội hành quân; chi viện cho hành lang khu 5, Trị - Thiên gần 200 tấn gạo, muối.

Tổng số hàng chuyển giao qua tuyến là 961 tấn, chưa kể hàng bảo đảm nhu cầu nội bộ, đạt 143% kế hoạch cấp trên giao.

Bên cạnh phương thức gùi thồ bằng đôi vai, phương tiện cơ giới, đội quân "tay ngai" với trên 1000 chiếc xe đạp đã lập nên những kỷ lục đáng kể trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Một số kỷ lục về bắn hạ máy bay địch

Những kỷ lục "nhất" và "đầu tiên" của Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh ảnh 3Dấu ấn của Tướng Đồng Sỹ Nguyên trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại

Ngày 24 tháng 7 năm 1965, Tiểu đoàn 20 cao xạ bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên trên tuyến.             

Tiểu đoàn 36 cao xạ (E28) bắn rơi 157 máy bay Mỹ, là đơn vị bắn rơi nhiều máy bay nhất trên tuyến.

Đại đội 4 dùng súng máy 12,7mm bắn rơi 156 máy bay, bình quân mỗi chiến sĩ bắn rơi 2 chiếc. 

Ngày 18 tháng 2 năm 1971, trong 25 phút chiến đấu, Tiểu đoàn 24 cao xạ hạ tại chỗ 18 máy bay Mỹ, phần lớn là trực thăng và phản lực.

Ngày 16 tháng 6 năm 1973, hai đồng chí Nguyễn Văn Thể và Lê Văn Thái (chiến sĩ thông tin Sư đoàn 470) hạ tại chỗ 1 chiếc F.4 bằng 2 viên đạn AK.

Trong mùa khô 1969-1970, đồng chí Bùi Xuân Nơ (chiến sĩ công binh) hạ tại chỗ 1 chiếc F.4 bằng 9 viên đạn súng trung liên.

Trong chiến dịch phản công chống cuộc hành quân "Lam Sơn 719" của địch (tháng 3 năm 1971), các lực lượng Bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 365 máy bay, diệt 8.105 tên, bắt sống 1.160 tên địch, phá hủy 136 xe tăng, xe cơ giới và 86 khẩu pháo.

Kỷ lục làm cầu của Bộ đội Trường Sơn

Ngay sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, để đảm bảo giao thông phục vụ vào chiến trường, Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn phải nhanh chóng bắc cầu phao Gianh và Long Đại. 

Nhiệm vụ quan trọng này được giao cho Trung đoàn 99 (đơn vị xây dựng cầu thiện chiến nhất của Bộ đội Trường Sơn) phối hợp với các đơn vị công binh của Quân khu 4 và Ty Giao thông Quảng Bình.

Sông rộng, nước sâu và chảy xiết, nhưng với quyết tâm cao, sự sáng tạo và lòng quả cảm của bộ đội Trường Sơn, chỉ trong vòng hai tháng, 2 chiếc cầu phao hiện đại đã hoàn thành và phát huy tác dụng rất lớn.

Theo số liệu thống kê của Ty Giao thông Quảng Bình, ở cầu phao Long Đại bình quân mỗi ngày đã có 572 lượt xe vào ra, còn ở cầu Gianh phục vụ bình quân mỗi ngày 684 xe.

Cầu phao Long Đại và cầu phao Gianh được bộ đội ta đọc chệch đi là "xong đại nhanh" để khẳng định kỷ lục bắc cầu nhanh của Trung đoàn 99. 

24 giờ bắc xong cầu qua sông Thạch Hãn. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, để đảm bảo cho bộ binh cơ giới của ta tiến công địch giải phóng Thừa Thiên - Huế từ phía Bắc, Bộ Tư lệnh Trường Sơn giao nhiệm vụ cho Trung đoàn cầu 99 rà phá bom mìn, thủy lôi để bắc cầu qua sông Thạch Hãn.

Mệnh lệnh nêu rõ: phải nhanh chóng, khẩn trương hoàn thành công việc trong 3 ngày.

Thế nhưng bằng ý chí quyết tâm và hành động mau lẹ, khéo léo, chỉ trong vòng 24 giờ, chiếc cầu vượt sông Thạch Hãn đã được bắc xong.

Các đơn vị bộ binh cơ giới của ta qua cầu thẳng tiến về phía Nam vô cùng phấn khởi, bày tỏ niềm mến mộ và khâm phục những người "thợ cầu" Trường Sơn.

... và nhiều kỷ lục khác

Anh hùng Nguyễn Viết Sinh (Tiểu đoàn 11, Binh trạm 3) gần 6 năm làm nhiệm vụ gùi, thồ, vận chuyển hàng vượt Trường Sơn; tổng cộng chặng đường anh vượt bằng độ dài vòng quanh trái đất.

5 năm kể từ khi nhập ngũ cho tới lúc bị thương ở Tà Khống (đầu năm 1966), hầu như anh không ốm và nghỉ ngày nào.

Dấu chân lõm sâu trong thớ đá: Cuối năm 1966, ta mở Đường 20 (Đường Quyết Thắng), thì đường giao liên chạy song song cũng được hình thành, các trạm giao liên T6, T7, T8 được thành lập nên nối thành hệ thống giao liên hoàn chỉnh.

Ở trước trạm T6, địa thế hiểm hóc, có một hòn đá bên cạnh suối, bất cứ ai đi qua cũng phải đặt chân lên đó.

Hàng triệu dấu chân ngày nọ tiếp ngày kia lần lượt giẫm lên làm cho hòn đá lõm hẳn xuống in rõ dấu chân người. Hiện hòn đá đó đang được trưng bày tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.

Tài liệu tham khảo:

Lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 1999.

Tản mạn chuyện binh nghiệp, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.

Đại tá Đặng Việt Thuỷ