Nữ thanh niên xung phong gần 40 năm "ở goá" đi tìm mộ, thờ người yêu

26/07/2013 08:53
X. Hoà
(GDVN) -Gần 40 năm bà Huệ đã ở vậy thờ phụng để nguyện thề sắc son tình yêu với người yêu liệt sỹ chưa kịp cưới của mình.
Tình yêu tuổi thanh xuân của cô gái Thanh niên xung phong
Một lần cùng người bạn về xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh tôi được nghe mọi người kẻ về chuyện tình của một cô gái TNXP đã 40 năm nay ở goá để trọn thề son sắt tình yêu với người yêu là liệt sỹ chưa kịp cưới. 
Nghe vậy tôi cố nài nỉ ông bạn dẫn đường sang để được gặp người phụ nữ son sắt ấy là người thế nào. Tình yêu trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của bà có đẹp như mọi người nói hay không. 

Với bà Huệ mặc dù chưa một ngày nên nghĩa vợ chồng nhưng bà vẫn mãi xem ông Thọ đã là chồng của mình
Với bà Huệ mặc dù chưa một ngày nên nghĩa vợ chồng nhưng bà vẫn mãi xem ông Thọ đã là chồng của mình

Vùng Xuân Hội trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ từng là túi bom của bọn đế quốc xâm lược. Từng mảnh đất nơi đây bị bom Mỹ cày tung xới lên nhưng giờ nó đã thành một vùng quê yên bình trù phú với chi chít nhà cửa.
Chuyện tình của cô TNXP ngày ấy qua lời kể khiến tôi cảm thấy vừa nể phục vừa trân trọng biết mấy nên trên đường đi tôi nóng lòng được gặp người phụ nữ ấy như người thân của tôi mà đã lâu lắm rồi chưa gặp.

Vào đến thôn Hội Tiến, xã Xuân Hội hỏi nhà bà  Phùng Thị Huệ (SN 1950) cô TNXP trong câu chuyện mọi người không ai là không biết. Chuyện tình của bà và việc bà nguyện ở vậy để thờ người yêu mà chưa một ngày được gọi tiếng chồng đã lan xa khắp nơi ở cái vùng quê này.

Năm nay đã bước sang cái tuổi 66, mái tóc đen mượt của cô gái TNXP hôm nào giờ đã điểm bạc. Thấy có khách đến từ trong căn nhà nhỏ bà Huệ hồ hởi ra đón khách. Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn được nghe chuyện tình của bà bà đã không ngần ngại kể:

Năm 1968 bà vừa tròn 16 tuổi đã tình nguyện viết đơn xin gia nhập Đoàn thanh niên xung phong 557, C18N5, vượt suối trèo đèo theo dãy Trường Sơn vào chiến trường ở phía nam Bình -Trị-Thiên chiến đấu. Suốt 4 năm tham gia chiến đấu cô thanh niên xung phong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ chia sẻ của chiến sỹ Đặng Xuân Thọ - cùng đơn vị. 

Di ảnh của Liệt sỹ Đặng Xuân Thọ
Di ảnh của Liệt sỹ Đặng Xuân Thọ

Lần đầu tiên bắt gặp ánh mắt trìu mến của anh từ đó hai trái tim cùng hòa nhịp, yêu thương lúc nào không hay biết, với lời thề sắt son, hẹn ước ngày trở về xây dựng hạnh phúc khi đất nước hoàn toàn được giải phóng.

4 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường chị Huệ bị thương và xuất ngũ trở về quê tham gia công tác sản xuất, hoạt động đoàn đội. Còn anh đi học trường trung học Hàng Hải – Hải Phòng. Hơn một năm sau mẹ và em trai anh Thọ bị trúng bom và mất ở quê nhà, anh Thọ lại nghỉ học tiếp tục lên đường vào chiến trường B (chiến trường Miền Nam) chiến đấu.

Rồi ngày hành quân anh bước lên xe anh chỉ kịp nói “Em ở nhà chờ anh trở về”, chị chỉ trả lời “Anh cứ an tâm lên đường, em ở nhà dù 5 năm, 10 năm, 20 năm hay cả cuộc đời em vẫn chờ anh trở về”.

Chuyện tình của họ chỉ ngắn gọn và đơn giản như vậy. Nhưng trong cảnh mưa bom bão đạn chuyện sống chết chỉ cách nhau cái gang tay nên ngày đó là một lời thề hẹn ước không phai đối với bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Ông Thọ và Bà Huệ cũng không phải là ngoại lệ.

Đã gần 40 năm nay bà Huệ ở một mình hàng ngày lau chùi và thắp hương cho người yêu mình để trọn lời thề tình yêu son sắt
Đã gần 40 năm nay bà Huệ ở một mình hàng ngày lau chùi và thắp hương cho người yêu mình để trọn lời thề tình yêu son sắt

Từ ngày ông Thọ đi vào Nam chiến đấu ngày nào bà Huệ cũng nhớ về ông và mong ngày hoà bình lập lại ông quay về để cả hai nên duyên vợ chồng. Nhưng trong tình cảnh chiến tranh ác liệt chuyện mất mát khó tránh khỏi. Một ngày bà Huệ như không tin vào mắt mình và không muốn chấp nhận sự thật khi cầm trên tay tờ giấy báo tử của ông Thọ. Vậy là người đàn ông hẹn ước sẽ quay về nên duyên vợ chồng với bà đã đi xa, xa mãi không còn quay về.

Cùng với đó nỗi đau càng nhân lên gấp bội bởi cùng một lúc bà phải nhận thêm tờ giấy báo tử của cả người em trai. Lúc đó bà như muốn ngã gục xuống và buông rơi tất cả. Nhưng ý chí của người TNXP thời chiến đã giúp bà vực dậy và bà muốn làm cái gì đó để sự hy sinh của người yêu và em trai ỏ chiến trường không phải là những sự hy sinh vô nghĩa.

Cô TNXP 40 năm ở goá đi tìm mộ thờ người yêu

Kể từ biến cố đó, mặc cho bao lần bố mẹ, người thân động viên, thúc dục đi lấy chồng nhưng bà Huệ luôn tìm cách từ chối. Không lấy chồng chị xin bố mẹ cho ra ở riêng bên bờ sông Lam trong căn nhà 2 gian nhỏ để đặt bàn thờ và di ảnh của ông Thọ. Chị cũng tự  hứa với lòng mình sẽ quyết tâm đi tìm mộ anh.

Bao nhiêu năm làm lụng, chị tích cóp tiền của định xây nhà thờ cho anh, nhưng năm 1989, một cơn lũ khủng khiếp đã tràn qua vùng quê chị, cuốn trôi hết toàn bộ tài sản. Không nản chí, chị vẫn ngày ngày đi bán cá kiếm tiền, dựng một túp lều bé nhỏ ven dòng sông Lam để có chỗ đặt bàn thờ cho người yêu.

Dù chưa một lần được làm vợ làm mẹ nhưng chị tự coi mình là con dâu của gia đình anh. Hàng năm, cứ đến ngày anh hy sinh và ngày 27/7, chị đều làm giỗ cho anh cẩn thận. Những lúc nhớ anh, chị vẫn giở sổ viết những dòng nhật ký đẫm nước mắt.
 
Sau khi đất nước được thống nhất đến năm 1976, bà lại lên kế hoạch một mình đi tìm mộ ông Thọ. Cầm trên tay tờ giấy báo tử số 215 do Đại tá - Hồ Bá Phúc ký ngày 1/6/1974, ghi vỏn vẹn mấy dòng, “báo ân liệt sĩ Đặng Xuân Thọ hy sinh ngày 26/1/1973, tại mặt trận phía Nam, thi hài mai táng gần khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận”.

Suốt 40 năm qua bà Huệ sống chắt chiu từng đồng lương ít ỏi để tìm hài cốt người yêu. Cũng chừng ấy năm, bà đã hàng chục lần tự mình mò mẫm đi tìm mộ ông Thọ. Bà đã bỏ hết cả tuổi thanh xuân của mình đi khắp Quảng Trị, Khe Sanh, Đồng Nai, Tây Nguyên rồi Tây Ninh, khắp các nghĩa trang Trường Sơn, Việt Lào, Đường 9 và bìa rừng Trường Sơn, nhưng vẫn chưa tìm thấy hài cốt ông Thọ.

Chưa tìm thấy hài cốt người yêu trong lòng chị lo lắng không yên, mỗi năm chị bắt xe vào tận Quảng Trị, nơi anh đã hi sinh mong tìm được hài cốt người chiến sỹ quả cảm. Cứ có thời gian rảnh rỗi là chị lại chăm chú đọc báo, xem tivi, nghe đài, đến mục Nhắn tìm đồng đội là chị lại mở sổ ghi chép, lòng sắt son một niềm tin sẽ có ngày chị tìm được mộ người yêu.

Sau gần 40 năm cuối cùng bao lần mòn mỏi đợi chờ ngày 22/8/2010 tâm nguyện của bà mới trở thành sự thật. Bà cùng 3 người em của liệt sỹ Thọ vào đến xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang tìm được mộ anh và đưa về an nghỉ tại nghĩa trang xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Giờ đây ở cái tuổi ngoài lục tuần bà vẫn hàng ngày một mình thờ phụng người chồng mà chưa làm lễ cưới của mình. Những lúc trái gió trở trời những vết thương do bọm đạn để lại lại làm bà đau ê ẩm nhưng bà vẫn thấy vui vì từ nay ông Thọ đã ở gần với bà hơn. Hàng đêm bà đều cảm thấy như ông Thọ vẫn đang ở bên mình như những ngày trong hàng ngũ TNXP năm nào. 

Có lẽ chúng tôi cũng chẳng biết kết thúc câu chuyện tình son sắt này như thế nào. Vì tất cả nó quá thiêng liêng cao quý vì vậy đành mược tạm lời nói của bà lúc chia tay chúng tôi: “Với tôi mỗi người lính đã hy sinh đều là đồng đội và với ông ấy (ông Thọ -PV) trong lòng vẫn mãi là người chồng của tôi. Bom đạn kẻ thù có cướp đi sinh mạng ông ấy nhưng tôi tin linh hồn ông ấy vẫn mãi bên tôi suốt kiếp người này”.
X. Hoà