Gạt bỏ lao động lớn tuổi ảnh hưởng lớn đến chính sách an sinh xã hội

27/07/2017 07:42
Mai Anh
(GDVN) - Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tình trạng doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động lớn tuổi đang ảnh hưởng lớn đến chính sách an sinh xã hội.

Chưa có báo cáo số liệu cả nước

Thời gian vừa qua, tại một số tỉnh, thành phố phía Nam đang có tình trạng doanh nghiệp khuyến khích những người lao động lớn tuổi nghỉ việc trước thời hạn hợp đồng đổi lại người lao động sẽ nhận từ doanh nghiệp một khoản tiền lớn. 

Ngay tại tỉnh Đồng Nai, không ít doanh nghiệp đưa ra chính sách khuyến khích người lao động lớn tuổi nghỉ việc bằng khoản hỗ trợ với tên gọi khá hấp dẫn “ổn định cuộc sống sau khi nghỉ việc”. 

Theo đó, những người có thâm niên lâu năm có thể nhận các khoản hỗ trợ riêng của công ty với số tiền có thể lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí còn được chủ doanh nghiệp hứa đảm bảo các chế độ khác. 

Tuy nhiên, chỉ sau khoảng nửa năm nghỉ việc, nhiều người mới thực sự vỡ mộng, bởi đại đa số không kiếm được việc làm mới, nên cuộc sống khá vất vả.

Tình trạng doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động lớn tuổi được báo chí quan tâm đặt ra nhiều câu hỏi tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 7/2017 - ảnh Hoàng Lực.
Tình trạng doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động lớn tuổi được báo chí quan tâm đặt ra nhiều câu hỏi tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 7/2017 - ảnh Hoàng Lực.

Trước thực tế trên, tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 7/2017 nhiều câu hỏi được đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đặt ra xoay quanh việc có hay không tình trạng doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động lớn tuổi để chấm dứt hợp đồng lao động cũng như hệ lụy của hiện tượng này.

Trao đổi vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định, chưa có việc người lao động cao tuổi thỏa thuận với doanh nghiệp để chấm dứt hợp đồng lao động sớm.

Thực tế các doanh nghiệp vì lợi nhuận, muốn chuyển lao động lớn tuổi ra khỏi bộ máy và tuyển dụng lao động mới, trẻ tuổi hơn, nhanh nhẹn hơn có kỹ năng hơn.

Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam trao đổi thông tin tại hội nghị, ảnh: Hoàng Lực.
Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam trao đổi thông tin tại hội nghị, ảnh: Hoàng Lực.

“Những người lao động cao tuổi thì việc cập nhật quy trình mới, công nghệ mới sẽ gặp khó khăn hơn. Người sử dụng lao động vì mục đích lợi nhuận cho nên cũng có một số trường hợp thỏa thuận một chiều, tức là  sẽ trợ cấp thêm cho người lao động lớn tuổi để họ nghỉ việc.

Tuy nhiên qua số liệu chi trợ cấp thất nghiệp cũng có tăng nhưng cái tăng này chưa đến mức quan ngại”, ông Thọ cho biết.

Về giải pháp ông Thọ cho rằng: “Ngành bảo hiểm xã hội không làm gì được mà phải đòi hỏi chính sách vĩ mô. Chẳng hạn như hiện nay quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang có nội dung chi trả về hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động để nhằm khắc phục tình trạng người lao động bị đào thải do không thích ứng kịp với công nghệ mới.Tuy nhiên đến nay nội dung chi này chưa có”.

Mặt khác, ông Thọ đề nghị phải có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp giữ lại người lao động lớn tuổi.

Hệ lụy lớn

Đồng quan điểm, trao đổi tại hội nghị ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẳng định, hiện tượng doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động lớn tuổi (sau tuổi 35 với nữ và 40 với nam) là có thật. Tình trạng này đã diễn ra từ cách đây 7 năm nay, những năm gần đây diễn ra phổ biến hơn. 

Gạt bỏ lao động lớn tuổi ảnh hưởng lớn đến chính sách an sinh xã hội ảnh 3

Bảo hiểm xã hội Việt Nam lắng nghe, chia sẻ với khó khăn của bệnh viện tư nhân

Theo ông Quảng bằng thông tin hệ thống công đoàn, qua khảo sát điều tra ở 64 doanh nghiệp và khu công nghiệp cho thấy số công nhân lao động làm việc doanh nghiệp trung bình từ 6-7 năm. Số lao động từ trên 35 tuổi trở lên làm việc tại khu công nghiệp - khu chế xuất rất ít. 

“Số lao động bị đào thải sau tuổi 35 chủ yếu lao động trực tiếp, chủ yếu làm trong khu vực có cường độ lao động cao, số lượng lao động nhiều. Do đó khi ở tuổi sau 35 sức khỏe, nhanh nhạy giảm nên việc ứng dụng công nghệ khoa học tăng năng suất lao động rất khó.

Trong lúc đó chi phí về bảo hiểm xã hội, chi phí về tiền lương và các chi phí khác cao hơn, từ đó doanh nghiệp có nhiều chính sách, nhiều biện pháp để đẩy số người lao động này ra ngoài doanh nghiệp. 

Trong đó nhiều doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động để chi cho người lao động một khoản tiền cao hơn số chi của bảo hiểm xã hội để thải loại họ ra”, ông Quảng cho biết.

Ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, tình trạng doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động lớn tuổi đang ảnh hưởng lớn đến chính sách an sinh xã hội - ảnh: Hoàng Lực.
Ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, tình trạng doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động lớn tuổi đang ảnh hưởng lớn đến chính sách an sinh xã hội - ảnh: Hoàng Lực.

Theo đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tình trạng doanh nghiệp "thải loại" người lao động lớn tuổi đang rất báo động, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội, chính sách giải quyết việc làm bền vững của Nhà nước.

Phân tích rõ hơn hệ lụy của việc doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động lớn tuổi ông Quảng cho biết, hầu hết trường hợp lao động lớn tuổi bị doanh nghiệp thải loại sẽ đồng thời nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. 

Số lao động sau tuổi 35 bị đưa ra khỏi các doanh nghiệp rất khó tìm công việc mới ở khu vực có quan hệ lao động (làm việc tại các doanh nghiệp) nên họ lại tìm về khu vực không có quan hệ lao động (lao động tự do) và không tham gia bảo hiểm xã hội nữa. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chính sách an sinh xã hội.

Ngoài ra, ông Quảng khẳng định hiện tượng doanh nghiệp sa thải người lao động lớn tuổi cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực lao động của chúng ta. 

“Tuổi lao động của chúng ta nam 60, nữ 55 tuổi nhưng ở một số doanh nghiệp nữ sau 35 tuổi, năm sau 40 tuổi đã bị doanh nghiệp thải loại gây ra lãng phí nguồn lực lao động”, ông Quảng cho biết.

Để giải quyết vấn đề này, ông Quảng cho rằng, rất khó bởi lao động – việc làm được xây dựng trên cơ chế thị trường, linh hoạt tự nguyện nên không thể ép buộc.

“Phải tuyên truyền tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người lao động gắn bó làm việc lâu năm. Cả thời trẻ gắn bó đóng góp cho doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp phải có trách nhiệm với doanh nghiệp.

Đồng thời, phải tuyên truyền cho người lao động tránh cái lợi trước mắt”, ông Quảng cho biết.

Mặt khác, ông Quảng cũng cho biết, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát để làm sao để xử lý doanh nghiệp tự chấm dứt hợp đồng lao động, thải loại lao động lớn tuổi.

Tăng cường vai trò công đoàn cơ sở trong việc giám sát thực hiện các chính sách cho người lao động.

Mai Anh