Ngay sau khi Bộ Tài chính áp giá trần với sản phẩm sữa và thông tin giá một số sản phẩm sữa hộp sẽ giảm giá từ 50.000 – 70.000 đồng, một số sản phẩm sữa trên thị trường dường như có cách lách luật mới. Đó là giữ nguyên giá bán nhưng giảm trọng lượng của sữa.
Một khách hàng tại Quận 1 TP.HCM cho biết, đã phải mua sữa Pediasure của Abbott loại 900g giá 580.000 đồng, mức giá này vẫn giữ nguyên như cũ nhưng trọng lượng hộp sữa chỉ còn 850g. Các cửa hàng tại quận Gò Vấp, quận Tân Bình đều tư vấn cho khách nên mua sản phẩm sữa thời điểm này vì sắp tới một số sản phẩm nữa như Ensure hay Pediasure dù giữ giá cũ nhưng sẽ giảm trọng lượng. Tư vấn này của các cửa hàng dang khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng.
Các doanh nghiệp sữa tìm cách lách luật áp trần giá sữa (ảnh minh họa). |
Không chỉ giảm trọng lượng, các hãng sữa còn dùng chiêu thay đổi mẫu mã bao bì mới để bán với giá mới. Cụ thể hãng sữa Mead Johnson thay đổi mẫu mã mới cho một số sản phẩm và tăng giá bán lên từ 5 – 7%, ví dụ như loại Enfa A+ loại 1,8kg đang bán với giá 805.000 đồng/hộp thì với mẫu mã mới lại bán với giá 850.000 đồng/hộp.
Có thể nói với chiêu lách luật áp trần giá sữa các hãng sữa đang thách thức văn bản pháp luật, điều này đặt ra vấn đề trong văn bản pháp luật sắp tới cần chỉ rõ cụ thể từng vấn đề về mẫu mã, trọng lượng các sản phẩm sữa.
Liên quan đến vấn đề này phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas).
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) |
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, việc tăng giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời gian qua đã gây bức xúc cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, Nhà nước đã vào cuộc nhằm bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi,
“Ngay trong ngày công bố kết quả thanh tra, tôi đã hoan nghênh Bộ Tài chính. Đồng thời cũng hy vọng những chủ trương Chính phủ áp dụng, trong đó có biện pháp quy định giá tối đa theo đề xuất của Bộ Tài chính, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được bình ổn. Tuy nhiên đọc những thông tin trên, người tiêu dùng chưa kịp mừng đã lại lo. Bởi đến văn bản pháp luật còn bị những doanh nghiệp này thách thức thì hy vọng gì ở sự tôn trọng đối với người tiêu dùng”, ông Hùng bày tỏ quan điểm trước việc một số hãng sữa đang tìm cách lách luật.
Việc các hãng sữa tăng giá do chi phí sản xuất, quảng cáo tăng, theo Tổng thư ký Vinastas là điều vô lý. “Người tiêu dùng không thể chi trả cho những chi phí quảng cáo, khuyến mại vượt quy định pháp luật hàng trăm tỷ đồng mà cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện, công bố. Ở đây cũng nói thêm, ngay giá hiện hành nếu không được điều chỉnh xuống thì người tiêu dùng đã phải chi trả cho những chi phí trái luật đó rồi. Trong khi đó những kiểu lách luật trên đây, như giữ nguyên giá bán nhưng giảm trọng lượng thực chất là hành vi gian lận thương mại, cần phải được xử lý”, ông Hùng nhận định.
Đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp sữa cố tình lách luật, cuối năm 2013 khi Bộ Tài chính có những quy định về quản lý sữa tuy nhiên các Công ty sữa như Abbott Việt Nam, Mead Jonhson đã âm thầm được điều chỉnh tăng giá.
Cụ thể từ ngày 12/12/2013 Bộ Tài chính ban hành Thông tư 30 yêu cầu các công ty sữa giảm chi phí để giảm giá bán, tuy nhiên thay vì giảm giá Abbott cũng đã thông báo với các đại lý về việc tăng giá sản phẩm. Theo giải thích của các hãng sữa, giá sữa tăng do nguyên liệu sữa trên thế giới tiếp tục tăng giá như nguyên liệu chính (bột sữa, dầu bơ) trên thị trường thế giới đã tăng thêm từ 30 - 57% so với cùng kỳ năm trước, bột sữa béo tăng khoảng 1.555 USD/tấn, từ 3.600 USD/tấn tăng lên 5.155 USD/tấn tương đương tăng 43% so với cùng kỳ năm 2013; dầu bơ tăng từ 3.650 USD/tấn lên 5.746 USD/tấn…
Tuy nhiên giá nguyên liệu đầu vào chỉ là lý giải của các hãng sữa còn thực tế việc kiểm tra giám sát không dễ. Một bất cập khác dẫn đến việc doanh nghiệp sữa lách luật đó việc các văn bản pháp luật hiện nay chưa hoàn thiện. Cụ thể Thông tư 30 của Bộ Tài chính chỉ yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá, nhưng lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất.
Thêm vào đó tại Luật giá hiện đang cho phép các doanh nghiệp sữa được tăng giá từ 15 - 20% và mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 15 ngày. Như vậy, các doanh nghiệp sữa vẫn thoải mái tăng giá vài lần trong năm, thậm chí 1 tháng tăng 2 lần mà vẫn không sai luật.
Từ vấn đề bất cập hệ thống văn bản pháp luật, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng khi có đầy đủ công cụ pháp lý trong tay các cơ quan công quyền, có chức năng bảo vệ pháp luật sẽ có nhiều biện pháp. Vì dù có lách luật bằng cách đưa ra mẫu mã mới để tăng giá thì vẫn phải đăng ký giá, cơ quan quản lý vẫn kiểm tra yếu tố hình thành giá để áp giá trần. Việc bổ sung vào Danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá cũng nằm trong tay Nhà nước.
“Vấn đề là ở chỗ phải làm đến cùng. Vì đây là vấn đề dân sinh. Người lớn không thể thiếu lương thực. Trẻ em không thể thiếu sữa”, ông Hùng bày tỏ quan điểm.
Theo ông Hùng, lúc này người tiêu dùng cùng Nhà nước tham gia bình ổn giá sữa bằng cách thực hiện quyền lựa chọn của mình để thể hiện thái độ tẩy chay các sản phẩm sữa tăng giá bất chấp quy định của pháp luật dưới mọi hình thức.