Agribank - những đại án “nghìn tỷ”, phải truy trách nhiệm người đứng đầu

29/07/2017 10:04
Mai Anh
(GDVN) - Những đại án “nghìn tỷ” của Agribank không chỉ làm thất thoát số tiền lớn mà còn giảm niềm tin của người dân đối với hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước.

Khuyết điểm, vi phạm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) được Kiểm toán Nhà nước đưa ra mới đây càng cho thấy, những sai phạm trong quản lý điều hành của ngân hàng này có tính hệ thống, lặp đi lặp lại ở nhiều nơi thể hiện rõ nhất qua 5 đại án “nghìn tỷ” gần đây.

Nữ giám đốc ngân hàng tham ô hơn 2.600 cây vàng

Ngày 17/3/2017 vừa qua Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành xét xử tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đối với bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh (57 tuổi, nguyên giám đốc Agribank Bến Thành, quận 1).

Ngoài ra còn có 5 cán bộ thuộc Agribank Bến Thành cũng bị truy tố với vai trò giúp sức cho bà Oanh.

Theo kết quả điều tra, tháng 8/2008, bà Oanh sử dụng tên của nhiều người thân làm giả 7 hồ sơ rồi chỉ đạo cấp dưới hoàn tất thủ tục vay 2.360 lượng vàng của Agribank chi nhánh Bến Thành.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh (57 tuổi, nguyên giám đốc Agribank Bến Thành, quận 1 - đứng ngoài cùng bên trái) và đồng phạm tại tòa - ảnh Hải Duyên.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh (57 tuổi, nguyên giám đốc Agribank Bến Thành, quận 1 - đứng ngoài cùng bên trái) và đồng phạm tại tòa - ảnh Hải Duyên.

Số vàng này bà Oanh dùng mua căn nhà trên đường Trần Quang Khải (quận 1) cho con gái đứng tên, cho Agribank thuê mở phòng giao dịch với giá 5.800 USD mỗi tháng. Trong thương vụ này, bà ta bỏ túi 5,6 tỷ đồng.

Để có tiền trả nợ, bà Oanh chỉ đạo em rể Trương Thế Thanh (trưởng phòng tín dụng) lấy pháp nhân công ty của Huỳnh Ngọc Thạch (con rể bà Oanh) và một số doanh nghiệp khác vay vàng của Agribank.

Tính đến thời điểm khởi tố vụ án, bà Oanh còn nợ 2.060 cây vàng.

Giám đốc Agribank Chi nhánh Bến Thành còn bị cho là ký duyệt để em rể vay 13 tỷ đồng đầu tư bất động sản. Thời gian bị điều tra, ông này chết vì bệnh hiểm nghèo.

Ngoài ra, bà Oanh bị cáo buộc nhận hối lộ của ông Lê Văn Tính 24 tỷ đồng để giúp ông này vay hàng nghìn lượng vàng của nhà băng, sau đó chiếm đoạt.

Cụ thể, năm 2009 ông Tính làm quen với bà Oanh, nói có nhiều dự án khai thác vàng bên Campuchia, xây dựng nhà... đề nghị giám đốc chi nhánh ngân hàng cho vay vốn.

Dù hồ sơ của ông ta không hợp lệ nhưng bà Oanh đồng ý với điều kiện "vay vàng nhưng nhận bằng tiền".

Tổng cộng, ngân hàng giải ngân cho ông Tính 4.350 cây vàng và 28 tỷ đồng (tương đương hơn 137 tỷ đồng). 

Nhưng mỗi lượng bị tính thấp hơn giá thực tế 2 triệu đồng nên thực tế ông Tính chỉ nhận hơn 112 tỷ. Thông qua việc cho Tính vay, bà Oanh đã nhận hối lộ hơn 24,6 tỷ đồng còn lại.

Số tiền này ông Tính không sử dụng đúng mục đích mà cho nhiều người vay lại lấy lãi cao hơn và đầu tư bất động sản dẫn đến không có khả năng thu hồi.

Để che giấu sai phạm, khi biết giám đốc Tính không có khả năng trả nợ, bà Oanh tiếp tục chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục cho ông ta vay để lấy tiền đảo nợ.

Hiện, ông Tính còn nợ Agribank Bến Thành hơn 36 tỷ đồng và hơn 5.600 cây vàng (tương đương 301 tỷ đồng).

Sếp Agribank làm thiệt hại hơn 600 tỷ

Chiều 24/10/2016, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên y án 20 năm tù đối với ông Phạm Văn Cử (55 tuổi, nguyên giám đốc Agribank Chi nhánh 7), 16 năm tù đối với Kiều Đình Thọ (35 tuổi, nguyên trưởng phòng) cùng về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tòa cũng giữ nguyên án tù chung thân đối với Phạm Trịnh Thắng (44 tuổi, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Mai Khôi) - người cầm đầu vụ án; 20 năm tù với Dương Thị Kim Luyến (41 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Mai Khôi, vợ Thắng) cùng 4 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 7 năm tù với Đỗ Thị Thu Hà (41 tuổi, nguyên phó Phòng kinh doanh).

Bị cáo Phạm Văn Cử (áo xanh, nguyên giám đốc Agribank Chi nhánh 7) tại phiên tòa ngày 24/10/2016, ảnh Hải Duyên
Bị cáo Phạm Văn Cử (áo xanh, nguyên giám đốc Agribank Chi nhánh 7) tại phiên tòa ngày 24/10/2016, ảnh Hải Duyên

Theo kết quả điều tra, năm 2007 vợ chồng Thắng lập Công ty TNHH Thương mại Mai Khôi tại Đồng Nai kinh doanh gạo và phân bón. Sau đó ông ta lập khống báo cáo tài chính và phương án kinh doanh hàng nghìn tấn gạo... để vay vốn ngân hàng.

Chấp nhận đề nghị vay vốn của Thắng, Giám đốc Cử chỉ đạo Thọ và Hà thẩm định hồ sơ, ký duyệt 5 hợp đồng tín dụng, giải ngân cho Công ty Mai Khôi vay hơn 1.800 tỷ đồng và hơn 23 triệu USD.

Số tiền này Thắng không sử dụng vào mục đích kinh doanh mà đưa cho vợ mua cổ phần, gom đất nông nghiệp làm dự án, trả nợ các khoản vay trước đó... dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Đến tháng 3/2010 không còn khả năng thanh toán nợ, Thắng và các thuộc cấp tiếp tục lập khống cả chục hợp đồng mua bán vay thêm tiền.

Trong một hợp đồng tín dụng khác, Thắng và đồng phạm còn dùng 11 bất động sản ở quận 7 là đất lúa, ao chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay hàng trăm tỷ đồng.

Do không thực hiện đúng các quy định trong hoạt động cho vay, các cán bộ ngân hàng đã định giá các bất động sản Thắng thế chấp từ 36 tỷ lên hơn 700 tỷ đồng.

Số tiền vay được của hợp đồng sau, công ty Mai Khôi sử dụng để đảo nợ một phần cho Agribank Chi nhánh 7.

Tổng số tiền thiệt hại trong vụ án được xác định là hơn 600 tỷ.

Y án tử hình lãnh đạo Agribank

Chiều 18/10/2016, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Chí Minh bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên y án tử hình đối với ông Vũ Quốc Hảo (cựu Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính ALC II – thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và ông Đặng Văn Hai (cựu Chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh, nguyên chủ tịch HĐTV).

Theo nội dung bản án, năm 2008, trong thời gian điều hành Công ty ALC II, ông Hảo vay 60 tỷ đồng của một doanh nhân ở Hải Phòng để đầu tư Dự án khu căn hộ Trường An (Bình Dương) và đầu tư bất động sản một số nơi khác.

Một năm sau, do làm ăn thua lỗ, ông Hảo bàn với Đặng Văn Hai ký hợp đồng thuê tài chính và mua bán tài sản khống là máy cẩu thủy lực bánh xích, rút tiền của công ty trả nợ. 

Liên quan đến những sai phạm trong thời gian điều hành Công ty tài chính ALC II, đây là lần thứ 2 ông Hảo (ngoài cùng bên trái) nhận mức án tử hình. Ảnh: H. H.
Liên quan đến những sai phạm trong thời gian điều hành Công ty tài chính ALC II, đây là lần thứ 2 ông Hảo (ngoài cùng bên trái) nhận mức án tử hình. Ảnh: H. H.

Thực hiện kế hoạch, ông Hảo chỉ đạo Nguyễn Văn Tài (nguyên phó tổng giám đốc Công ty ALC II) đứng ra ký hợp đồng thuê tài chính còn mình ký hợp đồng mua bán với Công ty Quang Vinh để giải ngân 120 tỷ đồng.

Có tiền, Hảo yêu cầu Hai chuyển trả cho doanh nhân Hải Phòng 75 tỷ. Số tiền còn lại ông Hai chiếm dụng sử dụng vào mục đích cá nhân.

Ông Hảo còn bị cáo buộc tham ô 4,9 tỷ đồng của Công ty ALC II thông qua một hợp đồng thuê tài chính với doanh nghiệp tư nhân Anh Phương để trả nợ cho việc đầu tư mua đất tại Tiền Giang. 

Ngoài việc chiếm dụng vào mục đích cá nhân số tiền gần trăm tỷ đồng, kết quả điều tra còn xác định ông Hảo để phát sinh thua lỗ, nợ khó đòi, nợ xấu lớn trong thời gian điều hành ALC II dẫn đến khó khăn cho việc cổ phần hóa.

Để che giấu việc này, Tổng giám đốc Hảo đã bàn với Đặng Văn Hai ký 7 hợp đồng thuê tài chính, mua bán tài sản khống, giải ngân trái phép hơn 500 tỷ đồng.

Số tiền này được lãnh đạo ALC II sử dụng để xóa nợ xấu của các doanh nghiệp tại ALC II và cho các công ty này vay kinh doanh, gây thiệt hại gần 330 tỷ đồng.

Tổng cộng, ông Hảo và ông Hai gây thiệt hại gần 450 tỷ đồng.

Agribank chi nhánh 6 mất gần 1.000 tỷ đồng

Ngày 11/5/2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét phúc thẩm vụ án sai phạm tại Agribank chi nhánh 6 gây thất thoát gần 966 tỉ đồng.

Kẻ chủ mưu trong vụ án này là Dương Thanh Cường đã lập ra nhiều công ty, thuê nhiều người làm giám đốc. 

Cường giữ vai trò điều hành các công ty này và chỉ đạo những người mình thuê thực hiện việc vay thế chấp đối với ngân hàng Agribank chi nhánh 6.

Dương Thanh Cường (hàng đầu, đứng thứ hai từ trái sang) cùng đồng phạm trong phiên xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - ảnh nguồn VTCnews.
Dương Thanh Cường (hàng đầu, đứng thứ hai từ trái sang) cùng đồng phạm trong phiên xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - ảnh nguồn VTCnews.

Lợi dụng chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm mội trường trên địa bàn thành phố về khu công nghiệp, Công ty Đông Phương đã ký hợp đồng hợp tác xây dựng Trung tâm thương mại và dịch vụ chung cư cao tầng tại số 10 Âu Cơ, Q.Tân Phú. 

Để có tiền thực hiện dự án, Dương Thanh Cường đặt vấn đề vay vốn với Hồ Đăng Trung (nguyên giám đốc Agribank Chi nhánh 6) và được đồng ý.

Tháng 9/2007, Cường chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay, tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ và trụ sở công ty của Cường tại 44 An Dương Vương, Q.8.

Dù biết dự án chưa được phê duyệt, tài sản thế chấp lô đất số 10 Âu Cơ là giấy chứng nhận tạm thời, không đủ điều kiện thế chấp cho vay nhưng Trung và thuộc cấp vẫn ký duyệt cho công ty của Cường 170 tỷ đồng.

Một tháng sau đó, Cường tiếp tục chỉ đạo cho cấp dưới lập hồ sơ vay của Agribank 628 tỷ đồng để thực hiện dự án khu biệt thự nhà vườn Thanh Phát tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.

Tài sản thế chấp là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Cường thu mua của người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng cho dự án trên cùng với 3 bất động sản khác.

Agribank - những đại án “nghìn tỷ”, phải truy trách nhiệm người đứng đầu ảnh 5

Nợ xấu hơn 10%: “Làm được bao nhiêu Agribank chỉ lo xử lý nợ”

Sau đó, Cường chỉ đạo người làm của mình đến Agribank chi nhánh 6 để mượn lại các giấy chứng nhận này và tiếp tục thế chấp tại ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) để vay tiền và vàng.

Cường dùng để trả các khoản nợ trước đó và đầu tư bất động sản dẫn đến mất khả năng thanh toán gây thiệt hại cho Agribank chi nhánh 6 hơn 966 tỷ đồng.

Dương Thanh Cường sau đó đã bị tuyên chung thân về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 

Hồ Đăng Trung bị tuyên 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các đồng phạm khác cũng lãnh mức án từ 4 – 23 năm tù.

Cựu tổng giám đốc Agribank bị phạt 22 năm tù

Đại án rúng động gây thiệt hại hàng triệu USD bức xúc dư luận trong thời gian qua phải kể đến sai phạm diễn ra tại Agribank Nam Hà Nội.

Kết quả điều tra xác định, giám đốc, phó giám đốc ngân hàng Agribank Nam Hà Nội đã bỏ qua các điều kiện giải ngân theo các nghị quyết của Hội đồng Quản trị Agribank Việt Nam cố tình cho Liên doanh Lifepro Việt Nam vay với số tiền lên đến 75 triệu USD. 

Đồng thời liên tục từ năm 2007 đến 2011, các công ty này dựng lên nhiều thương vụ làm ăn khống nhằm vay Agribank Nam Hà Nội tới hàng chục triệu USD… Phần lớn tiền vay đã bị nhóm bị can nước ngoài chiếm đoạt.

Cựu Tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân. Ảnh chụp qua màn hình.
Cựu Tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân. Ảnh chụp qua màn hình.

Liên quan vụ việc, Tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân bị cáo buộc đã thiếu trách nhiệm nên không phát hiện việc làm trái pháp luật của lãnh đạo Agribank Nam Hà Nội.

Theo đó, nếu ông Tân thực hiện đúng 2 nghị quyết của Hội đồng Quản trị thì chi nhánh Nam Hà Nội sẽ không thể đủ tiền giải ngân cho Lifepro Việt Nam, do đó sẽ không bị chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.

Khi khởi tố vụ án 9/2012, đến cuối năm 2015 sau gần 20 ngày xét xử và nghị án (từ 21/12/2015 đến 7/1/2016), phiên tòa xét xử vụ “đại án” làm thất thoát gần 2.500 tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank, Hội đồng xét xử khẳng định hành vi của cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng Agribank trong vụ việc đã vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng theo điều 179 Bộ luật hình sự; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 281 Bộ luật hình sự và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 Bộ luật hình sự.

Đồng thời hành vi của các bị cáo ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, Nhà nước.

Với hành vi nêu trên gây thiệt hại cho Nhà nước gần 2.500 tỷ đồng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, hệ thống tài chính quốc gia, tổn hại lòng tin của quần chúng.

Phiên tòa ra quyết định tuyên phạt 12 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Agribank Việt Nam và Agribank chi nhánh Nam Hà Nội với khung hình phạt từ 4 năm đến 30 năm tù giam. 

Mai Anh