Ai cố tình che mắt các đại biểu của dân?

02/06/2019 07:15
Xuân Dương
(GDVN) - Người viết mong sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019, Bộ trưởng sẽ không còn phải “nhận trách nhiệm” trước Quốc hội và nhân dân về những sự cố...

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, sau khi tổng hợp phiếu xin ý kiến từ các đại biểu, Quốc hội quyết định Bộ trưởng bốn Bộ: Giao thông, Tài nguyên - Môi trường, Giáo dục - Đào tạo, Lao động - Thương binh - Xã hội sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 14.

Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (1)
Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (1)

Kỳ họp nào ngành Giáo dục cũng nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội qua việc chất vấn và trả lời chất vấn (của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). 

Thế nhưng kỳ vọng của Quốc hội – cũng có nghĩa là của nhân dân - với chủ trương “Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo” và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục lại đang có chiều hướng đi xuống.

Chất vấn người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo có phải để làm rõ những vấn đề Quốc hội chưa biết, để quy trách nhiệm những cơ quan/cá nhân để xảy ra sai phạm, để giúp lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận rõ những tồn tại và có hướng khắc phục hay còn nhằm đến những mục tiêu khác?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Thứ nhất, có hay không những vấn đề đại biểu Quốc hội chưa biết?

Ông Quàng Văn Hương - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La trả lời báo Tuổi Trẻ Online về vụ gian lận điểm thi năm 2018 như sau:

Thông tin từ tỉnh về vi phạm, quá trình giải quyết theo thẩm quyền cho tới giờ thực sự là chưa có chứ chúng tôi không giấu diếm. Chúng tôi cũng rất nóng lòng và khó khăn khi báo chí hỏi”. [1]

Liên quan đến những sai phạm trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La, trả lời phóng viên báo chí, đại biểu Quốc hội Tráng Thị Xuân - Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La liên tục từ chối những câu hỏi của các phóng viên báo chí với lý do: “Lĩnh vực giáo dục tôi cũng không phụ trách". [2]

Người đứng đầu Ủy ban Nhân dân một tỉnh không phụ trách lĩnh vực giáo dục của tỉnh đó, thế thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm những công việc gì?

Hai thông tin nêu trên khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi “Phải chăng có ai đó tại Sơn La đang cố tình bưng bít thông tin nhằm “xử lý khủng hoảng” hoặc kéo dài thời gian để xử lý nội bộ”?

Sau phiên “giải trình kín” mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thực hiện với Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo, chắc chắn lãnh đạo Quốc hội đã biết rõ nội tình vụ gian lận điểm thi. 

Việc Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội một tỉnh lại “thực sự là chưa có thông tin” là do ông Quàng Văn Hương chưa đề xuất với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cung cấp thông tin hay còn lý do nào khác?

Giáo dục Việt Nam và bản giao hưởng Định mệnh của Beethoven

Rất may là người dân đã nghe được lời phát biểu thẳng thắn của Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Đắc Quỳnh:

Đi ăn cắp cơ hội của người khác cho con em mình là không được. Thầy giáo như vậy là không được. Thầy giáo phải trung thực.

Ở đây tôi không nói chuyện tiền nong hay không mà chỉ cái việc anh làm việc đó là đã không đáng làm thầy giáo rồi. Có chuyện tiền nong nữa thì càng không được”. [3]

Người viết cho rằng nếu Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cung cấp cho các đại biểu Quốc hội và người dân cả nước các thông tin trong phiên “giải trình kín” thì mọi băn khoăn đều được giải tỏa và báo chí cũng không phải tốn thời gian tìm câu trả lời từ những người có trách nhiệm tại địa phương.

Thực ra dù chưa có thông tin từ các nguồn chính thống, bằng nhiều nguồn khác nhau báo chí không thiếu thông tin về danh tính phụ huynh và học sinh được nâng điểm cũng như những diễn biến mà cơ quan điều tra thực hiện như lời khai nghi can hay số tiền chạy điểm.

Vấn đề còn lại là cách thức xử lý của những người có trách nhiệm với những người tay đã “nhúng chàm” vốn là đồng chí, đồng nghiệp của mình.

Thứ hai, về trách nhiệm của người đứng đầu:

Nhân chuyện Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La “không phụ trách lĩnh vực giáo dục”, xin nhắc tại điều 10, Luật Cán bộ công chức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2010 quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước như sau: 

“…Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, …”.

Ai cố tình che mắt các đại biểu của dân? ảnh 3
Chưa tốt nghiệp phổ thông mà làm Trưởng phòng thì ai cũng lãnh đạo giáo dục được

Cùng với Luật Cán bộ công chức, chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ đã được Chính phủ quy định trong Nghị định 157/2007/NĐ-CP.

Chỉ cần đối chiếu các quy định trong Luật Cán bộ công chức và Nghị định 157/2007/NĐ-CP là có thể thấy trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc để xảy ra tham nhũng, gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Xin không viết thêm về vai trò của người đứng đầu tổ chức – cụ thể là Tỉnh ủy và Đảng bộ tại những đơn vị liên quan đến vụ gian lận điểm năm 2018 bởi cách thức xử lý của tổ chức khác với các chế tài pháp luật.

Hệ thống luật pháp Việt Nam không thiếu chế tài xử lý cán bộ, công chức và người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm, vấn đề là việc xử lý được thực hiện như thế nào?

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng:

Chúng ta đã nói nhiều về trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng thực tế chúng ta chưa thực hiện nghiêm quy định này.

Nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở các địa phương và ở cả cơ quan Trung ương nhưng người đứng đầu vẫn không bị xử lý kỷ luật, xem xét trách nhiệm”. [4]

Thứ ba, một góp ý nhỏ:

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm để xảy ra một số thiếu sót như:

Phần mềm đã có kẽ hở, công tác chấm thi chưa tốt, việc thanh kiểm tra còn thiếu sót. Công tác chọn cán bộ coi thi chưa tốt đã dẫn đến tiêu cực, có sự thông đồng để gian lận,…”.

Dân hỏi, Quốc hội hỏi, Bộ Giáo dục nghe không rõ câu hỏi!

Người viết thông cảm với Bộ trưởng Nhạ bởi đã từng nêu ý kiến khi ông nhận chức vụ Bộ trưởng, rằng bất kỳ ai nhận trách nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần một sự dũng cảm.

Dũng cảm ở đây được hiểu là dũng cảm đối diện với thói giả dối sinh ra từ một nền giáo dục nặng về khẩu hiệu, thành tích nhưng kém sáng tạo về nguyên lý và phương pháp, và cũng còn phải dũng cảm đối diện với chính vị trí, vai trò mình đang đảm nhận.

Bộ trưởng Nhạ phát biểu trước Quốc hội:

“Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm minh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề nghị các địa phương xem xét, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức và phụ huynh có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình cần cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục địa phương những cán bộ giáo viên có sai phạm”. [5]

Nếu Bộ trưởng Nhạ đưa thêm vào phát biểu này việc xử lý nghiêm minh cả những cán bộ tại cơ quan bộ đã thiếu trách nhiệm khiến cho “Phần mềm đã có kẽ hở” và “việc thanh kiểm tra còn thiếu sót” thì dư luận sẽ không còn băn khoăn về sự công tâm của Bộ trưởng. 

Phải nói tới điều này bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo có hẳn một đơn vị là Cục Công nghệ Thông tin và cục này có chức năng:

Cục Công nghệ thông tin có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về CNTT trong ngành giáo dục, bao gồm: nghiên cứu, ứng dụng, phát triển nguồn nhân lực về CNTT trong ngành giáo dục theo quy định của pháp luật; thực hiện các dịch vụ công về CNTT trong giáo dục”. [6]

Thiết kế hoặc kiểm định phần mềm phục vụ công tác tuyển sinh không biết có thuộc “dịch vụ công về Công nghệ Thông tin trong giáo dục”. 

Nếu thiết kế do đơn vị khác làm thì ít nhất trước khi đưa ra ứng dụng, Cục Công nghệ Thông tin cũng cần phải thực hiện kiểm định và góp ý với lãnh đạo bộ về khiếm khuyết của phần mềm. 

Thêm nữa, nếu Cục Công nghệ Thông tin chủ động trong việc thống kê kết quả thi thì hoàn toàn có thể phát hiện bất hợp lý về điểm của thí sinh ba tỉnh gian lận điểm thi,…

Nếu lãnh đạo bộ không giao cho Cục Công nghệ Thông tin nhiệm vụ kiểm định phần mềm tuyển sinh cũng như thống kê để phát hiện gian dối thì phải chăng đã có sự ưu ái nào đó với đơn vị chức năng này hoặc là có sự chủ quan từ chính lãnh đạo bộ?

Mặt khác, việc thanh kiểm tra kỳ thi quốc gia trước hết là trách nhiệm của Thanh tra Bộ, để xảy ra gian lận điểm thi một cách trắng trợn tại ba tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình không thể không có trách nhiệm của đơn vị này.

Dù rất thông cảm với Bộ trưởng Nhạ, người viết vẫn mong sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019, Bộ trưởng sẽ không còn phải “nhận trách nhiệm” trước Quốc hội và nhân dân về những sự cố có thể xảy ra trong kỳ thi cũng như các chủ trương, chính sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và Quốc hội cũng không phải dành thời gian chất vấn Bộ trưởng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/dai-bieu-quoc-hoi-son-la-khong-duoc-cung-cap-thong-tin-vu-gian-lan-thi-cu-20190531080018388.htm

[2] https://tuoitre.vn/quyen-chu-tich-ubnd-tinh-son-la-kien-quyet-khong-tra-loi-gian-lan-thi-cu-20190528175857287.htm

[3] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/pho-bi-thu-son-la-khong-ai-gap-diem-bo-tay-con-minh-gian-lan-thi-nhan-di-536491.html#inner-article

[4]http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Xem-xet-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-de-siet-chat-ky-luat-ky-cuong/357577.vgp

[5] https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/cuong-quyet-dua-ra-khoi-nganh-giao-duc-nhung-can-bo-giao-vien-sai-pham-575433

[6] https://e-ict.gov.vn/about/Van-phong-Cuc-Cong-nghe-thong-tin.html

Xuân Dương