Ai sẽ xử lý trách nhiệm Viwasupco vì bơm nước bẩn cho dân ăn, uống?

31/10/2019 06:22
Trần Phương
(GDVN) - Có những dấu hiệu cho thấy Công ty Viwasupco đã vi phạm pháp luật, do đó không thể chỉ xin lỗi và miễn phí 1 tháng tiền nước là xong.

Viwasupco phải chịu trách nhiệm việc cung cấp nước bẩn

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngày 25/10, hơn 2 tuần xảy ra sự cố nghiêm trọng khi nguồn nước sạch cung cấp cho hàng vạn hộ dân phía Tây Thủ đô bị nhiễm dầu thải, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) mới đưa ra “Thông cáo báo chí” đính kèm lời xin lỗi và miễn phí tiền nước 1 tháng (một cách bù đắp cho người dân suốt hàng chục ngày khổ sở xếp hàng đi xin từng chai nước sạch).

 Công ty Viwasupco nhận chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp, dẫn đến lúng túng trong xử lý ban đầu, gây ra những đảo lộn trong sinh hoạt bình thường của người dân.

Dù đưa ra lời xin lỗi và lời “xin” miễn phí nước 1 tháng cho người dân trong thông cáo báo chí, Viwasupco không thể phủi sạch trách nhiệm của mình đối với sức khỏe và thiệt hại của người dân.

Nêu quan điểm về sự cố nước ô nhiễm và trách nhiệm của Viwasupco, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Lại Huy Phát (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng:

“Khi sự cố xảy ra dù nguyên nhân nào nhưng trong trách nhiệm của mình, là nhà cung cấp sản phẩm đặc thù như nước sinh hoạt, Viwasupco phải đảm các tiêu chí theo quy chuẩn chất lượng QCVN01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành, an toàn để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống.

Nước của Viwasupco bị nhiễm bẩn khiến hàng nghìn gia đình phải xếp hàng chờ xin nước sạch từ các đơn vị thành phố chỉ đạo hỗ trợ người dân. (Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn)
Nước của Viwasupco bị nhiễm bẩn khiến hàng nghìn gia đình phải xếp hàng chờ xin nước sạch từ các đơn vị thành phố chỉ đạo hỗ trợ người dân. (Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn)

Tại Điều 608 của Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rất rõ: Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.

Ngoài ra, Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng ghi nhận: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Cho dân ăn nước bẩn, xin lỗi kiểu đãi bôi là xong?
Cho dân ăn nước bẩn, xin lỗi kiểu đãi bôi là xong?

Như vậy, rõ ràng việc công ty nước sạch cung cấp nước nhiễm dầu cho người dân đã cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của người sử dụng. Vì vậy họ phải bồi thường”, luật sư Lại Huy Phát cho biết.

Sự cố nước bị ô nhiễm vừa qua có thể đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, vật chất, tinh thần cho hàng chục vạn người dân Thủ đô bởi người dân, mất thời gian đi mua nước, hoặc chở nước sạch về để sử dụng ăn, uống, sinh hoạt, làm đảo lộn giờ giấc làm việc.

Người dân có thể kiện nếu thấy bị thiệt hại

Nói về trách nhiệm thi hành hợp đồng, Luật sư Lại Huy Phát cho biết: “Viwasupco cũng như các công ty cung cấp nước sạch khác tại Hà Nội thường có mẫu hợp đồng dịch vụ cấp nước Hộ gia đình theo mẫu để ký với khách hàng sử dụng nước.

Trong nội dung hợp đồng quy định bên cấp nước là Bên A và bên khách hàng sử dụng nước là Bên B.

Nội dung hợp  đồng có điều khoản quy định chất lượng dịch vụ, như Bên A đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch chất lượng theo các quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, phù hợp với khả năng cung cấp hệ thống cấp nước hiện có.

Thiệt hại của người dân phải được bồi thường thỏa đáng. (Ảnh: TTXVN)
Thiệt hại của người dân phải được bồi thường thỏa đáng. (Ảnh: TTXVN)

Đồng thời còn quy định các quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên do Công ty cấp nước đặt ra.

Căn cứ vào khoản 3 Điều 406 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Điều kiện giao dịch chung phải đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên.

Trường hợp điều kiện giao dịch chung có các quy định về miễn trách nhiệm của bên đưa ra điều kiện giao dịch chung, tăng trách nhiệm hoặc hủy bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì quy định này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Điều luật này bảo đảm công bằng giữa bên cung cấp dịch vụ nước và bên khách hàng sử dụng nước.

Trong trường hợp nội dung của “Hợp đồng dịch vụ cấp nước Hộ gia đình” không có điều khoản quy định bên cung cấp nước để xảy ra tình trạng cung cấp nước không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, dẫn đến người dùng nước không sử dụng được mà không quy định nghĩa vụ bồi thường của bên cấp(bán) nước, điều này có thể hiểu là thiệt hại ngoài hợp đồng.

Nếu biết nước nhiễm dầu thải mà vẫn cung cấp cho dân thì có thể xử lý hình sự
Nếu biết nước nhiễm dầu thải mà vẫn cung cấp cho dân thì có thể xử lý hình sự

Khi xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà đã không thông báo cho người dân biết để thôi không sử dụng, dẫn đến nhiều hộ dân không biết nên vẫn sử dụng ăn, uống, sinh hoạt nguồn nước  nhiễm độc hại này hậu quả  gây ảnh hưởng thiệt hại đến sức khỏe của người sử dụng nước.

Căn cứ vào Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Như vậy, nếu người dân thấy mình bị thiệt hại hoàn toàn có thể kiện Viwasupco ra tòa để đòi quyền lợi cho bản thân và gia đình”, Luật sư Lại Huy Phát nêu quan điểm.

Trần Phương