Một trung đội lính Trung Quốc đã dùng xe quân sự vượt qua con lạch khô, đi sâu vào lãnh thổ Ấn Độ 19 km dưới sự bảo vệ của một chiếc trực thăng lơ lửng trên không rồi bí mật dựng trại lúc nửa đêm tại thung lũng khô cằn Depsang, ở khu vực Ladakh của Ấn Độ như một cách tuyên bố chủ quyền trên lãnh thổ tranh chấp.
Trung Quốc dùng "lửa" thử Ấn Độ
Người Ấn Độ rầm rộ biểu tình phản đối hành động xâm nhập lãnh thổ nước này của quân đội Trung Quốc. |
Các hoạt động này diễn ra một cách lặng lẽ và bí mật tới mức một ngày sau đó quân đội Ấn Độ mới phát hiện ra vụ xâm nhập - thông tấn AP dẫn lời các quan chức Ấn Độ cho biết.
Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ bất kỳ sự xâm nhập nào vào lãnh thổ Ấn Độ, nhưng các quan chức New Delhi nói rằng trong suốt 2 tuần qua, nhóm binh sĩ Trung Quốc vẫn không quay lại Đường Kiểm soát thực tế (LAC) chia cách lãnh thổ hai nước. Tình trạng này có thể đẩy chính phủ hai bên tới bờ vực của một cuộc khủng hoảng mới liên quan tới tranh chấp lãnh thổ tại khu vực biên giới.
Các quan chức Ấn Độ đang lo sợ rằng nếu họ phản ứng mạnh mới lực lượng chiếm đóng trái phép trên có thể khiến tình hình leo thang căng thẳng thành một cuộc chiến tranh quân sự giữa hai nước. Nhưng nếu không hành động gì, Trung Quốc sẽ được đằng chân lân đằng đầu, có thể sẽ thành lập một tiền đồn sâu trong lãnh thổ mà Ấn Độ đã được phán quyết kể từ khi độc lập.
"Nếu họ đã đi 19 km vào lãnh thổ Ấn Độ thì đó không phải là hành vi vi phạm LAC nhỏ. Đó là một hoạt động quân sự có chủ ý. Và ngay cả khi Ấn Độ đã lên tiếng phản đối, những cái lều vẫn mọc lên" - Sujit Dutta, một chuyên gia Trung Quốc tại trường Đại học Jamia Milia Islamia ở New Delhi cho biết.
"Rõ ràng, Trung Quốc đang thử Ấn Độ xem sẽ đuổi họ đi bằng cách nào" - ông cho biết thêm.
Người dân Ấn Độ tức giận đốt hình nộm Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng vì cho rằng họ đã phản ứng yếu ớt, để Trung Quốc lấn át. |
Trong khi đó, Trung Quốc đưa ra những tuyên bố hoàn toàn trái ngược với các cáo buộc trên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các binh sĩ tuần tra nước này không vượt qua LAC dù chỉ một bước.
Theo các quan chức Ấn Độ, chỉ huy quân sự địa phương của cả hai bên đã tổ chức 3 cuộc gặp mặt để tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng này. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cũng đã triệu Đại sứ Trung Quốc để phản đối hành động xâm nhập lãnh thổ. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc chẳng những không nhúc nhích rời đi mà thậm chí còn dựng thêm một cái lều thứ 2 - các quan chức Ấn Độ cho biết.
Cuộc khủng hoảng diễn ra chỉ vài tuần trước chuyến thăm Ấn Độ của ông Lý Khắc Cường đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Quyết định chọn New Delhi là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của tân Thủ tướng Trung Quốc mới nhậm chức cách đây 2 tháng được xem như là một động thái quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia có tranh chấp lãnh thổ lâu năm và có tiềm năng trao đổi thương mại song phương.
Manoj Joshi, một nhà phân tích quốc phòng tại tổ chức Observer Research Foundation có trụ sở ở New Delhi cho biết, thời gian Trung Quốc kéo dài sự xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ đã đặt ra câu hỏi cho các nhà phân tích về ý định thực sự của hành động trên của quân đội Trung Quốc.
Chính trị gia, người dân Ấn Độ tức giận với phản ứng của chính phủ
Người dân Ấn Độ biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ nước này. |
Trong khi đó, các chính trị gia Ấn Độ cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh đã tạo ra sự lúng túng trong việc tìm kiếm các biện pháp đối phó với hành động leo thang liều lĩnh trên của quân đội Trung Quốc.
"Trung Quốc nhận ra rằng Ấn Độ có một chính phủ yếu kém và một Thủ tướng là người bất lực" - Yashwant Sinha, một cựu Ngoại trưởng thuộc phe đối lập Bharatiya Janata chỉ trích gay gắt.
Ông Sinha yêu cầu một phản ứng mạnh mẽ hơn nữa từ chính phủ New Delhi phải buộc "kẻ bắt nạt nhận ra rằng nó đang phải đối mặt với một quốc gia sẽ không bao giờ chịu khuất phục" - ông Sinha nói thêm.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mulayam Singh Yadav thì lên tiếng chỉ trích chính phủ "hèn nhát và kém cỏi." Ông cảnh báo rằng Trung Quốc đang cố gắng lấy lại những gì đã mất sau thất bại trước Ấn Độ trong một cuộc chiến ngắn năm 1962 ở biên giới.
Bộ trưởng Quốc phòng A.K. Antony thì phản đối các chỉ trích và nói rằng Ấn Độ "tuân thủ cam kết của mình để từng bước có thể để bảo vệ lợi ích riêng".
Những người ủng hộ cánh hữu thuộc đảng Shiv Sena hôm 1/5 đã tiến hành biểu tình, đốt hình nộm của Thủ tướng Singh, Bộ trưởng Quốc phòng Antony và các quan chức hàng đầu khác, đồng thời yêu cầu chính phủ Ấn Độ trả đũa bằng cách chặn hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Người biểu tình đồng thời yêu cầu Ấn Độ trả đũa bằng cách chặn hàng nhập khẩu Trung Quốc. |
Các nhà phân tích đã bày tỏ sự đồng thời với quan điểm của đa số dân chúng Ấn Độ khi cho rằng, có thể ép Trung Quốc rút quân thông qua các trừng phạt thương mại.
"Người Trung Quốc biết rõ rằng các hành động gây hấn không thể tách rời với lợi ích thương mại" - ông Dutta nói.
Các nhà phân tích cho biết họ rất ngạc nhiên trước động thái đi sâu vào lãnh thổ Ấn Độ của Bắc Kinh, vì hành động đó có đẩy Ấn Độ tiến tới gần hơn với đối thủ lớn nhất của Bắc Kinh là Mỹ.
Thực tế, những động thái hung hăng gần đây của quân đội Trung Quốc đã buộc Ấn Độ đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa quân sự của riêng mình - các nhà phân tích cho biết.
Nó cũng có thể đẩy chính phủ Ấn Độ đồng ý thành lập lực lượng quân sự cắm chốt lâu dài tại khu vực biên giới rộng lớn để đối phó với những cuộc tấn công bất ngờ từ láng giềng.
"Bằng cách lấn át người Ấn Độ, họ đang khiến chúng tôi đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa của chúng tôi" - ông Joshi nói thêm.
- Triều Tiên bất ngờ kêu gọi Mỹ hành động để chấm dứt bế tắc hạt nhân
- Tướng Dempsey: Trung Quốc chớ hung hăng ỷ mạnh hiếp yếu
- Bắc Triều Tiên: Dùng vũ khí hạt nhân đập vỡ "trật tự thế giới của Mỹ"
- Philippines chi 437 triệu USD sắm 2 tàu chiến mới đối phó Trung Quốc
- Biển Đông căng thẳng, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines đi Trung Quốc
- Hai quả tên lửa bắn trượt 1 máy máy bay chở khách Nga tại Syria
- Vợ và em gái Kim Jong-un xuất hiện trước công chúng
- Triều Tiên đuổi công nhân Hàn Quốc để "rước" Trung Quốc vào Kaesong?
- Trung Quốc bắt đầu "xiết vòng kim cô" khống chế Triều Tiên?
- Trụ sở tình báo Hàn Quốc bị khám xét đột xuất
Nguyễn Hường (nguồn Washington Post)