Những giọt nước mắt của ông Mười Hương
Tấm hình đăng kèm theo đây do nhà báo Chin Kah Chong của hãng tin Pan-Asia Newspaper Alliance (PANA News) của Nhật Bản chụp Phạm Ngọc Thảo mang lon đại tá quân đội Sài Gòn lúc chỉ huy cuộc đảo chính ngày 19.2.1965 lật đổ chính quyền Nguyễn Khánh. Ông Chin đã gửi tặng tấm hình cho chúng tôi trong dịp sang lại Việt Nam cách đây không lâu. Ông bảo ông đã hai lần gặp Phạm Ngọc Thảo, ông kể lại không khí của cuộc đảo chính mà ông trực tiếp chứng kiến hồi đó, nhưng ông không lý giải được về hoạt động của vị đại tá này dù ông rất ngưỡng mộ.
|
Cho đến nay, Phạm Ngọc Thảo vẫn còn là một bí ẩn khó có thể giải mã. Không phải vì xung quanh ông vẫn còn những bí mật quân sự, cũng không phải xung quanh ông có những điều “nhạy cảm” khó nói. Khó giải mã là do tầng tầng lớp lớp những biến cố lịch sử, những quan hệ, sự thiên biến vạn hóa của chiến lược, chiến thuật, kỹ thuật, nghệ thuật chiến tranh tồn tại trên chiến trường, trên chính trường và trong cuộc sống nhưng nằm ngoài sách vở và các bản tổng kết.
Sau khi bộ phim nổi tiếng Ván bài lật ngửa bắt đầu công chiếu từ năm 1982, khi biết nhân vật Nguyễn Thành Luân được nhà văn Trần Bạch Đằng xây dựng dựa trên nguyên mẫu là Phạm Ngọc Thảo, những giai thoại về Phạm Ngọc Thảo dần dần lưu truyền rộng rãi trong dân chúng. Nhà văn - nhà cách mạng Trần Bạch Đằng từng là Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ, là một trong số rất ít người biết rất rõ Phạm Ngọc Thảo, nhưng Ván bài lật ngửa vốn là một cuốn tiểu thuyết được dựng thành phim, tất nhiên Nguyễn Thành Luân dù mang dáng dấp Phạm Ngọc Thảo nhưng vẫn là một nhân vật hư cấu. Lúc ấy ngôi mộ của Phạm Ngọc Thảo vẫn chỉ là một nấm mồ vô danh.
Mãi đến ngày 30.8.1995, đại tá QĐND Việt Nam, liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Lý do của sự chậm trễ này chưa bao giờ được công bố chính thức.
Sau năm 1987, báo chí trong nước có viết một số bài về Phạm Ngọc Thảo, nội dung còn sơ lược, chủ yếu dựa vào lý lịch và bản thành tích được công bố. Trong khi ở nước ngoài, nhiều người từng ở “phía bên kia” quen biết Phạm Ngọc Thảo cũng viết về ông, bên cạnh việc thuật lại các góc độ khác nhau những sự kiện mà họ chứng kiến là những phỏng đoán, nhất là sự phỏng đoán xung quanh 2 vấn đề mà họ không giải thích được: Vì sao mãi tới 12 năm sau ngày hòa bình Nhà nước Việt Nam mới chính thức công nhận Phạm Ngọc Thảo là “người của mình”? Nếu Phạm Ngọc Thảo là tình báo “Việt cộng” thì khi cuộc đảo chính tháng 2.1965 thất bại, ông hoàn toàn có thể chạy ra căn cứ một cách an toàn, nhưng vì sao ông không đi mà ở lại tại một xứ đạo để cuối cùng phải chết một cách bi thảm?
Đại tá quân đội Sài Gòn Phạm Ngọc Thảo chỉ huy cuộc đảo chính ngày 19.2.1965 lật đổ chính quyền Nguyễn Khánh - Ảnh: Chin Kah Chong |
Không thể đem những lý lẽ thông thường để luận giải cuộc đời bi tráng của người anh hùng phi thường này. Giữa một rừng gươm giáo hiểm ác, ông như một nghệ sĩ xiếc đi trên dây, bên phải thì địch muốn giết, bên trái thì ta cũng muốn giết. Ông hiên ngang lật ngửa ván bài và “chơi” tới tận cùng. Địch coi ông là tên “Việt cộng” nằm vùng nguy hiểm, ông không ngại, thậm chí còn viết báo công khai ca ngợi tinh thần vì dân vì nước của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chống Pháp. Ngại nhất là ta, bởi vì ngay tại Sở Chỉ huy của kháng chiến cũng chỉ vài người được biết ông là người của ta, nên khi ông thả hàng ngàn tù chính trị, cơ quan chỉ huy kháng chiến cấp dưới lập tức kết luận ông là tên tỉnh trưởng mị dân nguy hiểm nhất cần phải trừ khử. Ông đã nhiều lần thoát chết, không phải do sự nương tay của ta, mà do may mắn.
Sinh thời cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt bao giờ cũng rơm rớm nước mắt mỗi khi nhắc đến Phạm Ngọc Thảo. Ông bảo Phạm Ngọc Thảo do đích thân ông Lê Duẩn giao nhiệm vụ ở lại miền Nam làm tình báo chiến lược, không phải để cung cấp tin tức, mà đi sâu vào hàng ngũ cao cấp của chính quyền Sài Gòn nhằm xoay chuyển thời cuộc, chuẩn bị cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Đối với ông Võ Văn Kiệt, Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo kiệt xuất, là người anh hùng hội đủ nhân, trí, dũng. Ông vẫn tiếc là không cứu được Phạm Ngọc Thảo mặc dù ông đã làm hết cách.
Còn ông Mười Hương thì vừa nói đến Phạm Ngọc Thảo đã khóc như một đứa trẻ. Lần đầu gặp ông, khi chúng tôi hỏi vì sao Phạm Ngọc Thảo được công nhận liệt sĩ và phong anh hùng chậm như vậy, ông nức nở: “Phong anh hùng 10 lần cho Phạm Ngọc Thảo cũng xứng đáng, nhưng chưa thể được, vì vợ con Thảo đang ở Mỹ. Khi chiếu phim Ván bài lật ngửa, tôi gọi cho ông Trần Độ (lúc ấy làm Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ T.Ư - TN) bảo hãy cấm cái phim đó đi, đừng làm hại vợ con Phạm Ngọc Thảo”. Ông Phạm Xuân Ẩn từng nói với chúng tôi rằng, sau khi Phạm Ngọc Thảo bị giết chết, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã đề nghị chính quyền Mỹ trục xuất vợ con ông Thảo, lúc đó ở Mỹ có một cuộc vận động bảo vệ vợ con ông Thảo, ngay cả những nhà báo Mỹ chống cộng cũng phản đối sự trục xuất này, vì vậy mà vợ con ông Thảo vẫn bình an vô sự cho đến bây giờ.
Sự lo xa của ông Mười Hương là tình nghĩa rất đáng trân trọng. Giọt nước mắt của ông đủ để giải thích lý do vì sao Phạm Ngọc Thảo chậm được thừa nhận một cách công khai. Quốc gia đại sự không bao giờ bỏ sót cái tình, và suy cho cùng cũng vì cái tình mà có quốc gia đại sự.
(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân/Thanh niên