Anh rút khỏi Trại Bastion, Afghanistan có thể thành Iraq thứ hai?

27/10/2014 10:54
Nguyễn Hường
(GDVN) - Nhưng nếu Iraq từng có nhiều lợi thế hơn Afghanistan khi Mỹ rút lui mà không thể chống lại được khủng bố thì điều gì có thể đảm cho tương lai Kabul?

Quân đội Anh hôm 26/10 đã tổ chức lễ hạ cờ tại Trại Bastion ở tỉnh Helmand, đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến tranh tại Afghanistan và là một trong những cuộc xung đột dài, ác liệt nhất mà quân đội nước này tham gia kể từ sau Thế chiến II. 

Theo Guardian, 453 binh sĩ Anh đã thiệt mạng trong 13 năm tham chiến tại Afghanistan.  Trại Bastion là căn cứ chính của lực lượng Anh kể từ khi được triển khai tới Helmand trong năm 2006. Gần đó là Trại Leatherneck của Mỹ.

Lính Anh tham gia lễ hạ cờ tại Trại Bastion ngày 26/10.
Lính Anh tham gia lễ hạ cờ tại Trại Bastion ngày 26/10. 

Thời điểm đỉnh cao của cuộc xung đột quân đội Anh có 10.000 binh sĩ có mặt ở Trại Bastion và khu vực xung quanh. Nhưng kể từ sau ngày 26/10, nó sẽ giống như một thành phố ma khi toàn bộ lính Anh sẽ được rút về nước và chỉ còn lại vài trăm người chờ máy bay về nước trong tuần này.

Trại Bastion được bàn giao cho chính phủ Afghanistan sau lễ hạ cờ.  Một vài trăm binh sĩ khác sẽ ở lại Kabul cho đến năm tới để giúp huấn luyện lực lượng chính phủ Afghanistan.

Nhóm binh sĩ Anh đầu tiên được triển khai tới Afghanistan vào năm 2001, một tháng sau khi khủng bố al-Qaeda tấn công New York và Washington. Nhóm đầu tiên được gửi tới Helmand vào năm 2006. Đây là nhóm thiện chiến với nhiệm vụ là tiến vào trung tâm của Taliban và cũng là một trong những vùng trồng thuốc phiện lớn nhất của chúng ở nước này. 

Nhưng sau hơn một thập kỷ chiến tranh, Taliban vẫn còn kiểm soát phần lớn các khu vực nông thôn ở Afghanistan và không ngừng tiến hành các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở Kabul. 

Việc Anh quyết định rút quân khỏi Afghanistan trong bối cảnh Mỹ phải trở lại giúp chính phủ Iraq chống khủng bố sau vài năm rút lui đã đặt ra những dấu hỏi rằng động thái này có phải là quá vội vàng?.

Tân Tổng thống Afghanistan.
Tân Tổng thống Afghanistan.

Để trấn an dư luận, một số chính trị gia, quan chức quân sự và nhà ngoại giao cấp cao của London cho rằng sự rút lui là cơ hội tốt nhất để Afghanistan có một tương lai an toàn hơn với chính lực lượng an ninh của mình đã được phương Tây huấn luyện. 

Họ cho rằng Afghanistan vẫn có thể tự chủ thành công nếu chính phủ Kabul nghiêm túc giải quyết tham nhũng, đàm phán với Taliban.

Nhưng nếu Iraq từng có nhiều lợi thế hơn Afghanistan khi Mỹ rút lui mà không thể chống lại được khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thì điều gì có thể đảm bảo cho tương lai của Kabul? Tờ The Guardian đặt câu hỏi.

Một trong những thất bại lớn nhất của lực lượng Anh khi tham chiến ở Afghanistan là không thể ngăn chặn được Taliban trồng thuốc phiện và sản xuất heroin. 

Cũng có rất ít dấu hiệu cho thấy Taliban đã bị tổn hại nghiêm trọng trong 13 năm qua. Chúng vẫn liên tục tấn công và gây tổn thất cho quân đội Afghanistan cũng như lực lượng Anh tại Helmand. Quân đội Afghanistan đã mất 272 binh sĩ ở Helmand kể từ tháng 3 năm nay.

Trong khi đó, nhiều binh sĩ Anh lại cảm thấy nhẹ nhõm khi được trở về nhà, kết thúc cuộc chiến với nhiều nguy cơ thương vong./.

Nguyễn Hường