Từ ngày 5-11/11, Việt Nam lần thứ hai đảm nhận vai trò chủ nhà đăng cai Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017.
Thông tấn xã Việt nam đưa tin, với chủ đề Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam và các nền kinh tế thành viên thể hiện mong muốn đóng góp vào nỗ lực chung nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương năng động và gắn kết thông qua thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, bảo đảm an ninh con người, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững.
Từ 12 thành viên ngày đầu thành lập (tháng 11/1989), trải qua gần 30 năm phát triển, đến nay, APEC đã quy tụ được 21 nền kinh tế.
Trong đó, có 9 thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và nhiều nền kinh tế phát triển năng động, đại diện cho 2,8 tỷ dân (tương đương 39% dân số thế giới);
Đóng góp 43.000 tỷ USD (57%) Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 20.000 tỷ USD (49%) thương mại toàn cầu.
Trung tâm Báo chí Quốc tế Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Ảnh: TTXVN |
Từ một cơ chế đối thoại cấp bộ trưởng, APEC đã trở thành cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, với nhiều thành tựu nổi bật và thực chất trên cả 3 trụ cột gồm:
Tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, hợp tác kinh tế và kỹ thuật.
Trong bối cảnh trọng tâm kinh tế thế giới tiếp tục chuyển dịch về châu Á – Thái Bình Dương, khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, nơi hội tụ các công nghệ mới và lực lượng lao động có tay nghề, APEC được thừa nhận là cơ chế dẫn dắt tiến trình tự do hóa thương mại, đầu tư, thúc đẩy xu thế hợp tác toàn cầu, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cũng như duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Với vai trò “cơ chế khởi xướng ý tưởng”, APEC là nơi các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, giới học giả gặp gỡ thường niên, trao đổi các sáng kiến nhằm giúp các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương nhanh chóng bắt kịp những biến động không ngừng của khu vực và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và thương mại quốc tế.
Nhiều ý tưởng về hội nhập đi kèm phát triển, tự do hóa, thậm chí cả những nội dung gai góc, gặp nhiều trở ngại tại các khuôn khổ đa phương, đã được "gắn mác" APEC, như:
Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (năm 2006), Chiến lược tăng trưởng (năm 2010), Cam kết cắt giảm thuế đối với hàng hóa, môi trường (năm 2012), Kế hoạch tổng thể về kết nối (năm 2014), Lộ trình nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ (năm 2016)…
APEC là động lực quan trọng hỗ trợ tiến trình cải cách kinh tế Việt Nam |
Chính những ý tưởng, sáng kiến này, cùng với việc thông qua “Mục tiêu Bogor” năm 1994, đã giúp APEC thúc đẩy hình thành xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực và thế giới, thông qua giảm thuế quan, các rào cản thương mại và thủ tục hải quan.
Giai đoạn 2000-2015, tổng giá trị thương mại của APEC tăng hơn 2,5 lần, từ 6.400 tỷ USD lên 16.500 tỷ USD, trong đó thương mại nội khối chiếm khoảng 67%.
Hiện Diễn đàn đang triển khai các chiến lược, kế hoạch dài hạn đến năm 2025 về tăng trưởng chất lượng, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo..
Mức độ tự do hóa sâu rộng của APEC còn thể hiện ở sự gia tăng nhanh chóng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các hiệp định thương mại khu vực (RTA).
Trong giai đoạn 1996-2015, số lượng các FTA/RTA đi vào thực thi trong APEC tăng từ 22 lên 152, với 61 hiệp định được ký kết giữa các thành viên.
Đặc biệt, các nền kinh tế thành viên APEC còn đi đầu thúc đẩy việc hình thành các khu vực thương mại tự do rộng lớn như:
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Cộng đồng ASEAN, Liên minh Thái Bình Dương, để hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP);
Cũng như đóng góp vào quá trình củng cố hệ thống thương mại đa phương trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trước sự phát triển không đồng đều giữa các thành viên, APEC đã đưa ra Chương trình Hợp tác kinh tế kỹ thuật (ECOTECH) nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực;
Nâng cao năng lực của các thành viên, hướng tới sự phát triển kinh tế bình đẳng, cân bằng và bền vững trong khu vực;
Tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai các chương trình hành động thực hiện các Mục tiêu Bogor.
Từ năm 1993 đến nay, khoảng 1.600 dự án hợp tác và nâng cao năng lực đã được triển khai, trong đó mỗi năm APEC hỗ trợ kinh phí cho khoảng 150 dự án với tổng giá trị lên đến 23 triệu USD.
Trong bối cảnh thế giới không ngừng biến động, an ninh phi truyền thống và chủ nghĩa khủng bố nổi lên trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu, sự quan tâm của APEC đã mở rộng sang các vấn đề an ninh và chính trị của khu vực, với việc ra tuyên bố riêng về chống khủng bố và biến đổi khí hậu.
Diễn đàn cũng thông qua hàng loạt sáng kiến trong các lĩnh vực an ninh hàng không, đường sắt, hàng hải, an toàn thực phẩm, phòng chống thiên tai, dịch bệnh…
Tuy nhiên, dù đã trải qua gần 3 thập kỷ hình thành và phát triển, APEC vẫn chưa phải là một tổ chức quốc tế theo đúng nghĩa của nó, mà đơn thuần mới chỉ là một diễn đàn hợp tác không chính thức để các nền kinh tế trong khu vực tham khảo và trao đổi quan điểm, phối hợp các hoạt động và chính sách kinh tế.
Khía cạnh hội nhập kinh tế của APEC cũng chưa thực sự có những tiến triển đáng kể dù kỳ vọng ban đầu rất cao.
Các nỗ lực nhằm thúc đẩy tự do hóa trong nhiều lĩnh vực tiên phong cũng thất bại vào năm 1998, còn những kỳ vọng về hội nhập kinh tế APEC nhanh chóng tiêu tan khi khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra năm 1997.
Dù thành công trong việc đề ra được "chương trình hành động" chung cũng như "chương trình hành động" riêng của từng nền kinh tế thành viên, song do đặc thù dựa trên các nguyên tắc “đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc”, nên về tổng thể, những cam kết trong khuôn khổ APEC không có tính ràng buộc cao như trong ASEAN và WTO, kéo theo việc thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư, hợp tác kỹ thuật, cũng gặp không ít khó khăn.
Mặc khác, vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng giữa các nền kinh tế thành viên về hướng phát triển tiếp theo của APEC.
Mỹ, Australia và Canada muốn APEC phát triển thành một tổ chức chặt chẽ, thực dụng hơn, không chỉ bao hàm các yếu tố kinh tế mà cả các yếu tố an ninh, chính trị.
Còn Trung Quốc lại công khai nhấn mạnh chỉ duy trì APEC ở mức diễn đàn, không thể chế hóa APEC thành một tổ chức, không đưa thêm các vấn đề chính trị, an ninh vào nội dung vận động.
Ngay cả các nền kinh tế thành viên vừa và nhỏ cũng không muốn APEC phát triển quá nhanh cả về cơ cấu tổ chức lẫn nội dung hoạt động vì lo ngại vai trò của mình trong APEC sẽ mờ nhạt, nhất là khi các ngành sản xuất tại những nền kinh tế này không chống đỡ nổi với sự cạnh tranh của các nền kinh tế phát triển.
Trước tình hình biến động trên thế giới và khu vực khi tăng trưởng kinh tế và thương mại suy giảm, để có thể tạo dựng một nền tảng chính trị hợp tác khu vực sâu rộng hơn, đưa châu Á-Thái Bình Dương trở thành một trong những khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư năng động nhất thế giới, tiếp tục là động lực của tăng trưởng và đóng góp cho sự thịnh vượng chung, các nền kinh tế thành viên APEC cần thể hiện ý chí chính trị vững vàng cũng như tăng cường tạo dựng lòng tin.