Máy bay trực thăng MH-60R Sea Hawk Australia |
Để nâng cao khả năng tác chiến săn ngầm, Hải quân Australia tiếp nhận mới 2 chiếc máy bay trực thăng MH-60R Sea Hawk. Được biết, đây là 2 chiếc trong lô đầu tiên của 24 máy bay trực thăng Sea Hawk Australia đặt mua của Mỹ.
Theo báo chí Australia, tại Lễ bàn giao tổ chức tại Mỹ, công ty Lockheed Martin đã bàn giao 2 máy bay trực thăng tiên tiến này cho các quan chức Australia. Giám đốc bộ phận máy bay trực thăng, Cục Trang bị quốc phòng Australia, Thiếu tướng Hải quân Dalton cho biết, máy bay trực thăng MH-60R có tính năng tiên tiến, là máy bay trực thăng chiến đấu trên biển hiệu quả, sẽ giúp cho Hải quân Australia có bước tiến mới.
Căn cứ vào thỏa thuận 3 tỷ USD mua máy bay chiến đấu, Australia sẽ mua 24 máy bay trực thăng MH-60R Sea Hawk, để thay thế máy bay trực thăng cũ, đồng thời đã hủy bỏ kế hoạch mua có liên quan khác.
Được biết, trong 24 máy bay trực thăng mua mới này, sẽ có 8 chiếc triển khai cho tàu hộ vệ Anzac và tàu khu trục phòng không lớp Hobart mới của Hải quân Australia, số còn lại sẽ triển khai cho tàu chiến HMAS Albatross ở Nowra.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu Nhật Bản (ảnh minh họa) |
Hợp tác với Nhật chế tạo tàu ngầm lớp Soryu
Tờ “Jane's Defense Weekly” ngày 9 tháng 12 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnson cho biết, Australia muốn hợp tác với Nhật Bản nghiên cứu phát triển công nghệ đẩy cho chương trình tàu ngầm tương lai của Hải quân hoàng gia Australia.
Một bức thư được ông David Johnson gửi cho Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia gần đây cho biết, ông đang cùng quan chức Nhật Bản tiến hành trao đổi về chương trình hợp tác công nghiệp tiềm năng, hy vọng Nhật Bản có thể cung cấp công nghệ động cơ mà tàu ngầm lớp Soryu sử dụng cho chương trình tàu ngầm mới SEA 1000 của Australia.
Theo ông Johnson, hệ thống đẩy là một bộ phận rất quan trọng của tàu ngầm, động cơ do công nghiệp nặng Kawasaki Nhật Bản sản xuất có hiệu suất và công suất siêu cao. Australia không cần Nhật Bản cung cấp toàn bộ công nghệ có liên quan đến hệ thống đẩy, chỉ cần hỗ trợ công nghệ nhất định về mặt động cơ.
Chương trình tàu ngầm SEA 1000 của Australia nhằm chế tạo 12 tàu ngầm thế hệ mới, thay thế cho 6 tàu ngầm lớp Collins hiện có. Tàu ngầm SEA 1000 có thể áp dụng thiết kế hoàn toàn mới, cũng có thể nâng cấp trên nền tảng tàu ngầm lớp Collins, công tác chế tạo có kế hoạch bắt đầu từ năm 2017, thời gian biên chế dự kiến là năm 2025.
Tàu ngầm lớp Collins Hải quân Australia |
Ngoài ra, theo mạng “Tin tức Trung Quốc” ngày 28 tháng 11, Hải quân Australia gần đây cũng tổ chức một cuộc diễn tập cứu nạn tàu ngầm tại Henderson, bờ biển phía tây của nước này. Họ đã triển khai 1 chiếc tàu mẹ tới vị trí dự kiến, thả tàu lặn đặc biệt mang tên LR5 (nặng 21,5 tấn) xuống tàu ngầm HMAS Farncomb triển khai sẵn ở độ sâu 112 m, các thủy thủ “gặp nạn” đã di chuyển lên LR5 và được đưa an toàn lên mặt nước.
Rút người lính cuối cùng ở Afghanistan
Liên quan đến Quân đội Australia, ngày 16 tháng 12, Tân Hoa xã cũng cho biết, trong một cuộc họp báo cùng ngày, Thủ tướng Tony Abbott và Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston của Australia tuyên bố, căn cứ quân sự của Australia tại tỉnh Nurestan, Afghanistan đã đóng cửa, quân đồn trú cuối cùng ở căn cứ này đã lên đường về nước (ngày 15 tháng 12 năm 2013), điều này có nghĩa là Australia đã rút toàn bộ quân đồn trú ở Afghanistan.
Theo Thủ tướng Australia, Quân đội Afghanistan đã tiến bộ rất nhiều, ông tin là lực lượng vũ trang Afghanistan có thể đảm đương công tác bảo vệ an ninh.
Australia rút toàn bộ quân ở Afghanistan (ảnh nguồn Tân Hoa xã) |
Australia triển khai quân ở Afghanistan từ năm 2001, đến nay tổng cộng có 40 binh sĩ thiệt mạng, ngoài ra có 261 binh sĩ bị thương. Hoạt động quân sự này đã tiêu tốn trên 7,5 tỷ đô la Úc (khoảng 6,72 tỷ USD). Tuy rút quân, nhưng Chính phủ Abbott cam kết sẽ cung cấp 100 triệu đô la Úc mỗi năm cho Afghanistan, hỗ trợ cho quân đội quốc gia Afghanistan.
Australia chuẩn bị tiếp nhận kính viễn vọng không gian Mỹ
Liên quan đến Australia, tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 13 tháng 12 cho biết, Mỹ và Australia đã đạt được thỏa thuận về chi tiết công tác chuyển kính viễn vọng Mỹ tới Australia.
Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng tương lai Mỹ (DARPA) khởi động chương trình SST từ năm 2002, tháng 2 năm 2011 kính viễn vọng được triển khai ở New Mexico để thử nghiệm và đánh giá. Từ năm 2011 đến năm 2013, DARPA và Không quân Mỹ đã thực hiện rất nhiều thử nghiệm thành công.
Tháng 11 năm 2012, DARPA lần đầu tiên tiết lộ sẽ triển khai lại kính viễn vọng quang học này. Hai nước Mỹ và Australia khi đó tiết lộ, có kế hoạch chuyển radar theo dõi không gian C-band Mỹ tới miền tây Australia.
Ngày 20 tháng 11 năm 2013, tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston đã ký bản ghi nhớ triển khai SST. Căn cứ vào thỏa thuận, Mỹ thông qua DARPA phụ trách chuyển SST tới Australia để Australia vận hành.
Kính viễn vọng vẫn thuộc sở hữu của Không quân Mỹ, nhưng chính phủ hai nước cùng vận hành và cấp kinh phí cho nó. Công tác di chuyển bắt đầu tiến hành từ năm 2014 và tiến hành vận hành vào năm 2016.
Kính viễn vọng (ảnh minh họa) |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel cho biết: "Kính viễn vọng này sẽ tiến hành dò tìm, theo dõi và nhận dạng chính xác cao đối với các mục tiêu ở không gian xa".
Sau khi Australia chính thức vận hành, SST sẽ thực hiện nhiệm vụ nhận biết tình hình vũ trụ ở nam bán cầu, tiến hành theo dõi các mục tiêu trong quỹ đạo tĩnh địa cầu. SST cũng sẽ tiếp tục cung cấp số liệu theo dõi như tiểu hành tinh gần Trái đất cho NASA và giới khoa học.