Ba nhân tố khiến Trung Quốc có thể dùng vũ lực với Đài Loan

11/06/2019 06:41
Thanh Bình
(GDVN) - Với hợp đồng bán vũ khí trị giá gần 2,7 tỉ USD, sự hỗ trợ của Mỹ đối với Đài Loan đã chạm tới giới hạn của Trung Quốc.

Ngày 07/6/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi Mỹ chấm dứt các hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan nhằm tránh làm tổn hại quan hệ song phương, cho biết Bắc Kinh đặc biệt lo ngại việc Washington lên kế hoạch bán lô vũ khí trị giá gần 2,7 tỷ USD cho Đài Bắc.

Trung Quốc cuối năm ngoái đã phản ứng dữ dội trước việc chính phủ Mỹ phê duyệt hợp đồng vũ khí 330 triệu USD với Đài Loan, kêu gọi Washington tuân thủ nguyên tắc "Một Trung Quốc" bằng việc chấm dứt hợp đồng bán vũ khí và cắt quan hệ quân sự với Đài Bắc.

Bài viết này sẽ cung cấp một số nhận định về khả năng Trung Quốc dùng vũ lực với Đài Loan.

Buổi diễn tập quân sự Han Kuang của Đài Loan chống lại cuộc tấn công giả định của Trung Quốc tại Pintung ngày 30/5/2019 (Ảnh: Reuters)
Buổi diễn tập quân sự Han Kuang của Đài Loan chống lại cuộc tấn công giả định của Trung Quốc tại Pintung ngày 30/5/2019 (Ảnh: Reuters)

Tuần đầu năm 2019, tại Lễ kỷ niệm 40 năm Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu về chính sách Đài Loan quan trọng nhất kể từ khi ông lên nắm quyền.

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình thể hiện thái độ nhất quán “cái cần mềm mỏng thì mềm mỏng hơn, cái cần cứng rắn thì cứng rắn hơn”.

Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tuyệt đối không để lại bất cứ không gian nào cho các hoạt động ly khai Đài Loan độc lập dưới mọi hình thức.

Bài phát biểu cứng rắn với Đài Loan của ông Tập Cận Bình và thái độ đối kháng, muốn duy trì hiện trạng tự trị của chính quyền bà Thái Anh Văn đã đẩy Đài Loan vào một tình cảnh đầy thách thức.

Mới đây nhất, tại Đối thoại Shangri-la 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa nhấn mạnh:

"Nếu ai đó muốn tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài chiến đấu bằng mọi giá vì sự thống nhất đất nước".

Hiện tại, có vài nhân tố chính có thể ảnh hưởng đến việc liệu Trung Quốc có dùng vũ lực để thống nhất hay không.

Thứ nhất, sự hỗ trợ của Mỹ đối với Đài Loan đã chạm tới giới hạn của Trung Quốc. Trở ngại lớn nhất của việc dùng vũ lực thống nhất Đài Loan của Bắc Kinh không phải là sự đối kháng của chính Đài Loan mà là Mỹ. Bên cạnh đó, rất có thể còn có sự can dự và can thiệp quân sự của Nhật Bản.

Từ quan điểm danh dự của siêu cường toàn cầu cũng như cam kết đối với Đài Loan của Mỹ, Washington chắc chắn sẽ can thiệp, không nhân nhượng để Trung Quốc sáp nhập Đài Loan.

Trung Quốc và Mỹ xoay quanh vấn đề Đài Loan đã dền dứ nhau nhiều năm, đôi bên đều hiểu tâm lý của nhau.

Vấn đề hiện nay là mức độ hỗ trợ và can thiệp của Mỹ đối với Đài Loan trước đây cũng như quy mô can thiệp vũ lực sau khi nổ ra chiến tranh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây ra nhiều thách thức cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vấn đề Đài Loan (Ảnh: AP).
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây ra nhiều thách thức cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vấn đề Đài Loan (Ảnh: AP).

Nhiều chuyên gia nhận định rằng Mỹ sẽ không từ bỏ việc bảo vệ Đài Loan nhưng mức độ và quy mô can thiệp vũ lực quả thực rất khó đánh giá.

Bởi vì đối với Mỹ, Đài Loan không chỉ là quan hệ về mặt tình cảm và đồng minh về ý thức hệ mà còn có giá trị địa chiến lược quan trọng.

Do đó, Mỹ cần tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan để Đài Loan trở thành mục tiêu khó chiếm lĩnh của Trung Quốc.

Thứ hai, tình hình trên eo biển Đài Loan nằm ngoài tầm kiểm soát. Đời sống chính trị và xã hội ở Đài Loan cũng đang có sự biến đổi, từ quan điểm giữ nguyên hiện trạng sang yêu cầu trưng cầu dân ý đòi độc lập và gia nhập Liên Hợp Quốc.

Nguyên tắc Bắc Kinh muốn duy trì trong quan hệ với Đài Bắc là “nhận thức chung 92" - một Trung Quốc tùy cách hiểu mỗi bên. Tuy nhiên, sau khi Tiến sĩ Thái Anh Văn lên cầm quyền, Đài Loan dường như không chấp nhận “nhận thức chung 92”.

Một cuộc thăm dò do Quỹ dân chủ Đài Loan thực hiện cũng cho thấy tỷ lệ thanh niên Đài Loan sẵn sàng chiến đấu cho "nền độc lập Đài Loan" cao tới 70%.

Có thể điều này có phần khoa trương, nhưng trong bối cảnh xung đột Trung-Mỹ gia tăng, nội bộ không ổn định của đại lục, chính quyền bà Thái Anh Văn rất có thể đánh giá sai đây chính là cơ hội tốt cho việc độc lập về pháp lý của Đài Loan, cho rằng Trung Quốc không dám thực sự dùng vũ lực với Đài Loan.

Nếu làm như vậy sẽ kích hoạt điều thứ 8 của luật chống ly khai. Điều luật này quy định nếu Đài Loan thực sự tách ra khỏi Trung Quốc đại lục hoặc gây ra biến cố lớn khiến Đài Loan tách khỏi Trung Quốc, có thể khả năng thống nhất bằng biện pháp hòa bình sẽ tiêu tan, nhà nước Trung Quốc sẽ dùng vũ lực giành lại Đài Loan.

Thứ ba, sức ép từ dư luận trong nước Trung Quốc cũng sẽ khiến Bắc Kinh đẩy nhanh tiến độ thống nhất bằng quân sự.

Cho đến nay, ông Tập Cận Bình coi chủ nghĩa dân tộc là sách lược thống trị và với Đài Loan, nó được thể hiện trên hai phương diện:

Một là, cùng với việc thực lực Trung Quốc tăng lên, đặc biệt là dưới sự khuyếch trương ngôn từ “trỗi dậy và phục hưng” của chính quyền, chủ nghĩa dân tộc trong nước cũng từ đó mà phát triển theo, trần đầy niềm tin trong việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.

Hai là, khi Mỹ thách thức giới hạn chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh cũng như dân chúng Đài Loan nghiêng hẳn về Đài Loan độc lập, việc chưa thể lựa chọn biện pháp mạnh mẽ để đáp trả, ông Tập Cận Bình sẽ bị dân chúng cho là mềm yếu. Do đó, khả năng phát động thống nhất bằng quân sự lại càng cao. 

Tài liệu tham khảo:

1. https://vnexpress.net/the-gioi/trung-quoc-yeu-cau-my-ngung-ban-vu-khi-cho-dai-loan-3934765.html

2. https://www.asiatimes.com/2019/05/article/us-could-back-tsais-bid-for-2nd-term-in-taiwan/?_=7954557

3. https://www.scmp.com/news/china/military/article/3012774/chinas-defence-chief-warns-external-forces-not-meddle-taiwan

Thanh Bình