Trao đổi với Giáo dục Việt Nam về việc ông Nguyễn Bá Thanh được phân công làm Trưởng ban Nội chính Trung ương, ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ:
“Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thanh đã tạo ra một sự hy vọng cho xã hội, trong Đảng để thực hiện một sứ mệnh mới, trách nhiệm mới. Không chỉ tôi mà nhiều người cũng rất kỳ vọng vào ông ấy – người đã lãnh đạo một địa phương phát triển mạnh, gây được ấn tượng với nhiều người”.
Ông Phúc nói tiếp: “Đà Nẵng là sản phẩm của một trí tuệ, của người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, lấy hiệu quả công việc làm chính. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao Trung ương Đảng lại lựa chọn ông Nguyễn Bá Thanh làm Trưởng ban Nội chính Trung ương”.
Theo ông Phúc, việc lập lại Ban Nội chính Trung ương là cơ sở để làm thường trực cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu bởi chống tham nhũng là vấn đề lớn của đất nước. Và Đảng phải thể hiện trách nhiệm của mình trước “quốc nạn” hiện nay để làm cho bộ máy nhà nước trong sạch, đem lại hiệu quả cho quá trình phát triển của đất nước.
Ông Thang Văn Phúc cho biết: “Trước đây, Ban Nội chính Trung ương đã được thành lập rồi bị giải thể và mới được lập lại với lý do Đảng phải có tổ chức để thực hiện việc chống tham nhũng. Đã có ý kiến băn khoăn rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan của Bộ Công an, các tổ chức của Bộ Tư Pháp cũng có tác dụng trong việc này.
Nhưng chúng ta đang lựa chọn cách để phát huy hiệu quả và đó là suy nghĩ của Trung ương Đảng muốn có một tổ chức mới mà thực sự đạt hiệu quả đối với các mục tiêu phòng, chống tham nhũng”.
Khi được hỏi về những điều cần chú ý để Ban Nội chính Trung ương thực sự trở thành “cú đấm thép” trước nạn tham nhũng, ông Phúc cho rằng: “Thứ nhất là về thể chế hoạt động để tổ chức có thể thực thi công việc của mình được tốt.
Thứ hai là đội ngũ nhân sự để thực hiện sứ mệnh này. Cá nhân ông Nguyễn Bá Thanh là một yếu tố tốt nhưng còn cả một hệ thống tổ chức bây giờ được lập lại là một vấn đề không đơn giản. Đội ngũ cán bộ trong ban phải là những người “tinh nhuệ”, dám nghĩ, dám làm.
Thứ ba là quy định thẩm quyền của Ban Nội chính Trung ương được thể chế hóa như thế nào để có thể phát huy được hiệu quả trong điều kiện mới trên tinh thần thượng tôn pháp luật chứ không phải được thực hiện bằng các văn bản khác. Đó cũng là ba thách thức trực tiếp”.
Ông Phúc cho rằng: “Ngoài ra sẽ còn những khó khăn, những trở lực do các đối tượng tham nhũng bị ảnh hưởng đến quyền lợi khi Ban này đóng vai trò tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nếu xử lý được 3 thách thức trên thì việc lập Ban Nội chính cũng như việc bổ nhiệm ông Thanh làm trưởng ban sẽ như “cú đấm thép” vào nạn tham nhũng”.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang