Vụ án gian lận điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang đã được đem ra xét xử sơ thẩm và khép lại vào ngày 25/10/2019 vừa qua. Trong số 5 bị cáo của vụ án chỉ riêng bà Triệu Thị Chính luôn kêu oan, không thừa nhận tội danh như cáo trạng truy tố.
Dù cho bị cáo Nguyễn Thanh Hoài đã khai ra sự việc bà Chính gửi 13 thí sinh nhờ nâng điểm 12 thí sinh, xem điểm 1 thí sinh. Dù cho Viện Kiểm sát tỉnh Hà Giang đã công bố tin nhắn qua lại giữa bà Triệu Thị Chính với bà Nguyễn Thị Nga (vợ Chủ tịch tỉnh Hà Giang).
Và, trong biên bản làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 16/7/2018 thì bà Triệu Thị Chính cũng thừa nhận việc nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm Ngữ văn cho một số thí sinh. Vậy thì giờ đây bà Triệu Thị Chính kêu oan, kháng án nỗi gì?
Bị cáo Triệu Thị Chính khi đến tòa trong những ngày diễn ra xét xử (Ảnh: Trinh Phúc) |
Phải chăng bà Chính sợ những ngày đang tới và tiếc cho những năm tháng vàng son của mình?
Đáng lẽ ra bà Chính chỉ còn vài năm công tác nữa là sẽ về hưu- kết thúc sự nghiệp của mình một cách vẻ vang bởi bà đã có rất nhiều thứ mà nhiều người mơ ước. Trước khi là lãnh đạo, bà đã có nhiều năm là giáo viên Ngữ văn dạy bao nhiêu thế hệ học trò.
Đặc biệt, bà Chính có nhiều năm đảm nhận vai trò lãnh đạo ở một số cơ quan nhà nước. Trong đó, có một thời gian dài công tác ở ngành giáo dục và trước khi bị khởi tố thì bà Chính đang là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang.
Cuộc đời một nhà giáo như vậy đã được xem là vinh quang, đầy quyền lực và đủ hãnh diện với mọi người xung quanh mình.
Thế nhưng, 2 năm tới đây không phải là những tháng ngày yên ả đối với bà Chính, nếu án phúc thẩm vẫn tuyên án bà 2 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi như án sơ thẩm đã tuyên.
Một người đang được nhiều người tôn trọng, nể sợ, đến tòa vẫn đi xe ô tô bóng loáng, vẫn trang điểm sang trọng như vậy mà tới đây phải đối diện với 4 bức tường của trại giam nghĩ thật là kinh hoàng.
Sự nghiệp cả đời phấn đấu, cống hiến sẽ bị người đời quên lãng, rồi khi ra tù chắc gì còn ai tôn trọng khi một nhà giáo, một lãnh đạo ngành giáo dục, là Phó Chủ tịch Hội đồng thi kiêm Trưởng ban chấm thi của tỉnh mà lại làm những chuyện đáng hổ thẹn đến như vậy.
Những mâu thuẫn trong lời khai của bà Triệu Thị Chính trước Tòa |
Vì thế, bà Chính đã phủ nhận mọi cáo buộc trước tòa trong những ngày xét xử, bà đã khóc, đã thề, đã thanh minh, đã kể lể về những cái tên anh chị em trong gia đình mà cha mẹ đã kỳ vọng đặt cho họ.
Chỉ sau ít ngày Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang tuyên án thì ngày 6/11/2019, bà Triệu Thị Chính đã làm đơn kêu oan, kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Vậy, nếu bà Chính mà bị oan thì ai mới là người có tội trong vụ án nâng điểm khống cho 107 thí sinh ở Hà Giang?
Bà Triệu Thị Chính có bị xử oan không?
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Triệu Thị Chính đã đưa danh sách 13 thí sinh gồm con, cháu nhiều lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho ông Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí).
Trong số những thí sinh mà bà Chính đưa cho ông Nguyễn Thanh Hoài có con gái của ông Triệu Tài Vinh (nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Giang);
Có con bà Chúng Thị Chiên (Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh); có cháu của bà Nguyễn Thị Nga (vợ ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)…
Trong quá trình xét xử tại phiên tòa sơ thẩm vừa qua, bà Chính khai chỉ “nhờ xem điểm” chứ không “nhờ nâng điểm”.
Thế nhưng, Hội đồng xét xử đã cho biết tại biên bản làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục ngày 16/7/2018, bị cáo Chính đã thừa nhận việc nhờ Hoài nâng điểm Ngữ văn cho từng thí sinh.
Đặc biệt, đại diện Viện Kiểm sát tỉnh Hà Giang đã công bố tin nhắn qua lại giữa bà Nga và bà Chính cho chúng ta thấy những tin nhắn đó không phải là “nhờ xem điểm” như bà Chính khai trước tòa.
Bởi bà Nga nhắn: "Mình có đứa cháu thi 12 vừa rồi, bạn giúp mình với nhé" thì sau đó bà Chính nhắn lại: "Hôm nay em mới đọc tin nhắn chị ơi. Em sẽ cố gắng xem xét môn thi tự luận, khó khăn lắm chị ạ. Thương các cháu Hà Giang mình". Vậy mà trước tòa bà Chính nói không nhớ mặt bà Nga là sao?
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài bị đề nghị mức án cao nhất 9 năm tù |
Trước tòa, bà Triệu Thị Chính cho rằng cấp dưới của mình là ông Hoài, ông Lương đã cố tình đẩy bà vào vụ án gian lận điểm thi nên bà mới nói:
“Tôi có nói với anh Hoài tại sao đối xử với tôi như thế, tôi không làm điều gì sai cả. Tôi chỉ đưa anh danh sách 13 cháu là con của một số lãnh đạo, người thân, đồng chí, đồng nghiệp”.
Một người đang là Phó Giám đốc Sở Giáo dục, là Phó Chủ tịch Hội đồng thi kiêm Trưởng ban chấm thi của tỉnh Hà Giang năm 2018 mà đưa danh sách 13 thí sinh là con lãnh đạo, con người thân cho cấp dưới “xem điểm” mà bà Chính nói mình không có tội hay sao?
Nếu bà Triệu Thị Chính kêu oan, khẳng định mình không có tội trong vụ án này thì ai mới là người gây ra vụ án chấn động dư luận và đáng xấu hổ này?
Tại sao danh sách 13 thí sinh mà bà Chính cầm đưa cho cấp dưới toàn là con lãnh đạo để “nhờ xem điểm” chứ không phải là con của những người dân khổ cực một nắng hai sương? Tại sao những thí sinh “nhờ xem điểm” thi mà sau đó thì toàn bộ các thí sinh này đều được nâng điểm thi?
Chao ôi! Hà Giang sao có những chuyện khôi hài và tréo ngoe đến vậy nhỉ?Không biết có phải là truyện tiếu lâm thời hiện đại hay không nhưng dư luận đang chứng kiến nhiều chuyện nực cười.
Đó là chuyện cháu ngoại được sửa điểm thi còn bà ngoại bị kỷ luật; con gái được nâng điểm, mẹ bị kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm, cha thì không sao còn cô ruột thì bị kỷ luật vì tác động nâng điểm cho cháu…!
Bây giờ, bà Triệu Thị Chính còn làm làm đơn kêu oan, kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Không biết bà Chính oan ở chỗ nào, oan về cái gì không biết nữa? Hà Giang còn bao nhiêu chuyện tương tự như thế này nữa đây?
Tài liệu tham khảo:
//thanhnien.vn/thoi-su/cuu-pho-giam-doc-so-giao-duc-dao-tao-ha-giang-trieu-thi-chinh-khang-cao-keu-oan-1145453.html