Chinatimes Đài Loan ngày 12/3 có bài viết bình luận về vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trên Biển Đông. Tác giả cho rằng, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc có thể đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines trước tháng 5/2016.
Lưu Phục Quốc, học giả đến từ Trung tâm Quan hệ quốc tế, Đại học Chính trị Quốc lập Đài Loan |
Lưu Phục Quốc, cựu ủy viên Ủy ban Nghiên cứu chính sách Bộ Ngoại giao Đài Loan và hiện là nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm quan hệ quốc tế, Đại học Chính trị Quốc lập Đài Loan cho rằng, truyền thông Trung Quốc gần đây liên tục phát đi "tín hiệu" với Đài Loan trong vấn đề Biển Đông.
Họ yêu cầu sau khi nhậm chức, bà Thái Anh Văn nếu từ bỏ lập trường ở Biển Đông thì Trung Quốc sẽ sẵn sàng triển khai hành động "kiềm chế". Lưu Phục Quốc lưu ý, vấn đề Biển Đông liên quan đến quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc và giữa Đài Loan với Hoa Kỳ.
Hơn nữa, vụ kiện của Philippines có thể ảnh hưởng đến cái gọi là "chủ quyền" của Đài Loan đối với đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Quan chức Mỹ từng yêu cầu Đài Loan từ bỏ yêu sách đường 11 đoạn (vô lý, phi pháp) ở Biển Đông.
Vì vậy, Lưu Phục Quốc cho rằng, khi lên cầm quyền, bà Thái Anh Văn không thể cố ý hưởng ứng lập trường của bất cứ bên nào.
"Đường 11 đoạn" là do chính quyền Tưởng Giới Thạch tự vẽ ra. Sau năm 1949, Mao Trạch Đông tiếp tục yêu sách vô lý này và bỏ 2 đoạn.
Lưu Phục Quốc lo ngại bà Thái Anh Văn từ bỏ yêu sách sai trái này sẽ ảnh hưởng đến lòng tin quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng đến cái gọi là "lợi ích quốc gia" mà ông Mã Anh Cửu cố tình thúc đẩy với hành động khiêu khích nhất là sự kiện Mã Anh Cửu cố tình đến thăm trái phép đảo Ba Bình (Khánh Hòa, Việt Nam) vào ngày 28/1/2016.
Sau khi có cuộc “hội đàm lịch sử” với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ở Singapore vào ngày 7/11/2015, người đứng đầu Đài Loan thuộc Quốc Dân Đảng, ông Mã Anh Cửu đã có rất nhiều động thái gây chú ý trong vấn đề Biển Đông, gây nghi ngờ rằng các phát biểu và hành động của ông này liên quan đến Biển Đông sau đó đã có sự chi phối của Bắc Kinh.
Hy vọng rằng, bà Thái Anh Văn nhìn rõ sự thực lịch sử và tôn trọng luật pháp quốc tế, từ bỏ chủ trương “đường 11 đoạn” ở Biển Đông, từ đó gián tiếp bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) của Trung Quốc, góp phần vào bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.