Bắc Kinh "nói lấy được" trong vấn đề Biển Đông

08/12/2014 07:10
Hồng Thủy
(GDVN) - Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thực tế nhằm cảnh báo các bên tranh chấp khác như Việt Nam, Malaysia và Brunei không khởi kiện Bắc Kinh.
Từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình - Chủ tịch Trung Quốc theo đuổi mạnh mẽ chủ trương bành trướng ở Biển Đông với nguyên tắc chỉ đạo cấp dưới đi đàm phán không ai chấp nhận được: "Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác".
Từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình - Chủ tịch Trung Quốc theo đuổi mạnh mẽ chủ trương bành trướng ở Biển Đông với nguyên tắc chỉ đạo cấp dưới đi đàm phán không ai chấp nhận được: "Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác".

Tân Hoa Xã ngày 7/12 đăng bài phỏng vấn Từ Hoằng, Vụ trưởng Vụ Luật và hiệp ước thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc về tuyên bố chính thức của Bắc Kinh liên quan đến vụ kiện đường lưỡi bò (vô lý, phi pháp) Trung Quốc trưng ra ở Biển Đông do Philippines khởi xướng.

Nguyên do Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố này được Từ Hoằng lý giải là vì Philippines "đã đơn phương khởi kiện tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế", chính phủ Trung Quốc nhắc lại quan điểm không chấp nhận, không tham gia phiên tòa này "nhưng người ta nghi ngờ, thậm chí bình luận một chiều gây hiểu nhầm luật pháp quốc tế và châm chọc Trung Quốc như kẻ thách thức luật pháp và thông lệ quốc tế"?!

Về căn cứ đưa ra nhận định tòa trọng tài Liên Hợp Quốc "không có thẩm quyền xử lý tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines", Từ Hoằng nói rằng có 3 luận điểm Bắc Kinh đưa ra chứng minh điều này. Thứ nhất, bản chất vụ kiện của Philippines là vấn đề chủ quyền lãnh thổ, nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Thủ tục giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ UNCLOS chỉ giới hạn trong các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng công ước và do đó không có thẩm quyền để giải quyết vấn đề nằm ngoài phạm vi UNCLOS.

Thứ hai, các thỏa thuận song phương đã đạt được giữa Trung Quốc và Philippines liên quan đến Biển Đông theo Từ Hoằng là hai bên đã đồng ý "giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán, loại trừ tất cả các phương tiện khác". Đây là một ràng buộc và theo luật quốc tế, hai bên có trách nhiệm tương hỗ. Việc Philippines "đơn phương khởi kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài, Manila đã vi phạm thỏa thuận giữa 2 quốc gia và vi phạm luật pháp quốc tế."

Thứ ba, các điều khoản giải quyết tranh chấp của UNCLOS: Dù nội dung Philippines khởi kiện có thể coi như một phần liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng UNCLOS và tạo thành một phần không thể thiếu trong phân định biển giữa Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bị loại trừ khỏi các biện pháp ràng buộc sau tuyên bố năm 2006 về việc Bắc Kinh không chịu ràng buộc bởi Điều 298 UNCLOS quy định về ứng dụng của tòa trọng tài và các thủ tục bắt buộc khác. Từ Hoằng kết luận, từ ba nội dung này có thể thấy Tòa án Trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển "rõ ràng không có thẩm quyền" thụ lý vụ kiện của Philippines.

Những ngụy biện, lấp liếm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hay phát biểu của Từ Hoằng chỉ nhằm hoãn binh, kéo dài thời gian để Bắc Kinh bành trướng ngoài thực địa, xây đảo nhân tạo và dựng căn cứ quân sự bất hợp pháp ở Trường Sa.
Những ngụy biện, lấp liếm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hay phát biểu của Từ Hoằng chỉ nhằm hoãn binh, kéo dài thời gian để Bắc Kinh bành trướng ngoài thực địa, xây đảo nhân tạo và dựng căn cứ quân sự bất hợp pháp ở Trường Sa.

Ở đây cần nói rõ chiêu trò ngụy biện, lập lờ đánh lận con đen của Từ Hoằng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuyên bố mới nhất này. Về lý do ra tuyên bố, Từ Hoằng nói Philippines kiện "tranh chấp" với Trung Quốc ra tòa án quốc tế là một kiểu nhập nhằng đánh tráo khái niệm pháp lý.

Philippines rõ ràng khởi kiện Trung Quốc giải thích và áp dụng sai UNCLOS dẫn đến xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven Biển Đông trong đó có Philippines, trong khi Trung Quốc là thành viên phê chuẩn UNCLOS và phải có nghĩa vụ tuân thủ. Cách đánh tráo khái niệm này nhằm dẫn tới các lập luận ngụy biện phía sau, từ việc "áp dụng và giải thích sai công ước" sang "tranh chấp chủ quyền" nhằm gạt vấn đề ra khỏi phạm vi UNCLOS - PV.

Về 3 lập luận Từ Hoằng đưa ra càng cho thấy rõ hơn điều này. Thứ nhất, như đã trình bày ở trên, sau khi đánh tráo khái niệm từ chỗ Philippines khởi kiện Bắc Kinh áp dụng và giải thích sai UNCLOS đối với yêu sách đường lưỡi bò thành "tranh chấp chủ quyền" để gạt vấn đề ra khỏi phạm vi UNCLOS, từ đó bác bỏ tòa trọng tài.

Philippines sẽ có câu trả lời của họ, nhưng từ những phân tích của các học giả quốc tế đều có thể thấy bản chất tuyên bố của Philippines với các "vùng biển tranh chấp" ở Biển Đông là tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo (cách hiểu của Manila về) UNCLOS, bao gồm 1 phần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và bãi cạn Scarborough (đang bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bất hợp pháp).

Lập luận thứ hai sẽ phải chờ câu trả lời của Philippines rằng có hay không chuyện 2 nước "thỏa thuận chỉ giải quyết vấn đề Biển Đông qua đàm phán tay đôi, loại trừ các biện pháp khác". Nhưng thực tế Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã nhiều lần công khai khẳng định rõ, Manila đã mất 18 năm nỗ lực đàm phán song phương với Trung Quốc nhưng không đi đến đâu trong khi Bắc Kinh cứ ngày một bành trướng, lấn tới, đe dọa và uy hiếp họ ở Biển Đông, Philippines buộc phải khởi kiện.

Sở dĩ đàm phán tay đôi với Bắc Kinh không thể đi đến đâu vì quan điểm bành trướng không thể chấp nhận được của Trung Nam Hải, đó là đối phương phải thừa nhận "chủ quyền thuộc Trung Quốc" rồi đàm phán gì thì đàm phán.

Lập luận thứ ba đã để lộ rõ dã tâm cũng như thủ đoạn ngang ngược, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế, bất chấp mọi lý lẽ của Trung Quốc. Trong khi ở phần đầu Từ Hoằng khăng khăng khẳng định như đinh đóng cột rằng Philippines kiện Trung Quốc "vấn đề chủ quyền ở Biển Đông", không phải việc áp dụng và giải thích UNCLOS thì trong lập luận này lại đưa ra cái "nếu".

Tức cứ cho là Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai UNCLOS thì Bắc Kinh đã có quyền miễn trừ, vì họ tuyên bố không tham gia các điều khoản và cơ chế bắt buộc của UNCLOS từ năm 2006. Thật là một tuyên bố xấc xược, coi trời bằng vung, dẫm đạp lên mọi nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế được thế giới thừa nhận, trong đó có cả Bắc Kinh - PV.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nhiều lần khẳng định, họ đã mất 18 năm đàm phán trực tiếp với Trung Quốc mà chẳng đi đến đâu, trái lại Bắc Kinh không ngừng bành trướng và gây sức ép trên thực địa.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nhiều lần khẳng định, họ đã mất 18 năm đàm phán trực tiếp với Trung Quốc mà chẳng đi đến đâu, trái lại Bắc Kinh không ngừng bành trướng và gây sức ép trên thực địa.

Tân Hoa Xã cũng phải thừa nhận rằng, có quan điểm cho rằng Philippines đã căn cứ vào UNCLOS và đó là một biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Trong khi Trung Quốc là một thành viên UNLCOS và là "nhà vô địch trong giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế", từ chối tham gia vụ kiện làm cho Trung Quốc trở nên khó coi, không mấy thuyết phục.

Từ Hoằng trả lời rằng Bắc Kinh đã xử lý hòa bình nhiều tranh chấp "thông qua cách riêng của mình", trong đó có 12/14 nước có tranh chấp biên giới trên bộ với Trung Quốc trừ Ấn Độ và Brhutan nên "đàm phán tay đôi với Bắc Kinh hay hơn trọng tài"?!

Hơn nữa Trung Quốc có quyền đưa ra "tờ khai" danh mục loại trừ các thủ tục bắt buộc. Nếu thành viên nào của UNCLOS nói riêng và các khuôn khổ pháp lý quốc tế nói chung cũng cho mình quyền tự miễn trừ với các điều khoản bất lợi cho họ, luật pháp quốc tế bị vứt vào sọt rác - PV.

Tân Hoa Xã tiếp tục thừa nhận rằng, một trong những mối quan tâm của Philippines và dư luận quốc tế là bản chất và cơ sở pháp lý nào để Bắc Kinh đưa ra đường yêu sách lưỡi bò, còn gọi là đường chữ U, đường đứt đoạn không thấy Trung Quốc nêu ra trong tuyên bố này của Bộ Ngoại giao. Từ Hoằng trả lời, chính phủ Trung Quốc công bố đường lưỡi bò năm 1948 và Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi bên trong đường đứt đoạn ở Biển Đông?! Nó đã hình thành trong suốt một thời kỳ lịch sử lâu dài căn cứ vào các sự kiện lịch sử và pháp lý?!

Một câu trả lời giả ngây giả ngô không thể chấp nhận được, cũng không thể tưởng tượng nổi khi nó được thốt ra từ miệng ông Vụ trưởng Vụ Luật và hiệp ước quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Có lẽ Từ Hoằng không đến nỗi dốt nát đến độ không hiểu câu hỏi của phóng  viên Tân Hoa Xã và cũng là của dư luận quốc tế, nhưng chỉ vì tham vọng bành trướng lãnh thổ còn chưa từ bỏ thì không có cách nào khác ngoài cách chọn kiểu lý luận lảng tránh và thói ngụy biện cả vú lấp miệng em.

Xung quanh động thái mới này của Bắc Kinh, tờ India Times của Ấn Độ hôm nay bình luận, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thực tế nhằm cảnh báo các bên tranh chấp khác như Việt Nam, Malaysia và Brunei không khởi kiện Bắc Kinh như Philippines đã làm bởi nếu điều này xảy ra sẽ đặt Trung Quốc "vào một tình thế khó khăn".

Tờ The Wall Streets Jounal ngày 7/12 dẫn lời Peter Dutton, Giám đốc cơ quan nghiên cứu Trung Quốc tại Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ bình luận, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rõ ràng nhằm gây ảnh hưởng "hẹn giờ" đến quyết định sắp tới của Tòa án Trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Tuy nhiên theo học giả này, dù sao đây cũng là một động thái tích cực khi Bắc Kinh lên tiếng về phiên tòa.

Hồng Thủy