Bắc Kinh sẽ chào đón Thủ tướng Mahathir Mohamad như bạn cũ

30/07/2018 09:57
Hồng Thủy
(GDVN) - Với ông Mahathir Mohamad, Bắc Kinh buộc phải giữ lễ, đối xử một cách tôn trọng và bình đẳng chứ không thể gây sức ép theo kiểu chiếu trên - chiếu dưới.

South China Morning Post ngày 29/7 đưa tin, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sẽ được Bắc Kinh chào đón như bạn cũ khi ông tới thăm chính thức Trung Quốc trong tháng Tám này.

Thông tin này được đặc sứ mà vị Thủ tướng 93 tuổi của Malaysia phái đến Bắc Kinh, ông Daim Zainuddin, tiết lộ với truyền thông.

Hai chính phủ đã đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh Trung Quốc - Malaysia đang được mong đợi. 

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, ảnh: AP / SCMP.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, ảnh: AP / SCMP.

Guo Yezhou, một quan chức cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gặp Tiến sĩ Mahathir Mohamad trước chuyến thăm Kuala Lumpur vào ngày mai 31/7, của Ngoại trưởng Vương Nghị.

Các cuộc đàm phán cấp cao về chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Mahathir Mohamad đã được tiến hành tại Malaysia từ thứ Sáu 27/7.

Thông tin ông Daim Zainuddin cung cấp là dấu hiệu cho thấy chính quyền Thủ tướng Mahathir Mohamad muốn xua tan nhận thức rằng, quyết định của ông trong việc đình chỉ dự án cơ sở hạ tầng 23 tỉ USD vay vốn Trung Quốc là "phản ánh chính sách thù địch với Bắc Kinh".

Ông Daim Zainuddin đã được Tiến sĩ Mahathir Mohamad chọn làm đặc sứ qua Bắc Kinh đàm phán lại các thỏa thuận mà Thủ tướng Malaysia tin rằng quá đắt đỏ, đẩy thua thiệt và rủi ro về phía Malaysia.

Daim Zainuddin năm nay 80 tuổi, từng là Bộ trưởng Tài chính trong nội các Tiến sĩ Mahathir Mohamad trong thời gian ông đảm nhiệm ghế Thủ tướng lần đầu tiên, từ năm 1981 đến năm 2003.

Ông cho biết người Trung Quốc đã thảo luận những gì họ muốn đạt được trong chuyến thăm của Tiến sĩ Mahathir Mohamad, Daim Zainuddin sẽ truyền đạt lại những điều này cho Thủ tướng Malaysia.

Bắc Kinh sẽ chào đón Thủ tướng Mahathir Mohamad như bạn cũ ảnh 2

"Tại sao phải sợ Trung Quốc? Mọi giao dịch thua lỗ với Trung Quốc phải kết thúc"

"Họ mong đợi chuyến thăm của Thủ tướng chúng tôi và mô tả đây là cuộc hội ngộ của những người bạn cũ", ông Daim Zainuddin nói.

Tiến sĩ Mahathir Mohamad đã đình chỉ một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn sử dụng vốn vay Trung Quốc, nhà thầu và công nhân Trung Quốc để đàm phán lại.

Động thái này dẫn đến một số đồn đoán rằng vị Thủ tướng 93 tuổi của Malaysia có chiến lược rộng hơn để duy trì khoảng cách ngoại giao với Bắc Kinh.

Ông Daim Zainuddin lưu ý, những suy đoán như vậy là "hoàn toàn sai lầm", đặc sứ của Thủ tướng Malaysia cho biết:

"Sự tôn trọng lẫn nhau là rất quan trọng. Chúng tôi coi trọng tình hữu nghị của nhau, cùng là thành viên châu Á, chúng tôi nhận thức sâu sắc về sự khác biệt văn hóa, cũng như hiểu được cảm xúc của nhau.

Đôi khi chúng tôi không đồng ý với nhau, nhưng không làm tổn hại mối quan hệ lâu dài giữa 2 nước."

Thủ tướng Mahathir Mohamad sẽ xem xét tiếp tục dự án Đường sắt liên kết bờ biển phía Đông (ECRL) trị giá 20 tỷ USD được chính phủ tiền nhiệm của ông Najib Razak giao cho Công ty Xây dựng kết nối Trung Quốc (CCCC), nếu doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc này đồng ý "giảm mạnh giá thầu".

Ông Daim Zainuddin cho rằng, Trung Quốc cũng giống như hầu hết các quốc gia từng là nạn nhân của các hiệp định bất công, biết ý nghĩa của sự công bằng với đất nước và người dân của mình. 

"Đối với Trung Quốc hay chúng tôi, công lý là quan trọng. Chúng tôi chia sẻ các giá trị chung", đặc sứ Daim Zainuddin nói.

Vành đai và Con đường, phân tích - bình luận

Các hoạt động ngoại giao con thoi giữa Malaysia và Trung Quốc dưới thời Tiến sĩ Mahathir Mohamad cho thấy vị Thủ tướng 93 tuổi này thực sự quyền biến và ứng phó rất linh hoạt.

Ông sẵn sàng đàm phán lại với Bắc Kinh và không khoan nhượng trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của quốc gia, dân tộc, nhưng giải pháp thì rất mềm dẻo, linh hoạt.

Kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, đình chỉ dự án để đàm phán lại với Trung Quốc, nhưng không vì thế mà ông làm mất mặt siêu cường châu Á, bởi với nhà lãnh đạo này, hiệu quả mới là thước đo của chính sách. 

Cho nên với những nhà lãnh đạo "dĩ bất biến, ứng vạn biến" như ông Mahathir Mohamad, Bắc Kinh buộc phải giữ lễ, đối xử một cách tôn trọng và bình đẳng chứ không thể gây sức ép theo kiểu chiếu trên - chiếu dưới.

Nguồn:

https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/2157347/malaysian-prime-minister-mahathir-mohamad-be-greeted-old-friend

Hồng Thủy