Hơn 10 ngày qua, “hot” nhất trên các báo nói chung và báo mạng nói riêng chính là những thông tin liên quan đến vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang. Không chỉ những tình tiết của vụ án, dư luận còn rất quan tâm, bàn luận về mức án nào mà “kẻ sát nhân máu lạnh” Lê Văn Luyện phải nhận. Những tranh cãi, bàn luận về vụ án thảm sát trở nên đặc biệt sôi nổi, sau khi một số luật sư nhận định Luyện chỉ có thể bị xử cao nhất 18 năm tù. Nguyên nhân là do Luyện chưa tròn 18 tuổi tại thời điểm gây án.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng tội ác mà Luyện gây ra là quá man rợ, tàn nhẫn, mất hết tính người khi cùng lúc giết cả ba người, trong đó có một em bé mới 18 tháng tuổi. Em bé may mắn thoát chết cũng bị thương tích rất nặng.
Vì thế, một bản án tử dành cho Lê Văn Luyện được cho là thích đáng nhất; và đương nhiên 18 năm tù – mức tối đa có thể tuyên phạt cho Luyện theo nhận định của các luật sư, là quá nhẹ, vừa không “xứng” với những hành vi phạm tội của cá nhân Luyện, mà còn không có tác dụng răn đe với cộng đồng nói chung, nhất là trong bối cảnh tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn hành vi, thủ đoạn phạm tội.
Cộng đồng mạng, đa phần là giới trẻ, như đang sôi lên với vấn đề này. Mới đây, trên mạng xã hội facebook còn xuất hiện nhiều trang được lập ra nhằm kêu gọi lấy 1 triệu chữ ký đề nghị tử hình Lê Văn Luyện.
Có lẽ đây là việc làm chưa từng xảy ra đối với các vụ án hình sự tại Việt Nam. Dẫu biết rằng có lấy được mấy triệu chữ ký đi chăng nữa thì hành động này không có nhiều ý nghĩa nào về mặt pháp lý, nhưng nó chắc chắn sẽ là một áp lực không nhỏ về tâm lý đối với những người tham gia tố tụng vụ án.
Cùng với những phản ứng mạnh mẽ từ dư luận xã hội, động thái trên của các cư dân mạng sẽ đặt những nhà làm luật, các cơ quan bảo vệ pháp luật một đầu bài về việc hoàn chỉnh hơn nữa hành lang pháp lý để bảo vệ an toàn trật tự xã hội, bên cạnh việc bảo vệ quyền trẻ em, trẻ vị thành niên. Đồng thời, điều này cũng cho thấy thái độ phản ứng mạnh mẽ trước cái ác của số đông, một “lực cản” cần thiết, đủ mạnh để duy trì cái thiện, bảo vệ điều tốt.
Nó xua đi nỗi ám ảnh về cái xấu ngày càng nhiều, và đang lấn át các chuẩn mực đạo đức, cũng như nỗi lo sợ về tội ác sao ngày càng dễ diễn ra, bất chấp các giải pháp mạnh mẽ mà các cơ quan bảo vệ pháp luật đang tiến hành.
Trong thư gửi đến báo Giáo dục Việt Nam, độc giả ký tên Hưng chia sẻ: “Quy tắc nào cũng có ngoại lệ. Luật pháp không thể thờ ơ khi dư luận lên tiếng. Có những trường hợp rất đáng được tha nhưng có những trường hợp phải nghiêm khắc hơn, nhất là đối với loại tội phạm có lỗi Cố Ý & mang tính bạo lực.
Mrhai lại nghĩ đơn giản : “giết người thì phải đền mạng”: “Kinh tế phát triển thì kéo theo con người và xã hội phát triển. vì vậy, bất kể là ai có ý thức, có ý giết người thì kéo theo là phải đền mạng. Trường hợp của tên sát nhân Luyện là có ý thức, lên kế hoạch rất tỉ mỉ (hơn cả người lớn tuổi), cố ý giết 3 người để chiếm đoạt tài sản” .
Trong khi đó, độc giả Hoàng Hà phân tích: “Tôi được biết, luật hình sự nhiều nước có điều khoản chịu án không được ân xá và mức án tính riêng từng trường hợp. Trường hợp tên Luyện: Cướp của và giết 3 người, 1 người không chết là ngoài ý muốn của hắn. Như vậy, hắn có thể chịu mức án cho từng trường hợp là 18 năm (cho sát thủ dưới 18 tuổi), án cướp của tính riêng. Tổng hợp là 4 án 18 năm và án cướp của (ví dụ 10 năm nữa). Tình tiết tăng nặng là không được hưởng ân xá. Như vậy luật mới vùa có tính răn đe, vừa có tính giáo dục”.
Nhiều ý kiến ủng hộ việc xem xét sửa đối luật. Độc giả le van tai viết: “Tôi thấy nhà nước và quốc hội nên thông qua sửa đổi luật càng nhanh càng tốt. Nếu bây giờ tôi thử hỏi những đứa ăn chơi đua đòi không chịu học hành lao động, không có sự quản lý của bố mẹ, bị các đối tượng xấu lợi dụng thì xã hội phải đối mặt với nạn tuổi vị thành niên phạm tội là rất lớn. Ví dụ nó thuê những đứa vị thành niên này giết người mà chỉ đi tù tối đa 18 năm, quá vô lí”.
Độc giả Phạm Thị Xen tỏ ra bức xúc: “Nếu không sửa lại luật thì chắc chắn sẽ có nhiều vụ án còn man rợ hơn nữa xảy ra và không phải chỉ là 3 mạng người mà có thể nhiều hơn nữa, và thủ phạm cũng chính là những kẻ dưới 18 tuổi”.
Bạn Le Thao đề nghị: “Nếu không xử nghiêm trường hợp này thì sau này sẽ có vô số kẻ lợi dụng chưa đủ 18 tuổi để phạm tội hoặc sẽ bị những kẻ khác lợi dụng để làm những chuyện phạm pháp”.
Suy xét một cách kĩ lưỡng, bạn Đào Tiến Khoa kiến nghị:“Chúng ta không chỉ đưa việc điều chỉnh, sửa đổi luật hình sự lên bàn mà còn phải cần cùng nhau suy nghĩ, tìm hiểu những nguyên nhân nào đưa đến hiện trạng suy đồi của đạo đức con người trong xã hội VN hiện nay. Chắc chắn ngành giáo dục đào tạo có một phần trách nhiệm lớn, nhưng nguyên nhân lớn nữa là một bộ phận không nhỏ trong xã hội chúng ta dường như đã quen chấp nhận các sai trái, dối trá, lối sống tha hóa... là bình thường. Điều này cảnh báo về một khủng hoảng còn lớn hơn”.
Những ý kiến phản hồi của cư dân mạng cũng khiến người đọc có nhiều cảm xúc. Bên cạnh luồng ý kiến cho rằng phải xử lý tử hình Lê Văn Luyện, với thái độ đầy căm phẫn, bức xúc –là một luồng ý kiến khác. Đó là thái độ “thượng tôn pháp luật”.
Theo luồng ý kiến này, luật pháp được xây dựng để điều chỉnh hành vi của mọi công dân, trong đó có chủ đích bảo vệ trẻ em. Không thể vì phẫn nộ mà xử ngoài khung. Dù chưa hoàn hảo nhưng luật pháp được lập ra để bảo vệ số đông, nếu được thi hành nghiêm thì đó là điều đáng mừng, thể hiện sự tiến bộ của xã hội, không nên điều chỉnh tùy tiện nhằm giải quyết những xung đột nhất thời. Bạn đọc ký tên edu đặt vấn đề: “Một số nước trên thế giới đã không có án tử hình. Sao Việt Nam lại muốn điều chỉnh?”.
Bên cạnh đó, độc giả Lê Văn Nhung hưởng ứng phát biểu của bà Lê Thị Thu Ba, Phó Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TW đăng tải trên báo Giáo dục Việt Nam: “Từ vụ án Lê Văn Luyện, đặt vấn đề thay đổi luật”. Độc giả này viết: “ Đúng. Hoan nghênh bà Thu Ba, như thế là đúng " Luật vẫn là luật". Luật không làm cho cá thể mà là cái rất chung. Riêng trường hợp Lê Văn Luyện, tội ác tày trời - Trời không dung, đất không tha. Hãy xử kẻ thú tính này một bản án sao cho hợp với lẽ đời, đúng với cái tội quá ác tâm”.
Có thể nói rằng, sự căm phẫn của công chúng trước hành vi man rợ của Lê Văn Luyện chính là bản án lương tâm nặng nề nhất ám ảnh cả phần đời còn lại của kẻ phạm tội. Chúng ta cần phải có niềm tin về một lớp trẻ có đủ tri thức, tầm nhìn, bản lĩnh để làm chủ cuộc đời mình, đang ngày đêm cống hiến, góp phần quan trọng để xây dựng xã hội ngày càng phát triển. Trong giới trẻ, Lê Văn Luyện chỉ là cá biệt!