Ảnh: minh họa, nguồn internet |
Trước khi điểm qua những sự kiện hãy còn nóng hổi, hãy nhớ lại một câu chuyện bắn hay không bắn cách đây đã lâu. Năm 1980, ông Đoàn Duy Thành, Nguyên Phó thủ tướng chính phủ, khi còn làm Chủ tịch Hải Phòng, đã đưa ra một quyết định mà đến bây giờ vẫn chưa hết tranh cãi: Cho thi hành án tử hình 8 phạm nhân ngay trước nhà hát nhân thành phố vào 7h sáng, chính quyền chủ động thông báo cho hàng vạn người dân đến xem trực tiếp. Nạn trộm cướp nổi lên như rươi khắp thành phố là nguyên nhân chính khiến Hải Phòng đưa ra quyết định khác thường ấy. Tác dụng của cuộc xử bắn công khai và đại chúng, theo mô tả của ông Thành là đã làm cho "nhiều tên tội phạm có tiền án tiền sự đái cả ra quần, có tên sợ quá chết ngất đi. Quần chúng đi xem hả hê, thấy pháp luật nhà nước nghiêm minh. Tình hình an ninh trật tự tốt dần lên, trộm cắp giảm hẳn". Xưa nay, việc tử hình thường được tiến hành rất sớm, ở nơi xa dân cư, ít người tới dự để tránh cảm giác ghê rợn khi số mạng của một người bị kết liễu. Thế nên, rất dễ hiểu việc xử tử của Hải Phòng khi ấy đã đi vào câu ca dao mang đậm tính mỉa mai "biến nơi văn hoá thành nơi pháp trường". Sau đợt ấy, nhà hát nhân dân không bao giờ trở thành pháp trường thêm một lần nữa. Quay lại chuyện đề xuất của Bộ Công an. Vài ngày sau khi đề xuất được công khai, trên mạng xã hội xuất hiện một clip khiến cộng đồng cực kì phẫn nộ. Một công an viên và 3 dân phòng (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) đã còng tay một dân thường đang cởi trần mặc quần đùi. Mặc cho ông này giãy giụa kêu la và đề nghị "vô nhà lập biên bản đàng hoàng", những người thi hành công vụ vẫn lạnh lùng ném ông lên yên xe máy rồi hất đầu lộn đầu nạn nhân xuống đất, như hất một con vật sắp bị làm thịt. Chưa được quyền bắn, nhưng một số người thi hành công vụ đã rất biết cách thể hiện quyền lực tuyệt đối của mình đối với những "ông chủ nhân dân" trong tay không tấc sắt. Ngày 17/2 Trung tá Dương Văn Dũng, Phó trưởng công an xã Tắc Vân (TP. Cà Mau) đã rút súng găm đạn vào mang tai anh Huỳnh Nhật Quang. Công an xã này báo cáo lên trên rằng, ông Dũng bắn vì anh Quang chống người thi hành công vụ. Báo cáo ấy không thể lý giải được vì sao cả hai tay anh Quang bị còng mà lại có thể "chống người thi hành công vụ" ngay giữa trụ sở Ủy ban xã. Và ông Phó trưởng công an xã này cũng không giải thích được tại sao ông ta lại thích nổ súng đến như vậy. Một dân phòng của xã này cho biết: Khi hỏi cung một tên trộm vặt, ông trung tá cũng nổ súng; rượt một người vi phạm giao thông - nổ súng; một ông chồng đánh vợ đã bị còng tay sắp đưa về trụ sở công an, ông Dũng cũng nổ súng. Không biết khi được quyền bắn, thì ông Dũng và những người giống ông, sẽ còn tác oai tác quái đến thế nào? Không chỉ có ông Dũng, chỉ cần gõ vài từ khoá kiểu "công an nổ súng", sẽ thấy hiện ra ngay những câu chuyện đau lòng với nhiều cái chết tức tưởi do súng của người thi hành công vụ. Câu chuyện "biến nơi nhà hát thành nơi pháp trường" của Hải Phòng năm xưa, dù vẫn có nhiều người phản đối, nhưng nó cũng gợi ý một điều: Trong những trường hợp cấp bách và tình thế nghiêm trọng đe doạ đến sự an nguy xã hội, thì có thể sử dụng những biện pháp rất mạnh để răn đe, cảnh cáo. Theo số liệu của Bộ Công an, thì trong 10 năm có 8.500 vụ với 13.700 đối tượng chống người thi hành công vụ. Số liệu này nhằm nói lên sự cần thiết phải có biện pháp rất mạnh như cho phép bắn, để trấn áp. Tuy nhiên, số liệu đó là chưa đủ cho một chính sách mới. Một nhà báo nổi tiếng đã đặt vấn đề: "Cần phải có thống kê xem hàng năm con số này tăng giảm thế nào so với năm trước? Trong 10 năm ấy có bao nhiêu vụ công an, người thi hành công vụ đánh dân, làm dân chết, bị thương? Chỉ khi những tổn thất do dân gây ra đến mức đe dọa công an thì mới có thể tính tới giải pháp tăng thêm giải pháp cho công an tự vệ". Hãy nhớ một nguyên lý và cũng là chân lý: Khi chưa kiểm soát được lạm quyền thi tốt nhất không trao thêm quyền. Một đề xuất không hợp lý, sau khi thực hiện, có thể rút lại, hủy bỏ. Nhưng viên đạn sau khi bay ra khỏi nòng thì không bao giờ rút lại được nữa. Mạng sống cũng vậy.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Bùi Hải